Dây xích sắt, khóa đồng lạnh lẽo trói cuộc đời chàng trai điên dại
6 năm nay, cuộc đời của anh Nguyễn Văn Học chưa một ngày bình yên. Dây xích sắt, khóa đồng lạnh lẽo đã trói buộc cả cuộc đời anh với cây cột nhà ở góc bếp. Nỗi khổ tâm của bố mẹ cứ theo đó lớn dần…
Một ngày mưa đầu tháng 11, chúng tôi tìm về thôn 8, xã Hòa Hải, huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) sau khi nghe câu chuyện đầy đau lòng của anh Nguyễn Văn Học (SN 1990), con trai của ông Nguyễn Văn Sơn (SN 1957) và bà Trần Thị Xuân (SN 1958).
Ngay từ đầu thôn, khi chúng tôi hỏi thăm đường về nhà ông Sơn, bà Xuân, một người dân đã nhiệt tình chỉ dẫn và không quên nói với theo: Nhà ông bà ấy tội nghiệp lắm, nhà 6 đứa con, được 2 đứa con trai thì một đứa đã mất, một đứa bị bệnh nay chỉ xích một chỗ, suốt ngày nói lảm nhảm vậy thôi.
Vừa đặt chân lên căn nhà 4 phía được thưng bằng những ván gỗ hở hếch, tôi đã nghe những tiếng nói không rõ và câu chuyện dở dang phát ra từ căn bếp trống. Thấy tôi hơi sững người, bà Xuân liền giải thích với ánh mắt đượm buồn: "Đứa con trai thứ 3 của tôi đấy, nó bị bệnh đã 7 – 8 năm nay rồi. Suốt ngày nó cứ khi tỉnh, khi mê, nói và cười điên dại như vậy…".
Bắt đầu câu chuyện bên chiếc bàn nhỏ, bà Xuân buồn bã kể về cuộc sống đầy khốn khổ của gia đình. Theo đó, ông Sơn và bà Xuân có với nhau 6 người con (2 trai, 4 gái). Năm 2013, căn bệnh viêm cầu thận đã cướp đi mạng sống của người con trai cả là anh Nguyễn Văn Hiền (SN 1983) sau 8 năm hành hạ và tốn kém nhiều tiền bạc của gia đình. Anh Hiền ra đi để lại một khoản nợ lớn cho gia đình cùng cuộc sống bấp bênh của vợ và 2 đứa con trai còn nhỏ dại (đứa 5 tuổi, đứa 7 tháng tuổi – PV).
Nỗi đau tưởng thế là quá đủ với gia đình ông Sơn, bà Xuân thì một lần nữa tai họa lại bủa vây khi người con trai còn lại của gia đình là anh Nguyễn Văn Học phát bệnh và ngày càng trầm trọng hơn.
Tháng 8.2008, anh Nguyễn Văn Học từ một chàng trai bình thường bỗng hóa căn bệnh điên dại và tai ương. Lúc đầu, anh chỉ xuất hiện các triệu chứng đau đầu, nói nhảm một mình rồi la hét, chạy ra con rào trước nhà mà lao mình xuống đó.
Nước mắt chực trào khi bà Xuân kể về cuộc sống đầy khó khăn của gia đình.
Thấy con có vẻ khác thường, bà Xuân và ông Sơn bàn nhau đưa con tới bệnh viện thăm khám. Tại đây, các bác sĩ đã thăm khám và tiêm thuốc cho anh. “Ngày nghe bác sĩ thông báo nó bị bệnh tâm thần phân liệt, gia đình tôi sốc lắm bởi đứa con ngoan, lành lặn bấy lâu sao giờ lại ra nông nỗi này. Thời gian đưa con đi viện, nó cứ lúc tỉnh lúc mê. Thời gian đầu lúc mới bị bệnh, tiêm thuốc một lần thì nó tỉnh được vài tuần, có khi được vài tháng, sau đó lại phát bệnh”, ánh mắt buồn, bà Xuân nói.
Được biết, trước khi bị bệnh, anh Học là cậu trai ngoan, rất giỏi sửa chữa điện và hay được hàng xóm nhờ sửa.
Bà Xuân tâm sự: Ngày nó bị bệnh, gia đình chúng tôi như suy sụp. Nhưng gạt đi nước mắt, vợ chồng tôi vẫn cố vay mượn để đưa con đến bệnh viện chữa trị. Mỗi khi được tiêm thuốc và tỉnh lại, nó cứ đòi về nhà không chịu ở bệnh viện điều trị tiếp. Có lần đang nằm ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Tĩnh, sau khi tiêm, nó tỉnh lại nên đã trốn ông nhà tôi và đi bộ từ dưới Hà Tĩnh về nhà.
Đánh mắt nhìn căn nhà nhỏ, nó hoàn toàn không có lấy một tài sản gì quý giá. Trên bàn là cái ấm nước cũ, một vài cái ly uống nước bằng nhựa. Hỏi ra mới biết, gia đình không dùng ly thủy tinh vì mỗi lần anh Học phát bệnh, các đồ đạc trong nhà đều bị phá hết. Thậm chí, anh còn đập vỡ ly, lọ thủy tinh và bỏ vào miệng nhai ngấu nghiến.
Căn nhà trống hoắc không có lấy một vật dụng đáng giá.
Sau nhiều năm chữa trị cho con nhưng bệnh tình không thuyên giảm mà có triệu chứng nặng hơn, kinh tế khánh kiệt, không còn tài sản gì để cố, bà Xuân và chồng đành đau lòng xích con vào cột nhà bếp để anh không gây nguy hiểm cho người khác.
