Đột nhập thế giới súng phi pháp
Làm súng là một ngành công nghiệp đang ăn nên làm ra ở Philippines, cả trên phương diện hợp pháp lẫn phi pháp. Chính quyền đang cố tìm cách kiểm soát ngành công nghiệp súng lậu, nhưng xem ra phần thắng sẽ vẫn chỉ thuộc về các thợ súng lậu ở nước này.
Đất nước mê súng đạn
Một tiếng súng vang lên tại một nhà máy nằm ở ngoại ô Cebu, thành phố lớn thứ hai Philippines. Nhưng đây không phải là một vụ giết người bằng súng hay một vụ tranh cãi đã chuyển thành bạo lực như vẫn xảy ra ở Philippines. Tiếng súng phát ra từ điểm bắn thử ở Shooters Arms - nhà máy sản xuất súng lớn nhất nhì đất nước.
Shooters Arms sản xuất khoảng 20.000 khẩu súng ngắn và súng săn mỗi năm, với 85% các sản phẩm đều được bán ra nước ngoài, chủ yếu là Mỹ, Canada, Italia và Thái Lan.
Giám đốc điều hành Romel de Leon có kế hoạch lớn. Ông muốn mở rộng thị trường sang Đông Âu và thậm chí là Nam Mỹ. Hoạt động kinh doanh của ông có nhiều lợi thế cạnh tranh. Ông có lực lượng lao động với chi phí thấp và trình độ tay nghề cao. Họ có khả năng sử dụng hàng loạt các loại máy móc chuyên dụng và còn có thể thực hiện các công đoạn chỉnh sửa thủ công tỉ mẩn để tạo ra các loại vũ khí chất lượng cao.
Ông cũng có một thị trường trong nước hết sức màu mỡ. Quả thực, người Philippines rất mê súng ống, ngay cả Tổng thống Benigno Aquino cũng thừa nhận tình yêu này. Văn hóa súng đạn phát triển mạnh tại đây, kéo dài vài thế kỷ qua, hình thành từ các cuộc đấu tranh vũ trang chống lại người Tây Ban Nha và người Mỹ tới đô hộ.
Nhưng nhà máy của De Leon còn có chứa một khía cạnh mà ông coi là tích cực. Trong ngành công nghiệp sản xuất súng gây nhiều tranh cãi, ông có thể tự hào tuyên bố rằng mình là người đang khiến thế giới an toàn hơn, thay vì nguy hiểm hơn.
Nguyên nhân do rất nhiều người lao động của ông đã tới từ thành phố Danao nằm cạnh đó. Thành phố này nổi tiếng vì người dân có các kỹ năng làm súng rất tốt. Một phần lý do để De Leon thành lập công ty ở gần Danao là để thu hút tiềm năng của các thợ súng nơi đây. Họ đã làm những khẩu súng lậu không đăng ký, không được quản lý rồi tích trữ trong nhà suốt hàng thập kỷ qua.
"Khi chúng tôi thành lập công ty, chúng tôi đã thuê hơn 60% số nhân viên từ Danao. Thông qua việc tuyển dụng các lao động lành nghề này, chúng tôi đã cung cấp cho họ nguồn kiếm sống đàng hoàng và lôi họ ra khỏi hoạt động chế tạo súng trái phép" - De Leon nói đầy tự hào.
Nhưng thực tế việc De Leon tuyển mộ một số thợ súng của Danao không có nghĩa ngành công nghiệp sản xuất và buôn bán súng lậu ở đây sẽ dần ngừng hoạt động.
"Làm súng để có cái ăn"
Danao - một thành phố nằm cách Cebu chỉ chưa đầy một giờ chạy xe, được xem là trái tim của ngành sản xuất súng lậu Philippines. Các cánh đồng mía và các ngọn đồi quanh Danao là nơi che giấu hoạt động làm súng và bán súng không phép đã kéo dài suốt một thế kỷ qua. Tuy nhiên bí mật ở nơi đây vẫn thường bị hé lộ bởi tiếng súng nổ vu vơ và tiếng vọng dội lại.
