Có một xóm “lần mò” sinh hoạt

Ấp Pa Pếch cách trung tâm xã Tân Hưng (huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước) khoảng 20 km, đã 20 năm kể từ ngày chuyển đến mảnh đất này là ngần đó thời gian 166 hộ dân phải "lần mò" sinh hoạt.

Đời sống của họ có lẽ đã đổi khác hơn nếu như có điện. Thèm điện, khát điện trước những nhu cầu bức thiết của cuộc sống, nhiều hộ đã phải chắt chiu: đầu tư bộ máy năng lượng mặt trời; mua máy nổ; mua bình ắc quy, nhưng ánh sáng đến bằng cách này chưa bao giờ là đủ bởi còn phải phụ thuộc vào thời tiết. Chưa kể những hộ gia đình khó khăn, lo bữa ăn đã khó thì việc có điện bằng cách này lại là một điều xa xỉ.

Ông Lý Phúc Trọng (ấp Pa Pếch, tâm sự: Ngày thì lo đi làm nương, làm rẫy, chập tối về, mọi sinh hoạt phải diễn ra gấp rút và cố xong trước khi bóng tối bao trùm. Chỉ khi màn đêm buông xuống mới thấy rõ nỗi khổ của người dân khi không có điện: từ sinh hoạt đun nấu, ăn uống, đi lại đến việc học hành của lũ trẻ, cũng chỉ có thể dựa vào ánh sáng lờ mờ của ngọn đèn dầu, hay tia sáng yếu ớt từ chiếc đèn pin đội đầu.

Có một xóm “lần mò” sinh hoạt - 1

Suốt 20 năm qua, vợ chồng bà Sơn Thị Sa Nương vẫn phải ăn cơm tối với chiếc đèn pin treo trên đầu

Bà Sơn Thị Sa Nương, một người dân trong ấp than thở: "Tối nào cũng soi đèn cóc thế này mới có thể ăn được bữa cơm. Đã gần 20 năm rồi phải sống trong cảnh ăn cơm với đèn đội trên đầu, không biết khi nào dân nghèo ở nơi đây có được nguồn điện thắp sáng như người ta".

Cũng vì lý do không có điện nên nhiều hộ gia đình chuyển đi nơi khác, nhiều đứa trẻ cũng chán nản không muốn đến trường.

Có một xóm “lần mò” sinh hoạt - 2

Các em nhỏ phải học dưới ánh đèn dầu

Trước khó khăn của người dân ấp Pa Pếch, UBND xã Tân Hưng đã nhiều lần nêu kiến nghị của cử tri lên cấp huyện và cấp tỉnh. Sau những lần ghi nhận, cũng đã có nhiều đoàn về ấp khảo sát thực tế và mỗi lần như vậy người dân lại nuôi thêm hy vọng. Có điều đến nay, đó vẫn chỉ là niềm hy vọng.

“Người dân thì luôn khát điện kéo dài, còn chính quyền địa phương thì cho đây là nhiệm vụ của ngành điện lực. Trái bóng đá qua rồi đá lại và cuối cùng bóng tối vẫn bao trùm Pa Pếch”, ông Trọng, bà Nương bức xúc.

Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với Điện lực huyện Đồng Phú. Ông Lê Tấn Sĩ – Phó giám đốc Công ty Điện lực huyện, cho biết việc cấp điện cho các hộ dân ấp Pa Pếch thực sự là khó khăn cho điện lực Đồng Phú cũng như ngành điện bởi ngành điện không thể đầu tư cùng một lúc cho nhiều hạng mục công trình. Ông Sĩ nói ngành điện luôn theo dõi tốc dộ phát triển phụ tải của khách hàng, của dân và ưu tiên cho những khu vực dân cư tập trung đông.

"Trường hợp này, Điện lực Đồng Phú cũng đã kiến nghị UBND huyện, báo cáo với UBND tỉnh đưa ấp Pa Pếch vào chương trình phát triển điện nông thôn của tỉnh Bình Phước giai đoạn 2013 - 2020, với số vốn khoảng 676 tỉ đồng. Khi tỉnh có vốn đầu tư vào chương trình phát triển nông thôn như lộ trình theo phương án trên, chúng tôi sẽ thực hiện”, ông Sĩ nói.

Như vậy, người dân Pa Pếch đã nuôi hy vọng có điện kéo dài suốt 20 năm qua và tiếp tục thấp thỏm chờ đợi ánh sáng về với họ. Bởi có điện là để thắp sáng cuộc đời, thắp sáng ước mơ của bao đứa trẻ nơi đây. Niềm hy vọng và ước mơ của người dân Pa Pếch mong ngành điện lực và những cơ quan chức năng có thẩm quyền quan tâm để sớm trở thành hiện thực.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo H.Hải (Người lao động)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN