Đêm nay, vệ tinh VN tách trạm vũ trụ ISS

Sau khi bị hoãn vào ngày 27/9 do tàu vận tải ATV-3 gặp sự cố, vệ tinh siêu nhỏ của Việt Nam sẽ được thả khỏi Trạm vũ trụ quốc tế ISS vào đêm nay 4/10 để bắt đầu nhiệm vụ của mình.

Cùng với vệ tinh F-1 của Việt Nam, bốn vệ tinh siêu nhỏ khác của Mỹ và Nhật cũng sẽ tham gia đợt thử nghiệm này. Nếu thành công, đây sẽ là một cột mốc quan trọng khi lần đầu tiên các vệ tinh nhỏ được thả khỏi Trạm ISS bằng cánh tay robot.

Thời điểm tiến hành thử nghiệm cũng là dịp kỷ niệm 55 năm ngày phóng Sputnik-1, vệ tinh nhân tạo đầu tiên của loài người (4-10-1957/4-10-2012).

Tổng cộng 5 vệ tinh (của Mỹ, Nhật Bản và Việt Nam) được lựa chọn tham gia thử nghiệm lần này và được đặt trong 2 ống phóng.

Đêm nay, vệ tinh VN tách trạm vũ trụ ISS - 1

5 vệ tinh nhỏ tập trung tại Trung tâm Vũ trụ Tsukuba, Nhật Bản trước khi được lắp lên tên lửa đẩy HII-B. Vệ tinh F-1 của Việt Nam thứ hai từ trái qua - Ảnh: JAXA (chụp ngày 25/6/2012)

Đêm nay, vệ tinh VN tách trạm vũ trụ ISS - 2

Phi hành gia Aki Hoshide sau khi lắp đặt xong 2 ống phóng J-SSOD chứa 5 vệ tinh nhỏ trong khoang điều áp của module Kibo để chuẩn bị thả ra ngoài. Vệ tinh F-1 nằm giữa FITSAT-1 và TechEdSat trong ống phóng bên dưới - Ảnh: NASA (chụp ngày 26/9/2012)

Theo thông tin từ FPT, kế hoạch thả các vệ tinh dự kiến như sau (theo giờ Việt Nam):

Đợt đầu, 21h35, thả WE WISH và RAIKO từ cơ cấu phóng số 1, phi hành gia Akihiko Hoshide điều khiển cánh tay robot.

Đợt sau, 22h35, thả TechEdSat, F-1 và FITSAT-1 từ cơ cấu phóng số 2, trạm mặt đất JAXA điều khiển cánh tay robot.

Kế hoạch trên thực tế có thể thay đổi tùy theo tình hình trên Trạm vũ trụ quốc tế ISS.

Sau khi tách rời khỏi Trạm ISS, vệ tinh F-1 sẽ phải chờ tối thiểu 30 phút mới bắt đầu thực hiện các công việc đầu tiên như bung ăngten, phát tín hiệu… để đảm bảo không gây ảnh hưởng đến các hoạt động trên Trạm không gian quốc tế.

Quỹ đạo ban đầu của vệ tinh F-1 sẽ tương tự quỹ đạo của Trạm ISS với các thông số chính: độ cao trung bình 416km (cận điểm 404km, viễn điểm 428km), nghiêng 51,6o so với mặt phẳng xích đạo, vận tốc trung bình 7,7km/giây, chu kỳ quay 93 phút/vòng quanh Trái đất.

Từ trạm mặt đất tại tòa nhà FPT, quận Cầu Giấy, Hà Nội, nhóm chuyên gia của FSpace sẽ gửi tín hiệu đến F-1 để vệ tinh này tiến hành chụp ảnh, ghi nhận các dữ liệu bên ngoài không gian nhờ vào một camera độ phân giải 640x480 và một cảm biến nhiệt độ.

Ngoài ra, F-1 còn mang theo một lá cờ Việt Nam, một thẻ nhớ chứa tên và lời nhắn của hơn 7.500 người tham gia chương trình “Gửi tên và lời nhắn lên vũ trụ trên vệ tinh F-1” trên website của FSpace. Cùng với đó là những hình ảnh về đất nước, con người và một số bài hát Việt Nam.

Nhờ có thời gian chế tạo ngắn, chi phí thấp và có thể tạo thành “chùm vệ tinh”, việc chế tạo những vệ tinh siêu nhỏ (duới 50kg) đang là một xu thế phát triển mạnh trên thế giới trong 10 năm qua.

Được sự ủng hộ của Bộ Khoa học và công nghệ, Liên đoàn Vũ trụ quốc tế IAF và Văn phòng các vấn đề vũ trụ Liên Hiệp Quốc UNOOSA, Công ty FPT đã bắt đầu dự án chế tạo vệ tinh F-1 từ năm 2008. Sự kiện F-1 được phóng thành công lên vũ trụ sẽ ghi thêm một dấu mốc cho ngành khoa học và công nghiệp vũ trụ còn non trẻ của Việt Nam, qua đó chứng tỏ năng lực của đội ngũ cán bộ kỹ thuật trong nước có thể từng bước làm chủ quy trình công nghệ chế tạo vệ tinh nhỏ để phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế xã hội và an ninh quốc phòng.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Duy Kỳ Anh (Tuổi Trẻ)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN