Chuyện về “kình ngư cứu nạn” trở thành Công dân trẻ tiêu biểu TP.HCM
Với khả năng bơi lặn thuộc hạng thượng thừa của mình, Võ Thành Công được đồng đội và người dân yêu mến đặt cho biệt danh “kình ngư cứu nạn”…
Gần 8 năm gắn bó với công việc cứu hộ - cứu nạn, Trung úy Võ Thành Công đã tham gia hàng trăm vụ lặn tìm và cứu sống không ít nạn nhân đuối nước. Với lòng dũng cảm và sự gan dạ, chàng chiến sĩ trẻ đang công tác tại Phòng Cứu hộ - cứu nạn, Cảnh sát PCCC TP.HCM đã góp phần cung cấp nhiều chứng cứ quan trọng cho lực lượng công an thành phố phá án. Cũng chính vì khả năng bơi lặn thuộc hạng thượng thừa của mình mà Võ Thành Công đã được đồng đội và người dân yêu mến đặt cho biệt danh “kình ngư cứu nạn”.
Có mặt tại những điểm nóng
Trung úy Võ Thành Công là một trong sáu gương mặt vinh dự nhận được danh hiệu “Công dân trẻ tiêu biểu Thành phố Hồ Chí Minh năm 2015”. Đây là danh hiệu do Thành đoàn Thanh niên Cộng sản TP.HCM tôn vinh trong năm dành cho những thanh thiếu niên có thành tích xuất sắc trong chuyên môn, lao động, học tập… góp phần đưa thành phố và đất nước phát triển.
Gặp chàng chiến sĩ trẻ Võ Thành Công vào một ngày đầu năm 2016, sau khi anh nhận được tuyên dương, chúng tôi đã được nghe những chia sẻ của anh trong quá trình công tác cũng như con đường trở thành công dân trẻ tiêu biểu của thành phố.
Võ Thành Công sinh ra và lớn lên trong một gia đình làm nông ở Quận 8, một vùng ngoại ô TP.HCM. Gia đình Võ Thành Công không có ai công tác trong ngành cứu hộ cứu nạn cũng như Phòng cháy chữa cháy nhưng chàng trai sinh năm 1989 đã quyết định theo “nghiệp” cứu người. Năm 2008, Võ Thành Công hoàn tất khóa huấn luyện chiến sĩ mới và được chỉ huy đánh giá có nhiều tố chất phù hợp với người lính cứu hộ.
Những ngày tháng rèn luyện trong môi trường cứu hộ, cứu nạn Võ Thành Công đã bộc lộ những ưu điểm như sự xông xáo, quyết đoán và trên hết là dũng cảm, xả thân mình vì người gặp nạn. Khi được nghe những bậc đàn anh kể về chuyện chiến đấu với khói lửa, xông pha vào vụ sụp đổ cứu người, chàng chiến sĩ trẻ càng hiểu hơn về sự gian khổ của công việc. Xuất phát từ suy nghĩ phải làm gì để giúp người dân khi gặp sự cố, hoạn nạn Võ Thành Công đã quyết tâm xin về công tác tại Phòng cứu hộ cứu nạn thuộc Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy TP.HCM.
Trung úy Võ Thành Công trước giờ tham gia nhiệm vụ cứu hộ - cứu nạn.
Gần 8 năm gắn bó với công việc cứu hộ, cứu nạn Võ Thành Công sát cánh cùng đồng đội tham gia hàng trăm vụ cứu hộ, mỗi lần dấn thân cứu người là một lần để lại trong lòng chàng chiến sĩ trẻ dấu ấn khó quên.
Võ Thành Công kể, về công tác tại đơn vị được hai năm anh và đồng đội nhận được yêu cầu từ cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP.HCM nhờ phối hợp tìm kiếm các vật chứng quan trọng trong những vụ án.
Trong một vụ án đặc biệt nghiêm trọng xảy ra vào dịp cận tết năm 2010, Võ Thành Công và đồng đội được giao nhiệm vụ lặn tìm những phần thi thể của nạn nhân bị vứt dưới sông Rạch Tam ở xã Tân Nhựt, huyện Bình Chánh, TP.HCM. Mỗi khi nhắc lại lần tham gia nhiệm vụ này, ai nấy trong đội lặn tìm cũng cảm thấy “toát mồ hôi” phải lặn dưới dòng nước lạnh ngắt.
Hay như vụ cứu hộ các nạn nhân trong vụ cháy nổ tại nhà ông Phương “khói lửa”. Nhắc lại vụ cứu nạn này, Võ Thành Công thuật lại, lúc đội cứu hộ - cứu nạn đến nơi thì cảnh tượng đổ nát hiện ra trước mắt thật kinh hoàng, gạch đá ngổn ngang. Anh cùng đồng đội đã bốc dỡ từng viên gạch, từng mảng bê tông và sau đó cứu sống cụ bà Lê Thị Rếp khi bà thoi thói kêu cứu sâu ba mét từ đống đổ nát.
Còn nhiều vụ tai nạn khác như vụ lặn tìm 15 nạn nhân trong vụ chìm tàu Dìn Ký trên sông Sài Gòn, vụ sập công trình xây dựng nhà CR4 trên đường Tôn Dật Tiên (khu Phú Mỹ Hưng, quận 7), vụ cứu 14 nạn nhân sập hầm tại Tổng công ty cấp nước Sài Gòn SAWACO (Công trường quốc tế, quận 3), chìm tàu trên sông Nhà Bè, sập công trình thủy điện Đạ Dâng (Lâm Đồng)… Thành tích cứu sống cụ bà Rếp trong vụ cháy nổ này đã để lại nhiều kỷ niệm nhất không chỉ riêng bản thân chàng chiến sĩ trẻ Võ Thàng Công mà còn là bài học, là tấm gương mà lực lượng cứu hộ - cứu nạn truyền đạt lại cho các thế hệ chiến sĩ trẻ sau này.
Suốt gần 8 năm công tác, Trung úy Võ Thành Công đã tham gia vào hàng trăm vụ cứu nạn, vớt được hơn 100 thi thể xấu số trong những vụ nhảy cầu tự vẫn, tai nạn đuối nước. Với khả năng bơi lặn như rái cá, Võ Thành Công được đồng đội và người dân yên mến phong cho biệt danh “kình ngư cứu nạn”. Sở hữu bảng thành tích đáng nể như thế nhưng Võ Thàng Công vẫn rất khiêm tốn, anh cho rằng tất cả là nhờ vào sự hướng dẫn tận tình của các đàn anh đi trước bên cạnh những kỹ năng, kinh nghiệm tự rút ra được khi thực hành thực tế.
“Lấy hạnh phúc của người khác làm niềm vui cho mình”
Bên cạnh yếu tố nghiệp vụ, “kình ngư cứu nạn” Võ Thàng Công còn chia sẻ rằng, trong những vụ cứu nạn anh tham gia chính niềm hi vọng của thân nhân người bị nạn đã tiếp thêm động lực để anh hoàn thành nhiệm vụ trong suốt những năm qua. Nhưng trên hết anh tâm niệm là “lấy hạnh phúc của người khác làm niềm vui cho bản thân mình”. Sự nghiệp người lính cứu hộ đã chọn và nuôi sống bản thân, nên Võ Thành Công luôn hạnh phúc với nghề dù mỗi lần tham gia công tác là một lần đối mặt với nguy hiểm, thậm chí có lúc phải đánh đổi mạng sống của mình.
Võ Thành Công khẳng định, có thể cứu sống người hoặc tìm kiếm được thi thể người bị nạn, góp phần làm xoa dịu những mất mát của người thân nạn nhân là động lực đã thúc đẩy anh tiếp tục gắn bó với công việc. “Tôi còn may mắn được sự động viên từ gia đình, bạn bè và người thân, đây cũng là nguồn sức mạnh để tôi phấn đấu cống hiến cho đến khi nào không còn đủ sức nữa”, “kình ngư cứu nạn” Võ Thành Công tâm sự.
Với những thành tích trong công tác, “kình ngư cứu nạn” Võ Thàng Công (ngoài cùng bên trái) vinh dự nhận được các bằng khen từ lãnh đạo lực lượng.
Nhắc đến những lần thoát nạn khi thực hiện nhiệm vụ cùng đồng đội, Võ Thàng Công kể, năm 2011, khi tham gia tìm kiếm một người mất tích trong vụ tàu chìm trên sông Soài Rạp. Tổ lặn của anh có ba người đang lặn sâu dưới lòng sông thì bất ngờ một chiếc tàu bị đứt dây neo, trôi tự do về hướng ba chiến sĩ. Nhận biết được nguy hiểm, chỉ huy tổ lặn đã yêu cầu tất cả đồng đội lên bờ nhưng do đang lặn sâu, Võ Thành Công không thể trồi lên kịp.
Trong vài phút, cả tổ gần như nín thở khi lo lắng cho kình ngư, và sung sướng hò reo khi anh ngoạn mục thoát hiểm và trồi lên khỏi mặt nước. Ngoài ra, hàng chục vết sẹo lớn nhỏ từ những lần bị các vật lạ cắt – cứa vào cơ thể trong lúc tham gia tìm kiếm cứu hộ thì theo Công gần như là chuyện bình thường, không đáng được nhắc đến và do… thiếu kinh nghiệm xử lý.
Tất cả những kinh nghiệm sống còn trong công tác, chàng chiến sĩ trẻ Võ Thành Công lại tiếp tục chia sẻ cho đồng đội, truyền lại cho đàn em, đồng nghiệp ở nhiều địa phương như Cần Thơ, Bình Dương, Đồng Nai, Bến Tre… Thượng uý Nguyễn Hoài Tâm, một đồng đội của Thiếu úy Công nói: “Trong công tác chuyên môn, đồng chí Công luôn thể hiện tinh thần chiến đấu cao và có kinh nghiệm trong công tác cứu nạn cứu hộ. Đồng chí luôn truyền đạt kinh nghiệm đó cho thế hệ trẻ nên tôi rất cảm mến đồng chí”.
Với những thành tích xuất sắc mà Trung úy Võ Thành Công đạt được trong suốt quá trình làm việc và những đóng góp trong công tác cứu nạn cứu hộ, Trung úy Võ Thành Công đã được vinh danh là Chiến sĩ chữa cháy cứu nạn tiêu biểu năm 2015, nhận được bằng khen vì những thành tích xuất xắc, là 1 trong 80 gương mặt trẻ tiêu biểu trong phong trào thi đua “Vì an ninh tổ quốc”...