Chuyên gia lý giải vì sao tháng 2 có ít ngày hơn các tháng khác?

Sự kiện: Thời sự

Vì sao tháng 2 luôn chỉ có 28 hoặc 29 ngày trong khi hoàn toàn có thể lấy bớt ngày 31 của tháng nào đó bù vào? Điều này bắt nguồn từ lịch sử hình thành và phát triển của dương lịch.

Rắc rối của phân chia ngày cho các tháng

Theo ông Đặng Vũ Tuấn Sơn, Chủ tịch Hội Thiên văn và Vũ trụ học Việt Nam sở dĩ tháng 2 luôn có ít ngày hơn các tháng khác là vì các lý do sau:

Như chúng ta biết, Dương lịch được sử dụng rộng rãi trên toàn thế giới chia một năm ra thành 12 tháng. Mỗi tháng trong số này đều có từ 30 đến 31 ngày, trừ tháng 2 chỉ có 28 ngày (29 ngày nếu là năm nhuận). Việc này khiến chúng ta đều có lúc tự hỏi tại sao lại có một tháng đặc biệt như vậy.

Chúng ta dễ thấy rằng chỉ cần lấy bớt hai ngày của hai tháng 31 ngày nào đó bù vào là tháng 2 sẽ có 30 ngày để không bị chênh lệch với các tháng khác. Mặc dù vậy người ta vẫn giữ tháng 2 chỉ có 28 ngày. Để hiểu lý do của việc này, chúng ta cần xét tới lịch sử hình thành và phát triển của Dương lịch, có nguồn gốc từ lịch La Mã.

Tháng 2 luôn ít ngày hơn các tháng khác xuất phát từ lịch sử ra đời của Dương lịch

Tháng 2 luôn ít ngày hơn các tháng khác xuất phát từ lịch sử ra đời của Dương lịch

Lịch La Mã ban đầu ban hành bởi Romulus, vị hoàng đế đầu tiên của thành Rome. Lịch do ông ban hành dựa vào chu kì của Mặt Trăng, tức là tương tự như âm lịch của người phương Đông, tuy nhiên chỉ có 10 tháng. 10 tháng của lịch này bắt đầu từ tháng ba và kết thúc vào cuối tháng mười hai (lưu ý rằng cách đánh số tháng 1, 2, 3, ... là do cách dịch của người Việt Nam, còn trong nguyên bản của lịch La Mã cũng như cách dịch ra nhiều ngôn ngữ trên thế giới thì mỗi tháng có tên riêng, vì vậy việc bắt đầu bằng tháng ba không có mâu thuẫn gì về mặt số học).

Như vậy một năm chỉ có 10 tháng, tức là có một khoảng thời gian kéo dài hai chu kỳ Trăng không được đưa vào lịch, lý do là Romulus cho rằng đây là thời gian mùa đông không có ý nghĩa gì với việc làm nông nghiệp nên không cần có qui ước.

Khoảng thế kỷ thứ 8 trước CN, hoàng đế Numa Pompilius là người quyết định đưa thêm hai tháng nữa vào lịch cho đủ 12 chu kỳ Trăng. Mỗi tháng này có 28 ngày, làm cho lịch kéo dài đủ 12 chu kỳ Trăng, tổng cộng là 354 ngày. Tuy vậy, Pompilius cho rằng số 28 là con số không may mắn nên sau đó quyết định cho tháng một thêm 1 ngày thành 29 ngày, còn tháng hai không hiểu vì lý do gì vẫn giữ nguyên chỉ có 28 ngày.

Lịch đặt theo chu kỳ của Mặt Trăng dần bộc lộ điểm yếu, nó không phản ánh đúng được chu kỳ biến đổi thời tiết các mùa, vì chu kỳ này gắn liền với chuyển động của Trái Đất quanh Mặt Trời. Vì lý do đó, người La Mã lại quyết định cứ hai năm thì đưa vào thêm một tháng nhuận kéo dài 27 ngày sau ngày 23 tháng hai (những năm đó tháng hai chỉ có 23 ngày).

Việc thay đổi như trên làm việc tính lịch trở nên rắc rối (gần giống như Âm lịch ngày nay của chúng ta). Đến khoảng năm 45 trước CN, Julius Caesar quyết định thay đổi hệ thống tính lịch này, giữ nguyên 12 tháng nhưng thêm ngày vào các tháng để cho 12 tháng đó trùng với chu kỳ của Mặt Trời (chu kỳ vị trí của Măt Trời trên bầu trời, chứ không phải chu kỳ Trái Đất chuyển động quanh Mặt Trời vì thời đó người ta không biết Trái Đất có quỹ đạo quanh Mặt Trời).

