Công chức có được phép nổi nóng với dân?
“Đã làm việc công, không nên nổi nóng. Nhưng vì lý do công việc, có lúc công chức nên “giả vờ nổi nóng”.
“Giả vờ nổi nóng”
TS Ngô Thành Can, Phó khoa Tổ chức và Quản lý nhân sự, Học viện Hành chính Quốc gia cho biết, trong các văn bản pháp luật, quy chế văn hoá công sở quy định công chức phải có thái độ lịch sự, tôn trọng, thân thiện, không hách dịch... có nghĩa là cán bộ công, viên chức không được phép nổi nóng.
TS Ngô Thành Can cũng khuyên cán bộ công chức: “Đã làm việc công, không nên nổi nóng”.
Quy định là vậy, nhưng ông Ngô Thành Can cho rằng, vì lý do công việc có thể có lúc công chức “giả vờ nổi nóng”. Minh chứng ý kiến này, TS Ngô Thành Can dẫn chứng trường hợp nhiều người dân đến cơ quan hành chính nhà nước trong lúc vừa uống rượu say, hoặc đang bị kích động chuyện gì đó... có thể họ sẽ “trút giận” lên công chức.
Lúc đó, tùy tình hình, công chức khéo léo ứng xử để tránh va chạm xảy ra, có thể mềm mỏng, nhưng cũng có thể giả vờ giận dỗi, nổi nóng nói to hơn bình thường một chút, có thể đối tượng đang chửi bới sẽ lùi, không dám manh động.
TS Ngô Thành Can lưu ý, “giả vờ nổi nóng” nghĩa là công chức có thể nói to hơn bình thường một chút, hoàn toàn làm chủ được hành vi, ngôn ngữ. Ví dụ, công chức không được phép quá lời, văng tục, chửi bậy...
“Chuyện “giả vờ nổi nóng” chỉ ở một số trường hợp cụ thể nhất định như trên, mục đích hoàn toàn nhằm phục vụ giải quyết tình huống công việc. Nếu đang yên đang lành lại giả vờ nổi nóng, có thể công chức đó đang muốn đạt “mục đích ngoài công việc”, ông Can nhấn mạnh.
Công chức khéo léo ứng xử để tránh va chạm xảy ra, có thể mềm mỏng, nhưng cũng có thể giả vờ giận dỗi. Ảnh minh họa
Phó khoa Tổ chức và Quản lý nhân sự, Học viện Hành chính Quốc gia cho rằng, khi công chức thể hiện sự bực dọc, cáu gắt, người dân nên có ý kiến ngay.
“Có thể nhiều nguời không dám ý kiến bởi sợ ảnh hưởng đến hồ sơ giấy tờ của mình, nhưng nếu dân chỉ ra đúng cái sai sẽ làm công chức sợ”, ông Ngô Thành Can nói.
Người ít nói không nên cho tiếp dân
Theo ông Nguyễn Hữu Khiển – nguyên Phó giám đốc Học viện Hành chính Quốc gia, người cán bộ công chức cần thể hiện đúng tác phong trong công việc như khiêm tốn, thân thiện, không được phép cáu gắt.
Ai cũng có áp lực riêng, công chức cũng có thể có áp lực nhưng đó là việc riêng, không thể đưa ra buộc khách hàng phải thông cảm. Mỗi người cán bộ công chức nên tự thể hiện, điều chỉnh tác phong, tâm lý của mình để đạt được sự thân thiện trong giao tiếp.
Ông Phan Đăng Long, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội chia sẻ về khó khăn của công chức thường xuyên tiếp dân: “Nhiều khi người dân không nắm được quy định, không hiểu thủ tục, đến khi cán bộ yêu cầu bổ sung hoặc thay đổi thủ tục hành chính lại nổi nóng, cạy rằng quen biết ông nọ bà kia...”.
Tuy nhiên, trong bất kỳ trường hợp nào cán bộ công chức cũng phải kiên nhẫn giải thích cho người dân hiểu. Trường hợp người dân hành xử quá mức, bảo vệ cơ quan mời người khách đó ra ngoài.
“Nhưng tôi tin, nếu cán bộ công chức biết cách giải thích, người dân sẽ hiểu ra vấn đề và có cách ứng xử đúng mực”, ông Phan Đăng Long chia sẻ.
Ông Long cho rằng, cán bộ công chức ngoài thái độ ân cần, nhiệt tình, trách nhiệm cũng cần niềm nở khi tiếp dân để tạo sự thân thiện. Tuy vậy, “niềm nở” ở đây phụ thuộc vào cá tính mỗi người. Có người mới gặp dân đã nở nụ cười, nhưng có người rất khó cười.
Do vậy, bản thân cơ quan phải biết chọn người. Ví dụ, người ít nói, lạnh lùng không nên ra làm cán bộ tiếp dân.
“Nếu cơ quan coi cán bộ thân thiện, hay mỉm cười là yêu cầu công việc, ngay từ đầu nên tuyển dụng người vui vẻ, ông Long bày tỏ.
____________________________
Mời quý độc giả đón đọc bài tiếp theo: "Sợ sa thải... làm công chức phải mỉm cười" vào lúc 0h5' ngày 8/8
Vì sao công chức ít mỉm cười, không thân thiện với dân? Một phần nguyên nhân do công chức thường có tâm lý “yên tâm” khi đã vào biên chế, có làm việc kém hiệu quả cũng không sợ bị mất việc.