Công chức “chảnh” với dân: Một kiểu tham nhũng?
Nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho rằng, công chức có thái độ thiếu thân thiện với dân có liên quan tới chữ “nhũng”.
Không công khai để kiếm lợi
Bàn về thái độ làm việc của công chức, ông Trần Quốc Thuận - nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội - bình luận: “Tôi thấy công chức giờ thay vì mỉm cười lại tỏ ra nghiêm nghị, thậm chí hậm hực với dân”.
Ông Thuận cho biết thêm, công chức không mấy khi công khai, minh bạch tất cả các thủ tục hành chính với dân.
Mổ xẻ nguyên nhân sâu xa khiến một bộ phận công chức có thái độ không tốt với dân, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho hay, ai cũng biết chữ “tham” và chữ “nhũng” trong từ "tham nhũng" có nội dung khác nhau.
"Tham" tức là chiếm đoạt, tham ô…, còn "nhũng" là gây khó khăn, phiền nhiễu, nhiều thủ tục phiền hà, không công khai các thủ tục đó hòng kiếm lợi. Đó cũng chính là một trong những nguyên nhân gây ra nạn hối lộ, đút lót.
“Nói cách khác, công chức có thái độ thiếu thân thiện với dân là có liên quan tới chữ 'nhũng'”, ông Trần Quốc Thuận nói.
Cũng theo ông Thuận, công chức Việt suốt ngày than lương thấp, nhưng tại sao họ cứ đủng đỉnh, kề cà? Và dù lương thấp tới đâu cũng không thấy ai nghỉ việc. Điều đó cho thấy, có thể họ có nguồn thu nào khác lớn hơn nhiều lương bổng.
Vấn đề lương thấp cũng là yếu tố ảnh hưởng đến cách làm việc của công chức. (Ảnh minh họa).
Ông Vũ Quốc Hùng, nguyên Phó Chủ nhiệm thường trực Ủy ban Kiểm tra Trung ương, nói rằng, ông không có điều kiện làm tổng kết công chức làm phiền hà dân thế nào, nhưng rõ ràng rất nhiều người dân kêu, phàn nàn “công chức hành dân”.
“Tôi đến cơ quan công quyền làm thủ tục hành chính, có lần gặp công chức làm việc đúng mực, tử tế nhưng cũng có lúc gặp công chức có thái độ khinh thường”, ông Hùng nói.
Theo ông Hùng, có một bộ phận công chức không được đào tạo, làm việc thiếu tính chuyên nghiệp, không ngồi đúng chỗ. Bên cạnh đó, vấn đề lương thấp cũng là yếu tố ảnh hưởng đến cách làm việc của công chức. Ông cha ta có câu: "Đói ăn vụng, túng làm liều".
Nguyên Phó Chủ nhiệm thường trực Ủy ban Kiểm tra Trung ương cho rằng, giải pháp phòng chống tham nhũng là phải làm thế nào để người ta “không dám tham nhũng, không thể tham nhũng, không muốn tham nhũng”. Trong đó, có cơ chế thu nhập bảo đảm, công chức sẽ “không cần tham nhũng”.
Dân có quyền kiện
Ông Trần Quốc Thuận - nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội - đề nghị: Tới đây, cơ quan công quyền phải công khai thủ tục hành chính với từng lĩnh vực cụ thể để dân biết, giám sát.
Nếu công chức không làm theo đúng trình tự, thủ tục đó, dân có quyền kiện lên tòa án. Không thể để tiếp tục câu chuyện công chức đẩy qua đẩy lại các thủ tục đó để kiếm chác từ dân.
Ngoài ra, không có cách nào giải quyết bằng việc hoàn thiện hệ thống pháp luật dân chủ và mọi người đều sử dụng pháp luật để thực hiện quyền, nghĩa vụ của mình.
Ông Thuận nhấn mạnh, đến nay, đã có nhiều văn bản dưới luật xử lý chuyện công chức hống hách với dân, nhưng chưa có cơ chế để dẫn tới chỗ kỷ luật họ. Nói cách khác, luật chưa đồng bộ. Hình thức xử phạt nặng nhất là cán bộ tự xin từ chức, nhưng đến nay đã có ai xin từ chức đâu?!
Ông Vũ Quốc Hùng, nguyên Phó Chủ nhiệm thường trực Ủy ban Kiểm tra Trung ương, nói thêm về việc dân có quyền kiện cán bộ công chức làm sai thủ tục hành chính. Ông cho rằng, kiện là ứng xử bình thường ở các nước tiên tiến. Nước ta cũng có tòa án hành chính, chuyện kiện hành chính không phải chuyện mới. Có nhiều khúc mắc do sự vô trách nhiệm, quản lý lỏng lẻo của công chức, người dân thiệt thòi không biết kêu ai. Trường hợp như vậy, nếu không hòa giải được thì tốt nhất nên đến tòa án hành chính.
Ông Hùng nhấn mạnh, nguyên tắc cực kỳ quan trọng đối với tòa án hành chính khi xử cơ quan và nhân viên nhà nước đó là tính độc lập, nghiêm minh. Nếu không nghiêm minh, quyền lợi chính đáng của người dân không được bảo vệ, người dân không muốn kiện vì nghĩ “con kiến kiện củ khoai”.