Cụ bà 75 năm làm "tiều phu"
Giữa cuộc sống phồn hoa đô thị ở TP. Đà Nẵng, người ta thấy cụ bà vẫn cần mẫn làm nghề tiều phu dù tuổi đã “gần đất xa trời”.
Bà lão tiều phu” là tên gọi thân thiết mà người dân đặt cho cụ bà Nguyễn Thị Ninh. Dù đã bước sang tuổi 89 nhưng bà Ninh còn rất khỏe mạnh, bà đã có 75 năm làm nghề đốn củi bán để nuôi gia đình.
Lúc chúng tôi đến nhà thì thấy cảnh bà Ninh đang chặt củi đem ra phơi trước sân. Tuy đã bước sang tuổi 89 nhưng đôi mắt bà vẫn tinh tường, hóm hỉnh, dáng điệu nhanh nhẹ. Thấy khách đến tỏ vẻ ái ngại vì bà phải bê vác nặng, bà bảo: “Đừng bảo bà già, bà không chịu đâu”, khiến chúng tôi và những hàng xóm xung quanh được phen cười ngất.
Từ năm 82 tuổi, cụ Ninh bắt đầu được hỗ trợ 210 ngàn đồng tháng.
Bà Ninh kể lại: “Cha mẹ sinh chỉ một người con nhưng tôi lại là con gái nên được đặt tên ở nhà là Mốc với mong muốn tôi mạnh mẽ như con trai. Hoàn cảnh gia đình lúc chiến tranh rất khó khăn nên từ năm 14 tuổi, tôi đã theo mẹ đi chặt củi bán. Lập gia đình rồi tôi vẫn theo nghề đốn củi, tính ra đã 75 năm. Giờ chắc chỉ còn có mình tôi làm nghề này chứ không có ai nữa…”.
Lấy chồng, bà Ninh sinh được 3 người con nhưng 2 người mất từ khi còn nhỏ. Chồng cũng bị bệnh nặng, qua đời sớm, nên bà phải gắn bó với việc đốn củi để kiếm tiền nuôi con.
Bà Ninh ngậm ngùi nhớ lại: “Nhờ cái nghề này mà tôi chăm chồng bạo bệnh một thời gian dài và nuôi con trai khôn lớn. Đến giờ, nó vẫn là nguồn thu nhập chính của mẹ con tôi".
Mỗi ngày, bà Ninh dậy từ lúc 4h sáng nấu cơm ăn lót dạ, rồi cầm chiếc rựa cùng đôi quang gánh lên hai ngọn núi sau nhà tìm củi khô đốn thành từng khúc gánh về.
Chỉ tay về phía ngọn núi, bà Ninh nói: “Ngày còn trẻ, tôi đi nhiều lắm, núi nào cũng đi, chỗ nào cũng tới hết rồi. Đi từ 4h sáng đến khoảng 10h trưa, khi nghe tiếng chuông chùa vang lên thì về”.
Đôi bàn tay chai sần này đã 75 năm đốn củi đi bán
Nếu may mắn lượm được củi nhiều thì bà Ninh đi về sớm, còn hôm nào mưa gió hay khó kiếm, bà Ninh tìm đến tận tối mịt mới về. Mỗi lần đi, bà đều mang theo cơm trắng với muối để ăn qua bữa. Cứ hai ngày đi đốn củi, bà Ninh dành một ngày để đi bán. Chợ củi cách nhà bà 3km.
Những hôm đi bán củi, bà ra khỏi nhà từ khi ánh bình mình còn chưa ló dạng. Bán không hết, chiều bà lại quẩy quang gánh đi rao tiếp.
Bà Ninh đội chiếc nón lá lụp xụp, trên vai là chiếc đòn mòn lõm gánh hai bó củi đung đưa, tay cầm cây gậy chống theo chậm rãi. Vừa đi, bà Ninh vừa rao “ai mua củi không, củi khô bán đây”. Tiếng rao đều đều đó đã hằn sâu trong tâm trí của nhiều người, trở thành một âm thanh quen thuộc không thể thiếu của vùng này.
Mỗi bó củi của bà nặng khoảng 10kg bán với giá 20 ngàn đồng. Cũng có nhiều người thương tình bà đã già, làm việc cực khổ nên mua giúp để bà về sớm.
Mỗi bó củi của bà bán với giá 20 ngàn đồng.
Chị Trần Thị Mê – tiểu thương chợ Hòa Khánh chia sẻ: “Ở cái tuổi của cụ Ninh mà còn đi đốn củi rồi đem ra đây bán phải nói là rất hiếm. Vì thế ở chợ ai cũng cảm phục và thương cụ”.
Cụ Ninh bảo: “Có con cá, bó rau mua ở chợ, mọi người biếu không, nhiều khi tôi không dám nhận, tôi đi bán củi cũng được 40 ngàn một ngày, còn nuôi thân được”.
Mỗi gánh củi, cụ Ninh bán được 40 ngàn đồng, mua thức ăn 10 ngàn, còn lại tiết kiệm 30 ngàn cho lúc ốm đau. “Tuy đi đốn củi cực khổ bán được ít tiền vậy nhưng bà Ninh ít khi giữ lại cho mình. Mỗi khi tới rằm, ngày lễ bà Ninh hay lẳng lặng đi chùa phúng viếng, thắp hương, khiến nhiều người lấy làm lạ” -bà Nguyễn Thị Em (60 tuổi) hàng xóm của bà Minh chia sẻ với chúng tôi.
Đôi quang gánh, chiếc gậy “làm bạn” với cụ Ninh để đi đốn và bán củi
Anh Nguyễn Phát (48 tuổi), con trai bà Ninh, không có việc làm ổn định, đang sống cùng bà cho biết: “Mẹ tôi làm nghề đốn củi đi bán quá lâu rồi, nhiều khi con cái không cho bà cũng nằng nặc đòi đi làm chứ không chịu nghỉ ngơi. Có lẽ, cái nghiệp này đã ăn vào thân nên mẹ khỏe mạnh hơn nhiều người đến giờ, ít khi ốm đau lắm!”.
Tết đến, khi người dân đi lễ chùa, bà gánh củi đã đốn từ những ngày giáp Tết bán cho mọi người đốt thắp hương. Mùng 6 Tết, khi nhiều nhà vẫn đóng cửa chơi Tết thì bà đã tất tưởi đeo quang gánh đi đốn củi.
Chúng tôi từ biệt bà ra về cũng là lúc bà ra tìm chợ chiều bán. Đôi bàn tay nhăn nheo của bà cầm chiếc gậy, lũi thủi trên lưng là quang gánh củi vừa đi vừa rao “Củi khô đây, ai mua củi khô không”. Dáng bà cứ xiêu vẹo dần theo tiếng rao rồi tắt lịm trong một chiều còn vương vấn xuân...
Tùng Lâm