Cựu chủ tịch VN Pharma: "Thuốc giả chưa vào bệnh viện"

Sự kiện: Vụ án ở VN Pharma

Bị cáo Hùng cho rằng khi phát hiện lô thuốc có vấn đề đã cho dừng ngay việc đưa số thuốc này vào bệnh viện.

Cựu chủ tịch VN Pharma: "Thuốc giả chưa vào bệnh viện" - 1

Chiều 26-9, theo kế hoạch, HĐXX bắt đầu xét hỏi 12 bị cáo trong vụ buôn bán thuốc chống ung thư giả tại Công ty cổ phần VN Pharma.

Bị cáo Nguyễn Minh Hùng (nguyên chủ tịch, tổng giám đốc VN Pharma) bị truy tố với vai trò chủ mưu trong vụ án bị xét hỏi trước hết.

Ông Hùng thừa nhận toàn bộ hành vi như cáo trạng truy tố. Bị cáo này trình bày Công ty VN Pharma thành lập vào ngày 25-10-2011, có trụ sở tại quận 10, TP.HCM với chức năng là kinh doanh xuất nhập khẩu thuốc và các thiết bị y tế.

Công ty lúc thành lập có vốn điều lệ là 25 tỉ đồng do bị cáo Hùng nắm phần lớn cổ phần. Đến thời điểm vụ án xảy ra, vốn điều lệ của công ty tăng lên 40 tỉ đồng. Công ty VN Pharma đã nhập khẩu thuốc vào Việt Nam rất nhiều lần còn cụ thể như thế nào thì bị cáo không nhớ rõ.

“Trước đó, công ty bị cáo đã mua một lô thuốc nội có thành phần khá giống với thuốc H-Capita 500mg và số thuốc này được tiêu thụ rất nhanh nên bị cáo mới quyết định nhập lô thuốc H-Capita 500mg. Để được nhập khẩu thuốc ngoại vào Việt Nam thì cần xin giấy phép nhập khẩu thuốc và giấy phép lưu hành thuốc tại Việt Nam. Cơ quan đủ thẩm quyền cấp những giấy trên là do Cục quản lý dược”, bị cáo Hùng khai.

Năm 2012, bị cáo Võ Mạnh Cường (cùng bị truy tố với vai trò chủ mưu) biết công ty VN Pharma là công ty kinh doanh về dược nên tới công ty “chào hàng”. Và lô thuốc H-Capia 500mg cũng do Cường mời công ty VN Pharma với giá 0,9 USD/viên.

“Bị cáo Cường cung cấp giấy chứng nhận lưu hành tự do của thuốc H-Capita 500mg Caplet và giấy chứng nhận thực hành tốt sản xuất thuốc do Bộ Y tế Canada cấp cho công ty Helix Pharmaceuticals Inc là bản chính và được hợp thức hóa lãnh sự Việt Nam tại Canada. Đồng thời, bị cáo Cường cũng cung cấp thuốc mẫu, hình ảnh nhà máy tại Canada nên bị cáo hoàn toàn tin tưởng. Tuy nhiên, bị cáo không có căn cứ đối chiếu, kiểm định lại”, bị cáo Hùng thừa nhận.

Bị cáo Nguyễn Minh Hùng. Ảnh: TRƯỜNG GIANG

Bị cáo Nguyễn Minh Hùng. Ảnh: TRƯỜNG GIANG

Do các giấy tờ Cường cung cấp không đủ để làm thủ tục gửi Cục quản lý dược nên Hùng đã chỉ đạo cấp dưới là Phan Xuân Thiện (phó tổng giám đốc), Bùi Ngọc Duy (phó trưởng phòng phụ trách) liên hệ dược sỹ Phạm Văn Thông viết hồ sơ kỹ thuật thuốc H-Capita 500mg Caplet gồm có “tiêu chuẩn, phương pháp kiểm nghiệm thuốc và hướng dẫn sử dụng tiếng Việt” với giá thỏa thuận là 2.000 USD để hợp thức đủ hồ sơ nộp cho Cục quản lý dược.

Tiếp đó, ông Thông đã dựa vào thành phần, công thức thuốc ghi trên giấy chứng nhận lưu hành tự do và đối chiếu dược điển của Mỹ để viết hồ sơ kỹ thuật tiêu chuẩn, phương pháp kiểm nghiệm thuốc và hướng dẫn sử dụng tiếng Việt. Sau khi viết xong, Thông chuyển qua cho Duy đóng dấu công ty Helix Canada trên hồ sơ để nộp cho Cục quản lý dược thẩm định, cấp giấy phép nhập khẩu.

Theo bị cáo Hùng, do chờ công ty Helix Canada cung cấp quá lâu nên mới thuê dược sỹ Thông viết tiêu chuẩn, phương pháp kiểm nghiệm thuốc và hướng dẫn sử dụng tiếng Việt. Lúc thuê dược sỹ Thông thì bị cáo không biết việc làm của mình là sai trái, tới phiên tòa phúc thẩm lần trước thì mới nhận thấy những sai phạm của mình. Khi xin giấy phép của Cục quản lý dược thì bị cáo không biết rõ quy định của pháp luật. Những thủ tục nhập khẩu thuốc thì sẽ có phòng nghiên cứu làm và do bị cáo quyết định.

Khi HĐXX đặt vấn đề tại sao công ty Helix Canada là nhà sản xuất dược nhưng thiếu tiêu chuẩn, phương pháp kiểm nghiệm thuốc và hướng dẫn sử dụng tiếng Việt. Bị cáo Hùng cho biết bản thân thiếu hiểu biết về luật Dược nên đã để xảy ra sơ sót trong quá trình làm hồ sơ xin cấp giấy phép nhập khẩu thuốc.

Bị cáo Hùng cũng khai “Thuốc H-capita là thuốc bắt buộc bán theo chỉ dẫn của bác sỹ, để có thể chuyển thuốc này vào các cơ sở y tế thì phải qua đấu thầu. Để tham gia đấu thầu thì bị cáo để công ty con do bị cáo thành lập đứng ra đấu thầu vào bệnh viện Trưng Vương với giá 1,4 USD/viên".

Đáng chú ý, cựu chủ tịch VN Pharma cho biết khi thị trường có thông tin sản phẩm này không đạt chất lượng thì bị cáo đã yêu cầu dừng cung cấp sản phẩm ra thị thường, đồng thời gửi mẫu qua viện kiểm nghiệm thuốc TPHCM để tiến hành kiểm nghiệm chất lượng thuốc.

Tuy nhiên, viện kiểm nghiệm trả lời do lô thuốc chưa có chất chuẩn nên không có căn cứ để kiểm nghiệm. Sau đó, bị cáo chỉ đạo Phan Thị Cẩm Loan mua chất chuẩn nhưng việc bị cáo Loan mua được chất chuẩn hay không thì bị cáo không rõ.

"Tiếp đó, bị cáo chỉ đạo Nguyễn Trí Nhật lập hồ sơ gửi A83 Bộ Công an để hỗ trợ làm rõ thông tin về lô thuốc. Đồng thời, bị cáo chuẩn bị thủ tục đi Canada để xác minh nhà máy công ty Helix Canada nhưng chưa kịp xuất cảnh thì bị cáo Hùng bị công an bắt tạm giam... " - ông Hùng khai với HĐXX.

Đường đi của dòng tiền tỉ trong vụ VN Pharma

Bị cáo Hùng khai nhận đã chỉ đạo nhân viên nâng khống giá thuốc từ 27 USD/hộp lên thành 75 USD/hộp để có tiền chi cho trình dược viên, bác sỹ, dược sỹ để bán thuốc vào các bệnh viện.

Số tiền thu được từ việc nâng khống giá được bị cáo Hùng chỉ đạo cho nhân viên để ngoài sổ sách do không có hóa đơn, chứng từ.

Kết quả điều tra xác định Hùng đã có chủ trương chi tiền để Trình dược viên sử dụng chi phí cho việc bán thuốc của công ty. Trong thời gian từ tháng 10-2014 đến tháng 5-2015, công ty VN Pharma đã sử dụng số tiền 14 tỉ đồng có được từ việc nâng khống giá mua thuốc và nguyên liệu làm thuốc, để chi phí cho việc bán thuốc, trong đó đã xác định được số tiền 6,8 tỉ đồng là tiền nâng giá lô thuốc H-capita.

Cáo trạng xác định, các bị cáo lập ra hồ sơ chứng từ giả để nhập thuốc từ nước ngoài về. Để hợp thức phần thanh toán, Hùng đã chỉ đạo Lê Thị Vũ Phương (nguyên kế toán trưởng VN Pharma) cung cấp cho Phan Cẩm Loan (nguyên phó Phòng XNK VN Pharma) số tài khoản thụ hưởng ở Hồng Kông đứng tên Công ty Auspicius Keen Limited và Công ty Sigma Holding Corp để Loan đưa vào hợp đồng với công ty Austin, rồi chuyển cho phòng kế toán VN Pharma sử dụng làm thủ tục đề nghị ngân hàng thanh toán, chuyển tiền ra nước ngoài và lấy lại.

Phương khai đây chỉ là các tài khoản của dịch vụ chuyển tiền thuê do người tên Nga (hiện ở Ucraina, chưa rõ nhân thân, lai lịch) cung cấp cho Phương. Các bị cáo thực hiện việc chuyển tiền và sau đó cơ sở dịch vụ chuyển tiền thuê tại TPHCM đã chuyển tiền về lại cho VN Pharma.

Theo đó, có 6 lần chuyển tiền ra nước ngoài là ngày 14/1/2014 chuyển 22.410 USD, ngày 17/1/2014 chuyển 11.205 USD, ngày 17/4/2014 chuyển 46.000 USD, ngày 24/4/2014 chuyển 100.000 USD, ngày 8/5/2015 chuyển 71.485 USD và ngày 19/9/2014 chuyển 320.850 USD. VN Pharma đã chuyển ra nước ngoài 571.950 USD. VN Pharma trả cho Cường 251.000 USD, số còn lại VN Pharma nhận lại và để ngoài sổ sách.

Những dấu mật, tuyệt mật trong hồ sơ vụ án VN Pharma

"Hồ sơ vụ án có một số tài liệu đóng dấu mật, tuyệt mật. Những người nào sử dụng tài liệu này phải chú ý,...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo HOÀNG YẾN ([Tên nguồn])
Vụ án ở VN Pharma Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN