Người dạy cười: “Công chức Việt Nam ít cười”

Công chức tiếp xúc trực tiếp với dân chưa hiểu hết tác dụng của nụ cười, hoặc có cười nhưng chưa tươi và chưa làm người dân cảm thấy sự thân thiện.

Giữa tháng 7 vừa qua, tại buổi làm việc về phát triển du lịch, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chia sẻ: “Thay vì cau có, cẩu thả… thì bây giờ hãy nở nụ cười. Mỗi người hãy cho du lịch nụ cười!”. Nhân dịp này, Chủ tịch câu lạc bộ Yoga cười Việt Nam, giảng viên cao cấp Lê Anh Sơn – người đi dạy cười cho hàng ngàn học viên có cuộc chia sẻ với phóng viên về nụ cười của người Việt, trong đó ông phân tích kỹ về “nụ cười công chức”.

Người Việt ít cười?

Vừa qua, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam có kêu gọi người dân khi ra ngoài đường hãy nở nụ cười. Là người dạy cười, ông nghĩ gì về điều này?

Người dạy cười: “Công chức Việt Nam ít cười” - 1

Giảng viên cao cấp Lê Anh Sơn (ảnh giữa)

Nụ cười và sự thân thiện là biểu hiện của một xã hội văn minh. Tôi nghĩ rằng, đã đến lúc Việt Nam cần xây con người thân thiện, dịch vụ thân thiện góp phần phát triển đất nước.

Khi bạn cười không chỉ giúp bạn cảm thấy mình hạnh phúc, hân hoan, xua đi những buồn chán, mệt mỏi, căng thẳng, lo âu, mở lòng hơn với mọi người, bỏ qua những chuyện vu vơ không đâu, mà còn lan tỏa lây lan đến mọi người, làm cho người xung quanh mình thấy bình thản, thân thiện hơn, gần gũi hơn. 

Ai cũng biết nở nụ cười, xã hội sẽ thân thiệt hơn, bớt đi những hiềm khích, toan tính, và cả tội ác. Tôi thấy điều mong muốn và kêu gọi của ông Vũ Đức Đam rất cần thiết và phù hợp trong thời điểm này.

Nhưng nhiều ý kiến cho rằng người Việt vốn đã rất hay cười. Thậm chí trong dân gian còn có câu nói về đặc tính người Việt là “ăn nhanh, đi chậm, hay cười”?

Trong thực tế xoay quanh nụ cười, có 2 nhận xét khác nhau. Những người Việt Nam khi du lịch, thăm viếng, công tác ở nước ngoài đa phần được người nước ngoài nhân xét là người Việt hay cười. Cái đó đúng ở bề ngoài vì mình đa phần kém ngoại ngữ giao tiếp nên lấy nụ cười đáp lại ví "nụ cười thay cho mọi ngôn ngữ".

Ở trong nước thì thấy người Việt mình ít cười. Cái đó do cuộc sống còn bộn bề áp lực, nhưng  quan trọng là do chưa nhận thức được tác dụng của nụ cười và hơn nữa là chưa biết khai thác báu vật trời ban cho là nụ cười.

Có ý kiến nói rằng, so với nhân viên ở các ngành nghề khác, công chức Việt Nam thường ít cười, ông nghĩ vậy không?

Quan điểm này có phần đúng, nó xuất phát từ quan niệm vị trí công việc. Thường thì bộ phận công chức tiếp xúc trực tiếp với dân do thói quen, áp lực nghề nghiệp và chưa hiểu hết tác dụng của nụ cười, hoặc có cười nhưng chưa tươi và chưa làm người dân cảm thấy sự thân thiện.

Còn tôi tiếp xúc với rất nhiều cán bộ công chức cấp cao thì thấy các bác rất ôn hòa và thân thiện khi giao tiếp với dân.

Người dạy cười: “Công chức Việt Nam ít cười” - 2

Công chức tiếp xúc trực tiếp với dân chưa hiểu hết tác dụng của nụ cười. (Ảnh: Báo Người Lao Động)

Vì sao công chức thường ít cười?

Công chức chưa coi mình là công bộc của dân mà nghĩ mình là quan dân, có vị trí quan trọng nên thường tỏ ra nghiêm túc. Đây là một khía cạnh. Mặt khác còn phải cạnh tranh nhau trong công việc, sức ép từ cấp lãnh đạo... làm họ ít nở nụ cười trong khi thực hiện công việc.

Cũng phải nói “tiếng cười công chức” đến từ cả hai phía: Cán bộ công chức và người dân. Cơ chế xin-cho đã ngấm vào máu nhiều người, cả hai bên người dân và cán bộ đều trong tâm thái kẻ xin, người cho.

Dạy cười cho công chức

Là người đi dạy cười nhiều năm nay với hàng ngàn học viên, có bao giờ ông nghĩ đến việc sẽ dạy cười cho công chức không?

Tất nhiên chứ, để có cuộc sống hạnh phúc và một xã hội phát triển thì mọi người cần hướng tới sống thân thiện với nhau, trong đó cán bộ công chức - người có khả năng gây ảnh hưởng lớn đến điều này. Không chỉ các tầng lớp khác trong xã hội học cười mà cán bộ công chức cũng cần phải học cười để làm gương, để tiếng cười và sự thân thiện lan tỏa.

Dạy cười cho mọi tầng lớp xã hội là mong muốn lớn của tôi – mong muốn góp phần xây dựng một xã hội thân thiện, và tôi đã làm điều đó suốt 7 năm qua.

Nếu dạy cười có công chức, ông nghĩ rằng sẽ có tác dụng gì đối với xã hội?

Cười là một phản ứng của loài người, là hành động để con người thể hiện trạng thái cảm xúc thoải mái, vui mừng, đồng thuận hay cố tình tạo cho người đối diện hiểu là mình có cảm xúc ấy.

Cười là cách dễ nhất để làm quen, để tạo ấn tượng và sự thông cảm ở người khác. Nụ cười được xem là nền tảng của sự giao tiếp xã hội. Khi con người ở trạng thái căng thẳng, mệt mỏi do quan hệ gia đình, quan hệ xã hội, do công việc đời thường… thì tiếng cười sẽ khiến cho tinh thần con người ta trở nên sảng khoái, thư giãn.

Để cân bằng được trạng thái cảm xúc, các nhà khoa học khuyên nên cười ít nhất 15 phút mỗi ngày.

Công chức mỉm cười, thân thiện tiếp dân sẽ tạo lập niềm tin với quần chúng nhân dân; giảm bớt khó khăn, áp lực trong công việc; tạo tấm gương cho nhân dân noi theo sống vui vẻ thân thiện; cùng hướng tới xây dựng một xã hội văn minh, thân thiện. Và cũng chính nụ cười làm cho người cán bộ gần gũi với người dân, nhận được sự thiện cảm, cộng tác từ người dân, từ đồng nghiệp ... hiệu quả công việc sẽ cao hơn .

Đã có cơ quan nhà nước nào mời ông dạy cười cho nhân viên của họ chưa?

Mặc dù mới chính thức triển khai được 5 năm tại Việt Nam, nhưng dạy cười đã triển khai ngày càng sâu rộng, không chỉ doanh nghiệp, hay các trường phổ thông, đại học rất nhiều cơ quan nhà nước đã tham gia học bộ môn cười.

Trong đó có thể kể đến Bộ Nông Nghiệp và Phát triển Nông thông, Viện Quy hoạch Thủy lợi, Học Viện Cảnh Sát, Phòng cảnh sát PC13, A71, Cảnh sát giao thông Hà Nội, UBND Quận Cầu Giấy, Tổng cục Đường bộ, Tổng cục thuế Hà Nội, Học viện Kỹ thuật quấn sự, Văn phòng Quốc Hội miền trung và tây nguyên đà nẵng, Bệnh viện K...

Dạy cười cho công chức có khó hơn dạy cười cho các đối tượng khác không?

Khi nói đến nụ cười nơi công sở, nụ cười của những người đại diện chính quyền, tôi không nói đến một động tác cơ học trên khuôn mặt. Đó phải là nụ cười nhân văn, nhân bản, xuất phát từ ý thức, trách nhiệm và trái tim của mỗi người.

Nụ cười mà mọi người mong muốn nhận từ nhau không phải là nụ cười gượng gạo, nhếch mép, ngượng ngùng... mà phải là nụ cười trong sáng, rạng người, làm sao cho mỗi người đối diện phải cảm thấy an tâm, hạnh phúc.

Mới đầu tôi cũng nghĩ dạy cười cho công chức sẽ gặp khó khăn, nhưng triển khai thực tế lại rất thuận lợi.

Mới đầu tham gia, các học viên là công chức thường có một chút bỡ ngỡ ngại ngùng, nhưng sau khi hiểu bản chất và ích lợi của tiếng cười trong công việc và cuộc sống cùng với hệ thống bài tập giúp mọi người cởi mở và thân thiện tôi thấy họ hòa nhập rất nhanh. Ai cũng mở lòng đón nhận và tập luyện rất hăng say.

Bên cạnh đó, dạy cười khó hay dễ còn ở nghệ thuật thuyết phục và truyền thụ kỹ năng cười của giảng viên.

Làm sao để công chức mỉm cười?

Bao giờ chuyển sang cơ chế hành chính phục vụ thì tình hình sẽ được cải thiện. Như Bác Hồ  nói “cán bộ là người đầy tớ trung thành của nhân dân”.

Trong từng thời kì nhất định, nền hành chính cần phải thích ứng với xu thế của thời đại và đáp ứng được những nhiệm vụ kinh tế-chính trị-xã hội trong giai đoạn mới.

Trong bối cảnh hiện nay xu hướng nổi bật của tất cả các quốc gia trên thế giới áp dụng đó là chuyển từ hành chính cai trị sang hành chính phục vụ. Hành chính phục vụ là nền hành chính lấy nguyện vọng cơ bản của quần chúng nhân dân làm mục tiêu hoạt động.

Mọi hoạt động luôn hướng đến phục vụ lợi ích cơ bản của đại đa số nhân dân để hướng đến những mục tiêu nhân đạo, nhân văn có lợi ích cho sự phát triển của xã hội.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

____________________________

Mời quý độc giả đón đọc bài tiếp theo: Công chức ít cười: Hách dịch để tạo “uy” vào lúc 0h5' ngày 6/8

Lâu nay người dân luôn than phiền cán bộ, công chức “hành là chính”. Chuyên gia tâm lý Lê Thu Hiền lý giải, nhiều người tưởng rằng, lạnh lùng hách dịch một chút sẽ tạo ra cái uy, làm người khác sợ hãi.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Dương Tùng (thực hiện) ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN