Chuyện nhà ông Nguyễn Vinh Phúc

Ngày mà năm bố con thầy giáo Nguyễn Vinh Phúc (sau này là nhà Hà Nội học nổi tiếng) tay xách nách mang nào quần áo, nào chăn màn, sách vở, đồ dùng học tập lếch thếch sang Gia Lâm sơ tán theo trường cũng là lúc cô bé Nguyễn Thị Viền đang học lớp 4 trường làng.

Mấy hôm trước bố đi họp đội sản xuất về đã thông báo: nhà ta sắp có người đến ở sơ tán, nên Viền và anh trai phải biết ý tứ khi có thầy giáo đến ở cùng nhà. Vì vậy, sau giờ đi làm tập thể, mẹ tranh thủ giẫy cỏ sân vườn, cổng ngõ, quét tước cho sạch bóng mọi chỗ. Viền thì được giao nhiệm vụ lấy tro bếp kỳ cọ đến sạch tinh bộ ấm chén uống trà, sắp xếp ngăn nắp sách vở. Bà nội ngả thêm một chum tương nữa. Bố Viền đóng thêm một chiếc bàn dài kê sát cửa sổ và bảo để cho thầy giáo làm việc. Tất cả những việc ấy được làm chỉ bởi lời bố bảo: Sắp có thầy giáo đến ở nhà ta!

Chuyện nhà ông Nguyễn Vinh Phúc - 1

Học sinh rời lớp, đội mũ rơm, xuống giao thông hào ngay khi có kẻng báo động - Ảnh tư liệu

Học làm trẻ con nông dân

Ngày thầy giáo Phúc và bốn người con trứng gà trứng vịt đến nhà là ngày mà Viền vui đến mức chỉ muốn chạy sang hàng xóm khoe. Nhưng nhà hàng xóm nào cũng có người từ nội thành sang sơ tán nên nhà nào cũng vui. Nhất là đám trẻ con như Viền. Chẳng đứa nào còn nghĩ đến chuyện Mỹ ném bom và đứa trẻ con nào đi học cũng phải mang theo mũ rơm và túi cứu thương nữa. Cứ có khách là vui đã. Trong nhà có khách, đôi khi có lỗi bố cũng không mắng nhiều, không đánh bằng roi vì còn nể khách.

Không cần đến nửa ngày, Viền và những đứa trẻ con nhà thầy giáo Phúc đã ngay lập tức trở nên thân thiết. Cả mấy chị em cùng kéo nhau ra vườn nhặt cỏ, trồng rau và ra đồng mót lúa. Trẻ con dễ trở nên thân thiện.

Ngôi nhà ba gian của bố mẹ Viền được dành hẳn một gian có giường, có phản cho mấy bố con thầy giáo Phúc. Mọi đồ đạc trong nhà được dọn dẹp tinh tươm, những món nào chiếm nhiều diện tích thì được chuyển xuống bếp. Gian nhà của mấy bố con thầy giáo Phúc nhờ vậy mà sạch sẽ gọn gàng hơn. Hằng ngày ở bên này cửa sổ, Viền vừa mở sách học bài vừa vểnh tai sang bên phía cửa sổ bên kia để nghe thầy Phúc giảng bài cho chị Trinh (con gái lớn). Nghe giảng và lẩm nhẩm đọc theo. Thầy Phúc thấy đứa trẻ nhà chủ chịu khó nghe giảng vậy cũng cố nói to hơn một chút để nó nghe rõ.

Mùa đông, rau khúc mọc đầy trên ruộng cạn. Những lá rau khúc mỏng manh, phủ một lớp lông tơ trắng mượt. Chân trần giẫm trên cuống rạ. Mấy đứa trẻ sung sướng ngắt từng ngọn rau khúc, bất chấp những giọt sương lạnh buốt hay những cuống rạ đâm vào làn da chân tím tái. “Hồi ấy rau khúc nhiều lắm, mùa đông mọc đầy trên những cánh đồng cạn” - bà Viền nhớ lại. Rau khúc dùng để làm bánh khúc. Rau khúc nhặt về giã nát, trộn với đậu xanh đồ chín cùng thịt lợn để làm nhân. Vỏ bánh được làm bằng gạo nếp ngâm kỹ. Nhưng hồi ấy khó khăn, đến gạo tẻ để ăn còn không đủ thì lấy đâu ra gạo nếp. Mấy đứa trẻ hái rau khúc rồi trộn với bột mì làm bánh khúc chia nhau ăn.

Rồi những lúc rảnh rỗi khác, Viền hay dẫn Vân Anh ra đồng bắt cua bắt ốc để cải thiện bữa ăn hằng ngày cho gia đình. “Bởi chị Trinh lớn, sắp học cấp III rồi nên ba Phúc bắt chị học cả ngày, không cho đi chơi”. Hai đứa trẻ mỗi đứa cầm theo một cái rổ, một cái giỏ nhỏ, xắn quần lưng bắp chân đi xúc tép kho cà. Thỉnh thoảng cũng bắt được ít cá diếc to, bà bỏ vào nồi đất kho tương. Ngon lắm. Cũng bởi sự chăm chỉ của mấy cô bé mà bữa ăn trong nhà thỉnh thoảng được cải thiện chút đỉnh. “Những người nông dân ở đó quá tốt. Suốt mấy năm đi sơ tán mà lúc nào họ cũng đối với chúng tôi như khách. Trọng thị và yêu thương” - chị Nguyễn Thị Trinh, con gái thầy giáo Nguyễn Vinh Phúc, nói.

Chuyện nhà ông Nguyễn Vinh Phúc - 2

Từ trái sang: bà Nguyễn Thị Viền, Nguyễn Thị Vân Anh, Nguyễn Thị Trinh trở thành chị em một nhà sau chuyến sơ tán cách đây 40 năm

Nếu không có ba Phúc và 6 năm sơ tán...

Câu chuyện của rất nhiều gia đình sơ tán đã dừng lại vào đầu năm 1973, khi Hiệp định Paris được ký kết. Nhưng câu chuyện giữa những đứa trẻ của gia đình thầy giáo Phúc và cô bé Viền vẫn chưa dừng lại.

Bởi chị Trinh học hơn Viền một lớp, thế nên mỗi khi chị đọc bài, học bài, Viền lại vểnh tai lên nghe để học lỏm. Thầy Phúc thấy vậy gọi Viền sang giảng thêm cho Viền những bài văn hay, những câu thơ đẹp và giảng giải cho Viền cả những tích xưa trong và ngoài sách. Cũng nhờ có trường sơ tán, lớp sơ tán và những đứa trẻ Hà Nội sơ tán mà những đứa trẻ trong làng như Viền đã có cơ hội được học nhiều hơn. Ngoài giờ làm đồng giúp bố mẹ thì chúng ganh đua nhau để được học như những đứa trẻ ở Hà Nội. Và những đứa trẻ từ Hà Nội về, ngoài việc học lại ra đồng nhặt cỏ, phơi lúa giúp nhau.

Gần hết đợt sơ tán, có đoàn văn công về tuyển Viền làm diễn viên. Bố Viền, một nông dân chính cống, rất muốn con cái thoát ly khỏi cuộc sống ruộng đồng đã nói chuyện với thầy Phúc, đại ý xin thầy một lời khuyên về việc có cho con bé theo đoàn văn công không. Thầy Phúc nói: Con bé thông minh, sáng dạ, nên cho nó đi học tiếp lên cấp III.

Hòa bình, năm bố con thầy giáo Nguyễn Vinh Phúc trở về Hà Nội, mang theo cả cô bé Viền lúc ấy vừa vào lớp 8. “Bố tôi bị bệnh, trước khi mất nhờ ba Phúc chăm lo cho tôi. Ba Phúc nhận lời và nói tôi sẽ là đứa con thứ 6 của ba” - bà Viền nói.

Học hết cấp III, thi vào Đại học Y, Viền tốt nghiệp và đi làm. Ngôi nhà ở số 72 Ngô Quyền (Hà Nội) trở thành nhà của Viền cùng các anh chị em con thầy giáo Phúc. “Tôi nghĩ cuộc đời tôi sẽ không được như hôm nay nếu không có ba Phúc và sáu năm sơ tán. Ba Phúc chăm lo cho tôi từ nhỏ, đến cả khi lấy chồng, mỗi khi gặp chuyện gì bế tắc tôi đều tìm đến ba như một người bạn lớn” - bà Viền tâm sự.

Bây giờ thì bà Viền đã nghỉ hưu. Cả hai người con gái khác của nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc cũng thế. Họ vẫn gặp nhau hằng tuần để chia sẻ chuyện gia đình, công việc, con cái. Vẫn ríu rít như chim khi nhắc về những kỷ niệm cách đây hơn 40 năm.

Còn nhớ khi nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc còn sống, có lần ông kể: “Gia đình tôi sơ tán ở chùa Keo Gia Lâm cách Hà Nội 20km cùng với cả trường. Nông dân của ta rất tốt, chào đón và dành những điều kiện tốt nhất cho người sơ tán: dành nhà to, từ đường cho người sơ tán ở, còn gia đình mình thì ở nhà ngang, nhà bếp. Ngay trong cuộc sống cũng có sự tương trợ: có miếng ăn ngon cũng nhường cho những người sơ tán, có rau ngoài vườn thì cho ăn chung, đi tát đồng được ít cua cá cũng chia cho đồng bào...

Những điều đó nói lên cái gì? Đó chính là tinh thần cộng đồng được đặt lên trên hết, trong khó khăn người và người chia sẻ cho nhau. Thành ra người đi sơ tán yên tâm, người ở lại nội thành cũng yên tâm, nông dân cũng hài lòng vì đã giúp đỡ được đồng bào sơ tán thực hiện chủ trương của thành phố. Tình người lúc ấy thật cao cả. Đó chính là bản sắc của người VN là tôn trọng cộng đồng, tương thân tương ái và lá lành đùm lá rách”.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Hoàng Điệp (Tuổi Trẻ)
Hà Nội - Những tháng ngày sơ tán Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN