Đình thờ Thành hoàng hơn 300 tuổi ở Sài Gòn "kêu cứu"
Ngôi đình thờ Thành hoàng cổ nhất ở vùng đất Gia Định xưa nay với hơn 300 năm tuổi, hiện đang bị xuống cấp nghiêm trọng, có nguy cơ đổ sập bất cứ lúc nào.
Đình Thông Tây Hội được xây dựng vào năm 1698, tọa lạc tại số 107/1 Nguyễn Văn Lượng (nay là đường Thống Nhất, phường 11, quận Gò Vấp, TP.HCM). Nơi đây thờ Thành hoàng theo tục thờ thần của người Việt Nam và là ngôi đình cổ nhất của vùng đất Gia Định xưa và của cả Nam Bộ còn tồn tại.
Theo một số sử sách ghi lại, Thông Tây Hội là ngôi đình cổ của hai làng Hạnh Thông và Hạnh Thông Tây trên vùng đất Gia Định xưa. Năm 1944, hai làng cùng sáp nhập lại để lo việc tâm linh cho ngôi đình. Qua hai lần trùng tu lớn vào các năm 1896 và 1927, công trình vẫn giữ được gần như nguyên vẹn cấu trúc và vật liệu xây dựng của ngôi đình cổ ở Nam Bộ thế kỷ XVIII-XIX.
Năm 1998, đình Thông Tây Hội được xếp hạng Di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia.
Hiện nay, khu đình đang đối mặt với nguy cơ hư hỏng và xuống cấp nghiêm trọng. Trong đó, khu vực hội sở thờ tiên sư, nhà tiền hiền, hậu hiền có thể đổ sập bất cứ lúc nào. Nhiều cột đã bị mục nát. Vách gỗ, rui mè bị mối mọt. Mái ngói âm dương bị bể lỗ chỗ khắp nơi.
Do toàn bộ khu nhà này nằm thấp hơn nền xung quanh của di tích hơn 0,5m, nên vào mùa mưa nước ngập tứ bề, càng làm cho khu vực hội sở xuống cấp nhanh hơn. Toàn bộ các hiện vật thờ cúng nằm trong khu vực này đều phải di dời để tránh hư hỏng và bị mất cắp.
Ông Nguyễn Văn Tý - Trưởng ban trị sự đình Thông Tây Hội - cho biết: Mỗi năm, kinh phí Nhà nước cấp cho đình 27 triệu đồng để chi phí nhang, đèn, điện. Do đình bị xuống cấp nặng quá nên Ban trị sự chống đỡ tạm những nơi có nguy cơ đổ sập, để chờ cơ quan chức năng sửa chữa.
Phóng viên ghi nhận những hình ảnh xuống cấp tại đình Thông Tây Hội:
Đình Thông Tây Hội được xây dựng vào năm 1698, tọa lạc trên đường Thống Nhất, phường 11, quận Gò Vấp, TP.HCM.
Nơi đây, thờ Thành hoàng theo tục thờ thần của người Việt Nam và là ngôi đình cổ nhất của vùng đất Gia Định xưa và của cả Nam Bộ còn tồn tại.
Đình Thông Tây Hội gồm 2 tòa nhà kiểu tứ trụ, mái giáp nhau. Phía trước có 3 hương án gỗ hình vuông được chạm khắc tinh xảo.
Hệ thống cột, kèo của ngôi đình.
Nhiều trụ cột được sơn son thếp vàng.
Qua hai lần trùng tu lớn vào các năm 1896 và 1927, ngôi đình vẫn giữ được gần như nguyên vẹn cấu trúc và vật liệu xây dựng của ngôi đình cổ ở Nam Bộ thế kỷ XVIII-XIX.
Năm 1998, đình Thông Tây Hội được xếp hạng Di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia.
Tuy nhiên, khu đình đang đối mặt với nguy cơ hư hỏng và xuống cấp nghiêm trọng. Nhiều trụ cột ở khu nhà hội sở bị mục nát hoàn toàn.
Mái ngói âm dương cũng bị hư hỏng nặng.
Khu nhà hội sở xuống nằm thấp hơn nền xung quanh của di tích hơn 0,5m, nên vào mùa mưa nước ngập tứ bề, càng làm tình trạng xuống cấp nhanh hơn.
Để đối phó với tình trạng đình bị xuống cấp nặng, Ban trị sự chống đỡ tạm những nơi có nguy cơ đổ sập, để chờ cơ quan chức năng sửa chữa.
Do lo sợ khu vực này sập bất ngờ nên người dân không dám đến thắp hương.
Những cánh cửa hư hỏng bỏ phía sau nhà hội sở, trông rất hoang tàn.