Đưa lao động sang Nga như “buôn người”
Trụ sở chính tại Matxcơva - Nga, nhưng 2 Công ty Vinastar và Garizon Open thiết lập nhiều “chân rết”, môi giới tại Việt Nam, tuyển, đưa người sang làm thợ may. Hứa hẹn trả mức lương cao nhưng thực tế, 2 doanh nghiệp này tìm mọi cách để bòn rút sức khỏe, kinh tế của người lao động.
Hứa một đằng, làm một nẻo
Thông tin được lãnh đạo Cục CSHS - Bộ Công an xác nhận với PV ngày 20/9 cho biết, cơ quan này đã khởi tố vụ án hình sự đối với một số đối tượng trong và ngoài nước câu kết với nhau đưa người lao động sang Nga, sau đó cưỡng ép, bóc lột sức lao động.
Đây là sự việc diễn ra trong thời gian khá dài, ở nhiều địa phương, và sự thật về những lời hứa hẹn, hợp đồng tuyển người đi xuất khẩu lao động chỉ bị lật tẩy khi một trong những lao động đã tìm cách về được Việt Nam, tố giác hành vi bất nhân của đám người tuyển dụng. Nguyên đơn là chị Nhân, trú tại quận Bình Tân, TP Hồ Chí Minh. Lá đơn của chị Nhân có gần trăm chữ ký - kêu cứu của người lao động tại Nga.
Sang bên nước bạn, hộ chiếu của mọi người đều bị giữ lại (Ảnh minh họa)
Theo tường trình của chị Nhân, tháng 5/2012, thông qua một Công ty TNHH trụ sở tại TP Hồ Chí Minh, chị đã nộp 12 triệu đồng để được xuất khẩu lao động sang Nga. Công ty TNHH này chỉ đóng vai trò môi giới, còn đơn vị tuyển dụng lao động trực tiếp là Công ty Vinastar, trụ sở tại Matxcơva. Đơn vị tuyển dụng hứa hẹn chị Nhân sẽ làm nghề may, thu nhập trung bình 700 USD/tháng, thời hạn lao động 3 năm. Mọi kinh phí, thủ tục để chị Nhân sang Nga làm việc sẽ do Công ty Vinastar lo, cùng với việc “bao cấp” nơi ăn ở.
Tuy nhiên, sự khác thường đã được chị Nhân nhận thấy ngay khi cầm Visa, lên máy bay. Thông tin Visa thể hiện mục đích chị Nhân xuất cảnh sang Nga là thăm thân, trong thời hạn chưa đầy 2 tháng.
Sang đến nước bạn, hộ chiếu của chị Nhân bị thu giữ, kèm theo yêu cầu ký lại hợp đồng lao động với nội dung khác hoàn toàn hợp đồng đã ký tại Việt Nam. Biết gặp đối tượng xấu, chị Nhân kiên quyết không ký hợp đồng và dọa sẽ đến cơ quan chức năng sở tại tố cáo.
Trước tình huống này, Công ty Vinastar đã bắt chị Nhân phải hoàn lại chi phí sang Nga là 2.500 USD, và tự lo tiền vé máy bay về nước. Những ngày ngắn ngủi bên Nga, tại cơ sở sản xuất của Công ty Vinastar, chị Nhân chứng kiến cảnh lao động người Việt bị bóc lột, đối xử như tù nhân. Khi về đến Việt Nam, chị Nhân đã làm và đem theo đơn kêu cứu của hơn 100 người lao động đang làm việc tại Công ty Vinastar ở Nga đến các cơ quan chức năng.
Trục lợi bất chính
Từ thời điểm nhận được đơn tố cáo của chị Nhân đến nay, cơ quan chức năng Việt Nam phối hợp với nước bạn đã đưa được hơn 80 người về nước. Cục CSHS - Bộ Công an đã chủ động tiếp cận với những người lao động này để xác minh, làm rõ dấu hiệu vi phạm pháp luật của các đối tượng, tổ chức môi giới xuất khẩu lao động, từ đó phối hợp với Nga để có biện pháp xử lý với đơn vị tuyển dụng lao động.
CQĐT xác định, phần lớn người lao động Việt Nam trong đơn kêu cứu đều làm việc ở 2 Công ty Vinastar và Garizon Open, trụ sở tại Matxcơva. Từ năm 2010, Công ty Vinastar đã tuyển hơn 100 lao động từ Việt Nam sang, nhưng chỉ có 45 người có danh sách đăng ký tại Cục Quản lý lao động ngoài nước. Đến thời điểm này, cơ quan chức năng đã làm rõ 3 đối tượng ở Việt Nam đứng ra tuyển dụng và tổ chức cho nhiều người lao động xuất cảnh sang làm việc tại Công ty Vinastar.
Số đối tượng này sử dụng hợp đồng ký sẵn của Công ty Vinastar để đưa các lao động trong nước có nhu cầu đi xuất khẩu lao động, và yêu cầu họ phải đặt cọc từ 10-15 triệu đồng. Tuy nhiên, các trường hợp mà 3 đối tượng này đưa sang Nga lao động đều không có thị thực nhập cảnh theo diện lao động.
Sang đến Nga, người lao động bị thu hết hộ chiếu, trở thành lao động “chui” bởi nếu đi ra ngoài sẽ bị Cảnh sát Nga bắt giữ ngay vì không có giấy tờ tùy thân. Theo phản ánh của người lao động, hàng ngày, họ phải làm quần quật trong các xưởng may từ 12 - 18 tiếng đồng hồ, dưới sự canh chừng chặt chẽ của đám bảo vệ.
Mức lương mà Công ty Vinastar bắt người lao động ký lại khi sang Nga là 500 USD/tháng, nhưng luôn bị tìm cách trừ các loại chi phí. Đáng chú ý, số tiền lương này bị trừ vào khoản 2.500 USD mà Công ty “lo” cho người lao động sang, cùng khoảng 1.400 USD tiền “đóng khẩu”. “Sự thực, Công ty Vinastar thường “quên” đóng khẩu cho chúng tôi, và trong một đợt cơ quan chức năng nước sở tại đi kiểm tra xưởng may của công ty, đã phát hiện 20 người lao động Việt Nam không có hộ chiếu và đăng ký khẩu”, một lao động cho biết.
Vụ án đang được khai thác mở rộng; đề nghị ai là bị hại của 2 Công ty nêu trên, liên hệ với Phòng 6 - Cục CSHS Bộ Công an để giải quyết. Điện thoại: 06944037.