“Tôi đau lòng lắm, nhìn con mình như vậy mà bất lực. Nhưng tôi chỉ biết dùng cách ấy mà thôi, các chị xem, nó có biết gì đâu, nếu không xích lại nó sẽ gây họa cho hàng xóm. Có lần lên cơn nó đã đánh đứa cháu nhưng may mắn là cháu tránh được”, bà Xuân nói trong nước mắt.
Theo lời chia sẻ của bà Xuân, những khi lên cơn, anh Học thường xuyên phá phách, đập vỡ các đồ dùng trong nhà, cánh cửa, tường nhà đều bị anh đập vỡ. Chăn chiếu và quần áo bố mẹ mặc cho, anh đều xé nát, có khi trần truồng không mảnh áo che thân. Được biết, gia đình đã xiềng xích anh Học được 6 năm, có thời gian xiềng trong 1 năm trời không mở. Tuy nhiên, có những lần thấy anh bớt bệnh, thương con, ông Sơn và bà Xuân lại mở xích cho con để rồi sau đó con trai lên cơn, bà phải hô hoán hàng xóm sang giữ giúp để xiềng chân con lại.
“Những khi mang cơm đến, nó bưng cả bát cơm ném vỡ tan tành. Nó còn gọi tôi là bà Xuân. Rồi đây khi vợ chồng tôi già yếu đi, tôi không biết nó sẽ sống thế nào…”, câu nói bị ngắt quãng khi dòng nước mắt đã lăn dài trên gò má bà Xuân.
Đưa mắt nhìn về căn nhà bếp trống hoang, tôi không khỏi ái ngại khi nghĩ về cuộc sống 7 – 8 năm nay của anh Học. Ngần ấy thời gian, bệnh tật gần như đã cướp đi tuổi thanh xuân đẹp đẽ của chàng thanh niên vốn khỏe mạnh. Bằng tuổi anh, bạn bè đã lập gia đình, đã có con và nhất là đã giúp đỡ được bố mẹ. Còn anh, 26 tuổi nhưng vẫn ngây ngô như đứa trẻ lên 3, miệng lảm nhảm những câu chuyện không đầu không cuối, đôi lúc cười đầy điên dại.
Cuộc đời của anh Học gắn với dây xích và khóa đồng lạnh lẽo ở cột nhà bếp, miệng lảm nhảm vô thức.
Có lẽ ông Sơn, bà Xuân đành bất lực nhìn đứa con trai sống trong bệnh tật cho đến cuối cùng. “Chồng tôi thì sức khỏe yếu, sức lao động không có. Riêng bản thân tôi lại mang căn bệnh sỏi mật mấy chục năm nay. Sau 2 lần mổ và cắt bỏ túi mật, sức khỏe tôi yếu đi rất nhiều, không còn có thể bươn chải kiếm tiền chữa bệnh cho con. Giờ tôi lo nhất là đứa con gái út, năm nay học lớp 10. Nó ham học lắm, nhưng giờ anh bị bệnh như thế, rồi đây không biết lấy gì để cho con tiếp tục theo học. Chắc rồi cũng bỏ giữa chừng mất”, bà Xuân nói.
Được biết, giờ đây cuộc sống của gia đình chỉ trông chờ vào đồng ra đồng vào của những lần bà Xuân mua mấy bó chè xanh ngoài chợ rồi bán lại cho người khác. Mỗi tháng anh Học được nhận trợ cấp 500.000 đồng nhưng số tiền này cũng không đủ cho chi phí thuốc thang và tiêm cho bệnh tình của anh.
Gia cảnh nghèo, anh Học bị bệnh nên thường xuyên phải có một người ở nhà chăm sóc, trông ngó nên cũng mất đi một nhân lực lao động, khiến kinh tế thêm thiếu thốn hơn. Hiện, số tiền nợ của gia đình đã lên đến 150 triệu đồng và không biết đến khi nào mới trả hết.
Chia sẻ về hoàn cảnh của gia đình ông Sơn, bà Xuân, ông Trần Văn Việt, nguyên là Thôn trưởng thôn 8 cho biết: "Hoàn cảnh của gia đình ông Sơn thực sự rất khó khăn. Đói nghèo cứ triền miên năm này qua năm khác. Gia đình được hai người con trai trụ cột thì một đã mất, còn một lại điên dại xích một chỗ. Chúng tôi cũng là người dân nghèo nên cũng chỉ giúp được việc nhỏ nhặt thường ngày thôi. Chỉ tội sau khi ông bà già yếu thì không biết ai sẽ chăm đứa con điên dại này".
Ông Tăng Phước Toản, Thôn trưởng thôn 8 cho hay: Gia đình ông Sơn là hộ nghèo hàng chục năm nay của thôn. Đây là một trường hợp cá biệt và rất khó khăn của thôn, xã. Trước hoàn cảnh này, xã thôn cũng luôn tạo mọi điều kiện, quan tâm tới gia đình, mong vượt qua những khó khăn bước đầu. "Chúng tôi cũng rất mong các nhà hảo tâm chia sẻ để gia đình bớt đi những thiếu thốn, cháu Học có điều kiện được chữa bệnh, thuốc thang và nhất là cháu út được tiếp tục con đường học hành".
Rời ngôi nhà nhỏ của gia đình bà Xuân khi đã quá chiều và cơn mưa vẫn rả rích. Nhìn lại căn nhà bếp trống trơn không có đồ dùng gì, tôi vẫn nghe rõ những câu nói lảm nhảm và những tiếng cười điên dại của anh Học. Tôi cứ bị ám ảnh mãi. Rồi đây khi ông bà Sơn – Xuân già đi, không biết ai sẽ là người thay ông bà chăm sóc đứa con lớn người mà không lớn trí này.