Caesar cũng đặt qui định cứ 4 năm một lần thì tháng hai lại được cộng thêm một ngày cho phù hợp với chu kỳ của Mặt Trời được tính ra khi đó là 365,25 ngày, điều này về cơ bản khá gần với chu kỳ thật của Trái Đất quanh Mặt Trời hiện nay chúng ta biết là 365,2425 ngày.

Có nguồn tài liệu ghi rằng ban đầu theo cách tính lịch của Caesar, tháng hai có 29 ngày và mỗi 4 năm nó được thêm một ngày thành 30 ngày, tức là không có chênh lệch lớn với các tháng khác.

Tuy vậy sau này khi các tháng được đặt tên lại, ngày thứ hai chín của tháng hai được chuyển sang tháng tám bởi một lý do khác là tháng tám (August) được đặt theo tên của Augustus (Hoàng đế sáng lập đế chế La Mã), trong khi tháng bảy (July) thì được đặt theo tên của Julius Caesar. Ban đầu, tháng tám chỉ có 30 ngày, nhưng vì tháng bảy có tới 31 ngày nên 1 ngày của tháng hai đã bị lấy sang để bù cho tháng tám để Augustus không bị thiệt thòi so với Julius Caesar.

Dương lịch chúng ta sử dụng ngày nay chính là lịch La Mã đã được hoàn thiện thêm. Cách chia các tháng vẫn giữ nguyên để tôn trọng lịch sử và đó là lí do tháng hai có ít ngày hơn các tháng khác. Trong khi Âm lịch ở phương Đông dựa trên chu kỳ tuần trăng nên thời điểm bắt đầu và kết thúc mỗi tháng cần có sự chính xác theo chu kỳ Trăng, thì Dương lịch dựa vào chu kỳ quỹ đạo của Trái Đất quanh Mặt Trời nên việc đánh dấu sự phân cách giữa các tháng dễ dàng linh động hơn. Nói cách khác, đây chỉ là một qui ước, không gây ảnh hưởng gì tới việc sử dụng thời gian của chúng ta.

Năm và năm nhuận

Ngày nay với kiến thức về thiên văn học đã có thì chúng ta biết rằng một năm là một chu kỳ chuyển động của Trái Đất quanh Mặt Trời, chính là chu kỳ năm Dương lịch. Một năm như vậy ứng với chu kỳ biến đổi thời tiết. Người phương Đông trước đây thì không dựa vào vị trí của Mặt Trời mà dựa vào vị trí của Mặt Trăng, nên khi ước đoán chu kỳ thời tiết thì họ thấy chu kỳ này tương đương với khoảng 12 tuần Trăng, do đó một năm được qui ước là độ dài của 12 tuần Trăng, hay 12 tháng.

Tuy nhiên sau đó người ta nhận ra là chu kỳ 12 tuần trăng này ngắn hơn chu kỳ thực của thời tiết khoảng 10 ngày, như vậy nếu cứ để nguyên 1 năm 12 tháng thì cứ ba năm lịch sẽ đi chậm so với chu kỳ thời tiết khoảng 1 tháng, càng nhiều năm độ lệch càng cao. Do vậy nên người phương Đông xưa đưa thêm vào tháng nhuận.

Cứ khoảng ba năm thì lại có một tháng nhuận. Về qui tắc tính thì người ta lấy ngày đông chí hàng năm làm mốc. Năm nào mà giữa hai ngày đông chí có 13 điểm sóc thì năm đó có thêm tháng thứ 13. Năm có tháng nhuận này được gọi là năm nhuận âm lịch, tháng nhuận được chọn là tháng đầu tiên trong năm không chứa trung khí nào, và được lấy tên theo tháng ngay trước nó.

Với việc cải tiến để Âm lịch "đuổi kịp" Dương lịch và phù hợp với chu kỳ thời tiết, loại Âm lịch chúng ta dùng ngày nay đôi khi còn được gọi là "Âm Dương lịch". Tuy nhiên về cơ bản thì nó vẫn lấy cơ sở ban đầu của Âm lịch ban đầu, do đó để ngắn gọn chúng ta vẫn có thể gọi nó là "Âm lịch" như cách gọi tên thông dụng.

Nguồn: [Link nguồn]

Những sự kiện thiên văn kỳ thú ở Việt Nam trong năm 2023

Mưa sao băng, nhật thực một phần hay siêu trăng là những sự kiện thiên văn đáng chú ý của năm 2023 có thể quan sát được trên lãnh thổ Việt Nam.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Tô Hội ([Tên nguồn])
Thời sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN