Dự báo đúng, tháp truyền hình vẫn đổ?

“Tháp truyền hình bị đổ, địa phương có phê bình chúng tôi dự báo chưa chính xác. Giả sử, chúng tôi dự báo chính xác hơn, thay vì trước 24 giờ thì trước 36 giờ chẳng hạn, liệu tháp có đổ không?”.

Thờ ơ với bản tin dự báo

Ngày 12/12, Trung tâm khí tượng thủy văn quốc gia tổ chức hội thảo “Tăng cường phối hợp tuyên truyền bản tin dự báo bão, lũ trên các phương tiện thông tin đại chúng”. Ông Bùi Văn Đức, Tổng giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia cho rằng: “Người dân thờ ơ bản tin dự báo thời tiết, đến lúc xảy ra thiên tai lại kêu thiệt hại”.

Ông Đức nhắc lại cơn bão số 8 (bão Sơn Tinh) vừa qua, khi mới xuất hiện từ ngoài Biển Đông, Trung tâm đã có cảnh báo. Nếu bão ở xa, 6 giờ có một bản tin, bão gần (trong Biển Đông), 3 giờ có bản tin. Tổng cộng về cơn bão Sơn Tinh, Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn T.Ư đã có 36 bản tin. Cán bộ và người dân có người theo dõi không hết 36 bản tin nên phát biểu oan cho ngành khí tượng thuỷ văn.

Ông Đức dẫn chứng, cơn bão số 8, tỉnh Nam Định thiệt hại nhiều nhất, tháp truyền hình bị đổ. Địa phương có phê bình dự báo chưa chính xác. Trước 24 giờ bão đổ bộ, nếu các địa phương theo dõi sát có thể thấy dự báo đúng. Độ chính xác không thua kém trung tâm nào trên thế giới. Còn các bản tin dự báo xa hơn, như đã nói chỉ có ý nghĩa tham khảo. “Giả sử chúng tôi dự báo chính xác hơn, thay vì trước 24 giờ thì trước 36 giờ chẳng hạn, liệu tháp có đổ không? Việc đó không thuộc về lỗi Trung tâm Khí tượng Thuỷ văn”, ông Đức khẳng định.

Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn T.Ư, ông Bùi Minh Tăng cho biết thêm, công tác phòng chống bão nếu không tốt sẽ gây thiệt hại lớn. Nhưng có những tài sản, dù cảnh báo tốt cũng không chống đỡ được. Ví dụ tháp truyền hình Nam Định, dù biết trước cũng không thể chống đỡ. 

“Sau khi tháp đổ, tỉnh Nam Định cho rằng bão phải cấp to hơn, không thể là cấp 11, cấp 12. Cách tháp truyền hình khoảng 400m, chúng tôi có một trạm khí tượng, trang bị máy móc nhập khẩu từ Mỹ hoạt động tốt. Máy này ghi lại toàn bộ gió ở đó mạnh nhất cấp 9, giật cấp 11”, ông Tăng nói.

Bên cạnh đó, theo ông Tăng, chất lượng bản tin dự báo còn phụ thuộc vào chất lượng đội ngũ cán bộ mỗi địa phương. Có địa phương, đội ngũ cán bộ làm chưa được tốt. Ngoài ra, sự phối hợp của cán bộ Trung tân Dự báo Khí tượng Thuỷ văn với lãnh đạo ở vài địa phương là chưa tốt. Có địa phương, họp phòng chống lụt bão, không có sự tham gia của cán bộ Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn.

Dự báo đúng, tháp truyền hình vẫn đổ? - 1

Tháp truyền hình Nam Định đổ sập vắt ngang đường (Ảnh: Tuổi Trẻ)

Dự báo chỉ chính xác 24 giờ

Ông Bùi Minh Tăng cho rằng, người dân thường có sai lầm khi theo dõi bản tin dự báo bão. Ông Tăng lấy ví dụ, một bản tin dự báo bão có 3 phần gồm: hiện trạng, dự báo diễn biến, hướng đi và dự báo khu vực ảnh hưởng. Tuy nhiên, người theo dõi thường chỉ tập trung chú ý vào phần dự báo hướng đi. Phần quan trọng nhất là phần 3 dự báo khu vực ảnh hưởng, thường không chú ý.

Cũng theo ông Tăng, thời gian dự báo càng dài, độ chính xác càng kém. Công nghệ dự báo hiện nay, khoảng dự báo đến 24 giờ là đáng tin tưởng. Các dự báo từ 48 giờ và 72 giờ chỉ mang tính cảnh báo, tham khảo.

Ông Bùi Văn Đức cho biết thêm, bản tin báo bão có nhiều ý kiến phản ánh khó hiểu, không dễ gần với người dân. Tuy nhiên, bản tin thời tiết theo quy chế của chính phủ, nếu làm sai là phạm luật. Muốn sửa, phải sửa từ quy chế của Chính phủ. Người dân nên theo dõi bản tin cập nhật liên tục và chú ý đến phần dự báo khu vực ảnh hưởng của bão.
 
Các vị lãnh đạo Trung tâm khí tượng thủy văn quốc gia đồng tình về hạn chế của ngành trong công tác dự báo. Việt Nam mới chỉ dự báo được bão, áp thấp nhiệt đới, lũ nhưng chưa dự báo được lũ quét giông tố, lốc, mưa đá.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Dương Tùng ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN