Con số 13 và sự vô cảm của người Việt

“Có thể vị trí thứ 13 thế giới về vô cảm thiếu chính xác nhưng nó là sự báo động hiện tượng vô cảm đang gia tăng ở Việt Nam”.

Đó là khẳng định của nhà nghiên cứu xã hội học Trịnh Hòa Bình khi trao đổi với PV về hiện tượng “vô cảm” có chiều hướng gia tăng ở Việt Nam trong thời gian gần đây.

Số liệu có thể không chính xác nhưng đáng báo động

Vị trí 13 thế giới về “vô cảm” mà một hãng khảo sát quốc tế Gallup vừa công bố khiến nhiều người dân Việt Nam phải giật mình.

“Tôi không nghĩ rằng người Việt Nam lại vô cảm nhiều đến thế. Những câu chuyện vô cảm dư luận phản ánh trong thời gian qua như: gây tai nạn rồi bỏ trốn, người đi đường thờ ơ, hôi của của người bị nạn là có thật nhưng số người “vô cảm” trong những câu chuyện đó chỉ là một bộ phận nhỏ”, anh Nguyễn Văn Tuấn, lái xe cho một doanh nghiệp kinh doanh hàng tiêu dùng ở Hà Nội chia sẻ.

Anh Tuấn cũng cho biết, anh từng cứu giúp người gặp nạn nhưng cũng có lần anh “bỏ qua”, trong đó có cả lý do khách quan và cố tình.

“Chưa lần nào tôi nhận được lời cảm ơn từ phía gia đình người bị nạn, thậm chí còn gặp phải rắc rối do chính họ gây ra. Điều này làm tôi thất vọng và vô tình đôi ba lần thành người vô cảm”, anh Tuấn nói.

Con số 13 và sự vô cảm của người Việt - 1

Hàng chục người xúm xít xem người bị nạn nhưng không ai đưa đi cấp cứu

Theo phân tích của tiến sĩ Trịnh Hòa Bình, Viện Khoa học xã hội Việt Nam, phạm vi điều tra của hãng khảo sát quốc tế Gallup có thể chỉ ở một bộ phận dân cư nào đó, chứ không phải trong phạm vi xã hội rộng lớn. Hơn nữa, xã hội Việt Nam đang ở giai đoạn chuyển giao sang hội nhập quốc tế, kéo theo sự thay đổi hàng loạt giá trị đạo đức, pháp luật… nên các chỉ số đo ở giai đoạn này có thể không chính xác. Hơn nữa, giả sử những số đo đó là đúng, thì kết quả này lại mâu thuẫn với một tổ chức của Anh khi họ xếp chúng ta vào “Top 10” thế giới về hạnh phúc.

Mặc dù không tin vào con số 13, nhưng ông Bình thừa nhận, những câu chuyện về sự vô cảm, thờ ơ mà dư luận phản ánh trong thời gian qua là có thật, nó cho thấy sự vô cảm của con người trong xã hội chúng ta đang tăng lên. Theo đó, dù độ chính xác của chỉ số đó thế nào, ông Bình cho rằng, chúng ta cũng phải coi đó như một sự cảnh báo, thức tỉnh về mối gắn kết giữa con người với con người trong xã hội hiện nay.

Mất niềm tin khiến con người “vô cảm”?

Với góc nhìn của một nhà nghiên cứu tâm lý, ông Nguyễn Hồi Loan, giảng viên khoa Tâm lý - ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn HN cho rằng, dân tộc ta vốn có truyền thống lá lành đùm lá rách, tính cộng đồng làng xã rất cao. Tuy nhiên, từ khi chúng ta áp dụng nền kinh tế mở cửa, hội nhập truyền thống này có phần phai nhạt. Khi này, sự phân hóa xã hội thể hiện rõ rệt, kéo theo sự gắn kết giữa con người với con người ngày càng lỏng lẻo. Và đây chính là nguồn cơn khiến con người trở nên vô cảm.

“Những năm gần đây, đời sống vật chất của con người tăng lên nhưng tính xã hội ngày càng giảm đi. Sự gắn kết xã hội lỏng lẻo khiến con người trở nên thiếu trách nhiệm. Cùng với nó, tiêu cực trong tầng lớp lãnh đạo tăng khiến quyền lợi của một bộ phận người dân không được đáp đúng nguyện vọng. Từ đó, con người mất dần niềm tin vào người khác, sống co lại, tập trung lo cho bản thân”, ông Loan phân tích.

Con số 13 và sự vô cảm của người Việt - 2

Vụ hôi của "vô cảm" xảy ra tại đường phố ở TP HCM chiều 16/6/2011 khiến dư luận bức xúc

Đồng quan điểm, nhà nghiên cứu xã hội học Trịnh Hòa Bình cũng thừa nhận, khẩu hiệu “mình vì mọi người” dường như đang bị đẩy lùi, hành vi vị kỷ có trong một bộ phận người dân đáng kể. Nguyên nhân là do xã hội chúng ta chưa thực sự là xã hội tôn trọng nghiêm luật pháp, ngay cả khi hành vi “vô cảm” đã có trong điều luật với những khung hình phạt cụ thể.

“Hành vi “vô cảm” bị truy tố pháp luật, có khung hình phạt hẳn hoi nhưng tội danh đó nó rất trừu tượng. Người ta có thể chứng minh mình không biết, chứ không phải là biết, ranh giới khả năng truy tố trách nhiệm hình sự với vô tội rất gần nhau. Tức là ở đây có những điểm mờ nhất định trong ứng xử”, ông Bình cho biết thêm.

Theo kết quả của hãng khảo sát quốc tế Gallup công bố cuối tháng 11, chỉ có 40% số người Việt Nam được hỏi cho biết, họ trải qua nhiều cảm xúc trong một ngày. Với tỷ lệ này, Việt Nam xếp thứ 13 trong số những nước ít cảm xúc nhất, sau các quốc gia và vùng lãnh thổ như Nga, Madagascar, Belarus, Nepal...

Cũng theo ông Bình, cái giả đang tồn tại nhiều quá khiến con người ngày càng mất niềm tin, đa nghi hơn. Từ đó mới có những câu chuyện, người ta không dám tin vào người ăn mày.

Ngăn chặn “vô cảm” là vấn đề cấp bách

Từ những phân tích trên, nhà nghiên cứu xã hội học Trịnh Hòa Bình cho rằng, trong thời đại hiện nay, con người Việt Nam đang đứng trước thách thức hơn bao giờ hết bởi những dòng chảy rất phức tạp của sự phát triển xã hội. Thời gian qua, ít nhiều guồng máy xây dựng đất nước hoạt động trì trệ nên mới để xảy ra những hiện tượng tiêu cực như trên. Nếu chúng ta không kịp thời ngăn chặn, chúng sẽ trở thành những cản trở lớn cho sự phát triển của đất nước, làm tăm tối bầu không khí xã hội.

“Nếu chúng ta không chung tay gây dựng vì cộng đồng, con người không có trách nhiệm với nhau, cứ thờ ơ trong công cuộc hội nhập quốc tế, mọi người cần chung tay xây dựng một xã hội tốt đẹp, phải biết tiếp thu những tinh hoa thế giới, phát huy bản lĩnh truyền thống dân tộc”, ông Bình nêu quan điểm.

Tuy nhiên, để thực hiện được “khẩu hiệu” đó, ông Bình cho rằng, luật pháp phải được coi trọng, phải trở thành bản năng văn hóa, ăn vào máu thịt của mỗi người. Đất nước phải xây dựng được hình ảnh trung tâm, hình tượng chủ chốt để trở thành chuẩn mực, tạo niềm tin cho toàn dân tộc.

“Nhà nước pháp quyền phả lành mạnh, phải công khai, phải do dân vì dân. Đó là mục tiêu hành động của chúng ta”, ông Bình nhấn mạnh.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thuần Lương (Kiến Thức)
Lạnh lùng bỏ mặc nạn nhân TNGT Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN