Đồng ý cho xác động vật hoang dã làm thuốc
Các mẫu vật động vật hoang dã bị tịch thu do vi phạm hành chính sẽ được chuyển giao cho bệnh viện làm thuốc chữa bệnh.
Như tin đã đưa, Bệnh viện Y học cổ truyền Trung ương có văn bản đề nghị UBND thành phố Hà Nội bàn giao các mẫu vật động vật hoang dã bị tịch thu để làm thuốc chữa bệnh. Đây là những mẫu động vật bị tịch thu, đã chết, không thể quay lại môi trường.
Trước đề xuất của Bệnh viện Y học cổ truyền Trung ương, UBND thành phố Hà Nội đã giao cho các sở ngành liên quan xem xét bàn giao 119kg sừng hươu, 11kg xương hổ, 4kg xương khỉ và 263kg tê tê (bắt giữ được) cho viện này.
Theo Bệnh viện Y học cổ truyền những mẫu vật trên đều là những vị thuốc có giá trị sử dụng trong điều trị bệnh. Ngoài ra, bệnh viện này còn dùng để làm mẫu, phục vụ công tác đào tạo y bác sỹ trẻ. Đại diện của bệnh viện này cho rằng, mục đích họ xin tiếp nhận hoàn toàn phục vụ công việc nhân đạo và tuân thủ đúng pháp luật.
Nguồn tin riêng của PV, đại diện Bệnh viện Y học cổ truyền cho biết, UBND TP Hà Nội đã đồng ý theo đề nghị xin tiếp nhận các mẫu động vật hoang của bệnh viện. UBND Thành phố Hà Nội giao Sở NN và PTNT phối hợp với các sở, ngành liên quan chỉ đạo Chi cục Kiểm lâm Hà Nội kiểm tra thực tế và căn cứ các quy định hiện hành về việc xin tiếp nhận mẫu động vật hoang dã bị tịch thu do vi phạm hành chính để làm thuốc chữa bệnh.
Theo Thông tư 90/2008/TT-BNN ngày 28/08/2008 hướng dẫn xử lý tang vật là động vật rừng sau khi xử lý tịch thu, trường hợp đã chết hoặc bộ phận, sản phẩm của chúng được xử lý bằng một trong những biện pháp: Chuyển giao cho cơ quan khoa học, cơ sở đào tạo, giáo dục môi trường, bảo tàng chuyên ngành, cơ quan quản lý chuyên ngành, trung tâm cứu hộ loài đó để làm tiêu bản hoặc chuyển giao cơ sở y tế để nghiên cứu, bào chế thuốc.
Tuy nhiên, ông Trần Việt Hưng, Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV) cho rằng, mục đích của cơ quan chức năng khi thực thi pháp luật bảo vệ động vật hoang dã là ngăn chặn các vi phạm. Nhưng xa hơn nữa, đó là giáo dục, nâng cao nhận thức người dân về bảo vệ động vật, giảm thiểu nhu cầu về sử dụng, từ đó bảo vệ các loài này trong tự nhiên. Do vậy, không có lý do gì lại gián tiếp kích thích nhu cầu sử dụng của người dân bằng việc chuyển giao cho bệnh viện để làm thuốc.
Ông Hưng đề nghị xử lý các tang vật là động vật hoang dã theo phương án: Chuyển giao cho một đơn vị nghiên cứu khoa học, giáo dục (ví dụ như viện nghiên cứu, bảo tàng) của Nhà nước tuyệt đối không liên quan tới các hoạt động thương mại; Hoặc tiến hành tiêu hủy.
Chúng tôi sẽ tiếp tục cập nhật tin tức xung quanh việc này...