Công nhân tiếc mẩu thuốc hút dở hơn chiếc ốc vít giá trăm ngàn
“Một công nhân nhặt điếu thuốc rơi trên sàn, nhưng lại sẵn sàng vứt đi con ốc vít trị giá hơn 100 ngàn. Nên đào tạo nguồn nhân lực ngoài trình độ, việc đào tạo ý thức, đạo đức và kỷ luật quan trọng không kém”, Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung chia sẻ.
Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung
Sáng 23/6, UBND Thành phố Hà Nội đã tổ chức Hội thảo Các giải pháp đồng bộ nâng cao chất lượng giáo dục, dạy nghề và đào tạo nguồn nhân lực Thành phố Hà Nội. Hội thảo có sự tham gia của đông đảo lãnh đạo các trường Đại học, cao đẳng, dạy nghề trên địa bàn cùng các chuyên gia đào tạo đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, Đài Loan…
Đánh giá về thực trạng dạy nghề tại Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng, chuyên gia Tsai I Chang, Viện Công nghiệp thông tin III, Đài Loan chia sẻ: Xã hội chưa coi trọng giáo dục dạy nghề, theo thống kê: Có đến 90% học sinh tốt nghiệp THPT học lên Đại học, chỉ có 10% lựa chọn học nghề. Trên thực tế, học Đại học chỉ chiếm tỷ lệ 60%, còn lại là các trường tư thục hoặc cao đẳng. Kinh tế toàn cầu phát triển, ảnh hưởng của sự cạnh tranh trong Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương đến dạy nghề là rất lớn, đặc biệt trong các ngành công nghiệp gia công như: dệt may, chế biến thuỷ hải sản, điện tử…
“Nếu không sớm đào tạo đội ngũ lao động lành nghề, Việt Nam sẽ gặp thách thức khi nền kỹ thuật bình quân thấp, khó đạt được yêu cầu phát triển đất nước và cạnh tranh, đặc biệt trong khu vực Đông Nam Á”, ông Chang nói.
TS. Jeong – Ryeol Kim, Trường Đại học Giáo dục quốc gia Hàn Quốc chia sẻ kinh nghiệm: Mỗi năm, Bộ Giáo dục Hàn Quốc đầu tư 2,48 tỉ USD cho lĩnh vực giáo dục, trong đó có việc đào tạo lao động theo hướng mô hình năng lực.
Đối với Thành phố Hà Nội, TS. Kim cho rằng: Phát triển nguồn nhân lực hướng cần có tầm nhìn dài hạn, có các bước tiếp cận phù hợp đáp ứng yêu cầu phát triển của từng thời kỳ. Ngoài ra, phải đảm bảo nguồn nhân lực cân đối và đồng bộ về cấu trúc tại các vùng, địa phương khác nhau. TS. Kim cũng bày tỏ mong muốn được kết hợp công tác đào tạo Việt – Hàn để phát triển nguồn nhân lực Việt Nam theo yêu cầu quốc tế.
Kết luận Hội thảo, Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung khẳng định: Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là 1 trong 3 khâu đột phá để đưa Hà Nội thành một đô thị lớn của khu vực. Nguồn nhân lực chất lượng, có cấu trúc hợp lý là con đường để thực hiện thành công nhiệm vụ công nghiệp hoá, hiện đại hoá Thủ đô. Các trường hiện nay đang đào tạo theo rất nhiều mô hình: Đức, Úc, Mỹ… nhưng quan trọng nhất phải đạt được 2 tiêu chuẩn: Đảm bảo trình độ nghề, sau này ra phù hợp với thị trường, đáp ứng được nhu cầu của nhà tuyển dụng; Đảm bảo đạo đức nghề nghiệp cũng như kỷ luật lao động.
“Một chủ doanh nghiệp Nhật Bản tại Khu công nghiệp Bắc Thăng Long đã nói với tôi, công nhân trong Khu công nghiệp sẵn sàng cúi xuống đất để nhặt mẩu thuốc lá dở, nhưng cũng chính họ sẵn sàng vứt đi một con ốc vít trị giá hơn 100.000 đồng. Vì thế, hiện nay, đạo đức nghề nghiệp, kỷ luật lao động cũng là một yêu cầu vô cùng quan trọng trong đào tạo lao động”, lãnh đạo thành phố Hà Nội nhấn mạnh.
Ông Chung đề nghị thời gian tới, các trường trên địa bàn thành phố cần đầu tư thiết thực, kết hợp với các đơn vị có nền đào tạo tiên tiến, nhanh chóng tăng cường tỷ lệ nguồn nhân lực tiệm cận với yêu cầu của Doanh nghiệp trong và ngoài nước.