Sau nhiều thập kỷ gắn liền với một khẩu súng ngắn chất lượng thấp gọi là "paltik", Danao đang nhanh chóng trở thành nguồn gốc của các loại súng khác mạnh hơn và rẻ hơn. Được rao bán tại đây là các khẩu súng trường như Armalite, súng ngắn tự động như KG-9, tiểu liên Uzi, Ingram và các loại súng trường tấn công như AR-15. Các thợ súng Danao còn có thể chế ống hãm thanh và các phụ kiện khác. "Làm súng là cách để người dân ở đây kiếm sống" - một người thợ súng 66 tuổi đề nghị giấu tên nói - "Không có đất trồng ngô, chẳng có gì để ăn cả. Người ta phải làm súng để có cái ăn".
Một trong những thợ súng không phép nổi tiếng nhất ở Danao là Kevin. Kevin còn rất trẻ và nhà anh nằm sâu trong các cánh đồng mía đường, khiến cho cảnh sát muốn bao vây tấn công nơi này cũng khó khăn. "Văn phòng" của Kevin là một cái lều tạm, nơi có một cái bàn đặt đủ các loại công cụ hỗ trợ cắt, giũa và đánh bóng thép. Cách đó vài mét là một "văn phòng" khác của một thợ làm súng khác. Những lều tạm như thế mọc lên nhan nhản khắp Danao.
Kevin nổi tiếng nhờ sản phẩm do anh phát minh ra: Một khẩu Ingram cỡ nhỏ. Sử dụng chỉ mỗi trí tưởng tượng, Kevin đã khiến khẩu súng tiểu liên này thu nhỏ hơn nữa về kích thước, nhưng vẫn có thể giết người như "đại ca" khổ lớn của nó.
Khẩu Ingram mini trông dễ thương và vô hại. Nhưng nó có thể bắn từ 18 - 20 viên đạn 9mm trong vòng 1 giây. Giá của nó khi mới xuất hiện: 4.000 peso (hơn 100USD). Kevin trình làng khẩu Ingram đầu tiên vào tháng 10.2001 và đã bán được 29 khẩu tính tới tháng 3 năm sau. Sự thành công của anh đã khiến các thợ súng bắt chước và giờ ở Danao đầy rẫy mẫu súng nhái sản phẩm của anh.
Kevin nói rằng anh đã học được nghề chế súng khi giúp cha làm súng. Anh làm được khẩu súng đầu tiên của mình vào năm lên 15 tuổi. Kỹ năng của anh giờ đã đủ để nuôi sống một vợ và hai con.
Giống phần lớn các thợ súng khác ở Danao, Kevin làm súng từ sắt vụn, vốn rẻ tiền và dễ kiếm. Kevin tin rằng khẩu mini-Ingram chỉ là khởi điểm của anh trong vai trò một nhà phát minh vũ khí. "Dự án tiếp theo của tôi là kết hợp các đặc tính của hai khẩu súng Uzi và Ingram" - anh nói - "Tôi sẽ gọi chúng là Uzi-gram.
Không có khả năng sáng chế súng như Kevin, nhưng thợ súng với biệt danh Alex lại có thể sao chép và tạo ra một khẩu súng giống y hệt "hàng xịn". Xưởng súng của Alex nằm trên một sườn đồi không thể sử dụng để trồng trọt của Danao, với không gian làm việc nằm gọn trên một chiếc bàn gỗ có kích thước rộng 60cm, dài 1,5m. Gà chạy quanh chân Alex và hai người thợ khác, khi họ đang giũa các linh kiện súng được kẹp chặt bằng êtô.
Alex nói rằng phần lớn công việc anh làm đều chỉ là thủ công, dựa vào sức lực của đôi bàn tay và các mảnh sắt vụn mua về từ điểm tái chế. Phải mất 1 tuần để 3 người đàn ông làm ra được một khẩu súng ngắn bán tự động bắn đạn cỡ 9mm. Nó rất giống "hàng xịn", thậm chí còn có các dấu hiệu riêng của nhà sản xuất. Với một kẻ tay mơ, họ sẽ sẵn sàng bỏ tiền ra mua mà không biết đã cầm trong tay khẩu súng nhái.
Một ngành công nghiệp ngầm
Những người thợ làm súng như Kevin đều không giấu được công việc của họ trước hàng xóm và thậm chí là cảnh sát. Nhưng bắt quả tang họ đang làm súng không phải chuyện dễ, bởi không gian làm việc nhỏ gọn, đồ nghề đơn giản, địa hình khó tiếp cận khiến họ luôn có thể trốn thoát khỏi các vụ bao vây của nhà chức trách mà không chịu thiệt hại gì lớn.
"Khách hàng của chúng tôi thường là các cơ quan an ninh, quan chức chính quyền, chính trị gia, cảnh sát và binh lính" - một thợ làm súng kỳ cựu đề nghị giấu tên cho biết.
Hoạt động bán súng ở đây đạt đỉnh điểm vào các cuộc bầu cử, với phần lớn các lô hàng sau đó sẽ đến các điểm nóng bầu cử. Súng của Danao được ưa chuộng tại Masbate, Nueva Ecija, thung lũng Cagayan, thành phố Iligan, Lanao del Norte, Pagadian, Ozamis, Dipolog, thành phố Cagayan de Oro và Zamboanga.
Thợ làm súng dựa vào những tay lái súng nhỏ để sống. Các tay lái súng này trực tiếp bán cho khách hàng và trả lại tiền cho thợ làm súng. Đưa súng cho khách lại là nhiệm vụ của các "viajero". Trong dây chuyền sản xuất súng không phép, đây là nhóm thú vị nhất. Họ có thể là những người phụ nữ bình thường giả đang mang bầu để vận chuyển vũ khí. Hoặc họ mang bầu thật, nhưng giả vờ vô hại khi đi qua các chốt kiểm soát.
Các viajero dựa vào phương tiện vận tải công cộng để chuyển hàng. Một số được "đối tác" hoặc bạn bè giúp đỡ chuyển hàng trên các con tàu, trên những chiếc xe buýt. Số khác để lẫn súng trong hàng hóa trên xe tải. Khi bị bắt, viajero thường tự giác giao nộp súng để không bị khởi tố. "Súng không có đạn. Điều đó có nghĩa chúng tôi không có ý giết ai cả" – một viajero nói.
Hoạt động với quy mô nhỏ hơn so với Kevin, đội thợ súng của Alex nhận đơn đặt hàng trực tiếp từ khách hàng mà không qua trung gian. Tất cả đều là thỏa thuận miệng, không có hợp đồng bằng văn bản. Các thợ súng này có chính sách "không hỏi" về danh tính của khách hàng, không giống như các điểm bán súng hợp pháp. Họ cũng không quan tâm tới việc khách hàng mua súng để làm gì.
Alex cho biết anh làm và bán vài khẩu súng mỗi tháng, mang về một số tiền đều đặn chừng 20.000 peso. Đây là khoản thu nhập lớn khi so sánh với một số người sống bên ngoài thành phố Cebu.
Anh nói rằng anh làm súng để con cái mình sau này không phải nối nghiệp cha. "Tôi muốn các con ít nhất được tới trường học hành và tìm được công việc thực thụ. Đó là lý do vì sao tôi phải kiếm tiền" - anh cho phóng viên tờ Asahi Shimbun biết.
Trong thế giới của súng đạn
Được biết, truyền thống làm súng ở Danao đã có từ thời Thế chiến thứ hai. Khi đó, người ta làm súng là để hỗ trợ cuộc chiến chống lại phát xít Nhật trong chiến tranh. Nhưng từ năm 1970 trở lại đây, súng lậu ở Philippines đã chảy tới cả nhiều băng nhóm tội phạm trên quốc tế, như Hội Tam hoàng hay Yakuza Nhật Bản. Do đặc điểm không có số nhận dạng, không thể truy tìm được tung tích nên súng lậu ở Philippines rất được thế giới ngầm ưa chuộng.
Tới Philippines hiện nay, du khách có thể sẽ hơi "hoảng" khi thấy súng đạn có mặt ở khắp nơi. Bảo vệ có súng đứng ngoài các ngân hàng, siêu thị và khu nhà ở cao cấp. Nhiều người Philippines giàu có cũng giữ súng ở nhà để tự vệ. Người dân thậm chí có thể mua súng tại những nơi như siêu thị, chừng nào họ có mang giấy phép do cảnh sát cấp trong người. Việc mua súng không phép lại càng dễ hơn.
Cảnh sát quốc gia Philippines cho biết, trong năm ngoái nước này có khoảng 1,2 triệu khẩu súng hợp pháp và chừng 600.000 khẩu không phép. Nhưng chuyên gia an ninh Ed Quitoriano - người thường xuyên tư vấn an ninh cho các đại sứ quán ở Philippines - nói rằng, phải có tới 4 triệu khẩu súng không phép tồn tại ở Philippines.
Súng đạn tràn lan, nhất là sự lưu hành của các khẩu súng trái phép, đã gây ra nhiều vấn đề đau đầu cho Philippines. Từ năm 2004 - 2007, có tới 97,9% các vụ phạm pháp sử dụng súng đều có liên quan tới súng lậu. Philippines cũng nằm ở vị trí nước có tỉ̉ lệ giết người bằng súng cao thứ 10 thế giới và súng lậu rõ ràng đã góp phần không nhỏ vào "thành tích" này.
Tình trạng phổ biến vũ khí ở Philippines đã gây chú ý kể từ tháng 1 năm nay, theo sau một loạt cái chết liên quan tới nổ súng. Trong đó gây phẫn nộ nhất là vụ 2 đứa trẻ bị đạn lạc bắn chết trong dịp năm mới. Ngoài ra còn phải kể tới vụ một tay súng cuồng loạn vì phê ma túy đã giết 7 người trong một khu ổ chuột; một vụ nổ súng khác liên quan tới các băng nhóm cờ bạc làm 13 người thiệt mạng.
Người nước ngoài cũng rỉ tai nhau việc tránh va chạm với người địa phương, bởi khả năng súng sẽ bất thình lình được lôi ra sử dụng. Đầu tháng 4 này, một người Australia đã bị bắn trúng đầu từ cự ly gần ở một resort nghỉ dưỡng gần bãi biển nơi ông quản lý. Cảnh sát nghi ngờ rằng một nhân viên cũ của ông này, do tức giận với phong cách quản lý của chủ lao động, đã ra tay thực hiện vụ giết người.
Cảnh sát quốc gia nói rằng các vụ việc như thế hầu như chỉ liên quan tới súng lậu, do các thợ súng trái phép làm ra. "Chúng tôi đã thấy những người làm súng lậu kiếm được việc làm khác, nhưng rồi vào ngày nghỉ, họ vẫn bí mật làm súng để kiếm thêm tiền" - một sĩ quan cảnh sát giấu tên nói với Asahi Shimbun - "Điều duy nhất chúng tôi có thể làm là cấp phép hợp pháp hóa việc làm súng của họ và ngăn chặn tội phạm mua những khẩu súng ấy".
Tuy nhiên, những hoạt động "hợp pháp hóa" kiểu này từng bị chỉ trích trước đây. Với sự hỗ trợ từ thành phố, những người thợ súng không phép thậm chí còn từng thành lập tổ chức công đoàn và mở một nhà máy chung vào năm 1984. Alex cùng các thợ súng của anh đã tham gia công đoàn, song nhiều người khác vẫn tiếp tục làm súng không phép bởi gia nhập công đoàn đã khiến họ tụt giảm thu nhập.
Quan trọng hơn, công đoàn đã không thể gia hạn giấy phép làm súng cho các thành viên bởi những lục đục nội bộ hình thành từ tháng 12/2010. Cuối cùng, công đoàn đã giải tán và tất cả các thợ súng lại trở lại xuất phát điểm.
Không tin vào công tác an ninh
Tổng thống Benigno Aquino đã mở chiến dịch dẹp bỏ súng lậu ở Philippines từ đầu năm nay. Nhưng dữ liệu chính quyền cho thấy tới giờ, mới chỉ có 2.200 khẩu súng lậu được thu hồi. Quitoriano đánh giá điều này cho thấy, chính quyền Philippines thiếu ý chí và cũng bất lực trong việc giải quyết vấn nạn súng lậu.
Quitoriano còn cho biết nhiều nhân vật cao cấp ở Philippines, gồm cả binh lính, cảnh sát và các chính trị gia, đã thu lợi từ hoạt động buôn súng lậu. Tình trạng tham nhũng của họ khiến cho việc chống súng lậu càng trở nên khó khăn. Ngoài ra, bầu không khí sợ hãi ở Philippines cũng khiến chợ đen phát triển hơn. "Nếu công chúng tin vào chính quyền hơn, họ sẽ chẳng phải tự vũ trang làm gì" - ông nói.
Alexander Reyes, người sở hữu cửa hàng bán súng Aquila Firearms and Ammunition Corp ở Manila đồng tình với nhận định này. "Súng đạn đã từng dùng để thể hiện, lấy le, vì súng đi kèm với sức mạnh" - Reyes nói - "Nhưng ngày hôm nay, súng đạn chủ yếu được dùng để tự vệ. Cảnh sát không thể bảo vệ anh 24/7".