Cơ quan điều tra cấp tỉnh có quyền nghe lén điện thoại
Việc áp dụng các biện pháp điều tra đặc biệt như ghi âm ghi hình, nghe lén điện thoại và thu giữ nén dữ liệu điện tử của đối tượng, thuộc Cơ quan điều tra cấp tỉnh.
TS. Đỗ Văn Đương
Tiếp tục giới thiệu điểm mới của Bộ Luật tố tụng hình sự 2015 tại Học viện Tư pháp, sáng 18/5, TS. Đỗ Văn Đương - Ủy viên thường trực Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cho biết, thẩm quyền cho phép áp dụng các biện pháp điều tra đặc biệt như ghi âm ghi hình, nghe lén điện thoại và thu giữ nén dữ liệu điện tử của đối tượng, thuộc Cơ quan điều tra cấp tỉnh.
“Việc áp dụng điều tra đặc biệt phải được phê chuẩn của Viện Kiểm sát cùng cấp và chỉ được thực hiện sau khi khởi tố vụ án”, ông Đương nói.
Theo luật mới có hiệu lực từ ngày 1/7 này, ngoài án tham nhũng, các loại tội phạm an ninh quốc gia, ma túy, khủng bố, rửa tiền và những loại tội phạm đặc biệt nghiêm trọng khác (có khung hình phạt từ trên 15 năm tù trở lên) đều có thể được áp dụng biện pháp điều tra đặc biệt kể trên nếu cơ quan điều tra thấy cần thiết.
Cũng theo ông Đương, để đảm bảo quyền con người như Hiến pháp quy định, tinh thần Bộ luật tố tụng hình sự 2015 là việc bắt người dứt khoát phải có lệnh và được Viện kiểm sát phê chuẩn.
“Nếu không chỉ được tạm giữ họ mà việc giữ này phải có căn cứ và có lệnh của người có thẩm quyền”, ông Đương cho biết.
Đối với vai trò của Viện kiểm sát trong các vụ án hình sự, ông Đương cho hay luật mới quy định kiểm sát viên sẽ vào cuộc ngay từ khi có tin tố giác tội phạm, tức thời điểm trước khi khởi tố vụ án thay vì như quy định hiện nay kiểm sát viên chỉ tham gia sau khi có quyết định khởi tố.
“Điều này sẽ góp phần giải quyết đúng đắn vụ án ngay từ giai đoạn đầu, tránh làm oan hoặc bỏ lọt tội phạm bởi nếu cơ quan điều tra không thực hiện theo yêu cầu của Viện kiểm sát thì Viện kiểm sát sẽ thực hiện quyền năng của mình theo quy định.Nói cách khác là nếu “ anh không làm thì tôi sẽ làm đấy”, ông Đương nhấn mạnh.