Chuyên gia hiến kế “kéo” người dân đi làm bằng xe đạp
Khi hạ tầng giao thông của Thủ đô Hà Nội đồng bộ, giao thông công cộng phát triển… người dân hoàn toàn có thể đi làm bằng xe đạp.
Người dân sử dụng xe đạp sẽ góp phần cải thiện giao thông, bảo vệ môi trường (ảnh: Quốc Hải)
Mới đây Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia đã lập fanpage kêu gọi người dân đi xe đạp góp phần cải thiện an toàn giao thông, bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, khi phóng viên liên hệ với Phó Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, ông Khuất Việt Hùng từ chối chia sẻ thêm thông tin. Ông Hùng cho biết, đây mới chỉ là ý tưởng, hiện nay đơn vị đang xây dựng kế hoạch.
Đi xe đạp sẽ giảm tai nạn giao thông
Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thủy, người có hơn 30 năm nghiên cứu về giao thông đô thị cho biết, hiện nay vấn đề ô nhiễm môi trường ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh đang gia tăng. Do vậy, nếu người dân đi xe đạp nhiều hơn sẽ giảm bớt được khí CO2 thải ra môi trường, góp phần bảo vệ môi trường.
“Tôi sẵn sàng đi làm bằng xe đạp nếu hạ tầng giao thông ở Thủ đô đồng bộ; phương tiện giao thông công cộng kết nối với nhau thông suốt; có tuyến đường dành riêng cho xe đạp; quãng đường từ nhà tới cơ quan khoảng 5km trở lại…”, tiến sĩ Thủy chia sẻ.
Chuyên gia giao thông cho hay, việc kêu gọi người dân đi xe đạp thay cho phương tiện xe máy trên quãng đường ngắn (5km trở lại) sẽ mang lại nhiều lợi ích. Nhiều nghiên cứu, tài liệu đã chứng minh, người dân đi đạp xe mỗi ngày sẽ có một sức khỏe dẻo dai, giấc ngủ sâu hơn. Khi tắc đường xảy ra, xe đạp cũng dễ dàng di chuyển hơn xe máy.
“Khi xảy ra tắc đường, rất nhiều người dân vẫn để xe máy nổ. Như vậy, khí độc thải ra môi trường gây ô nhiễm, nhiệt độ cũng tăng lên khiến nhiều người cảm thấy ngột ngạt. Trong khi đó, xe đạp không có động cơ nên trong trường hợp này không thải khí độc ra môi trường, người dân sẽ thấy dễ chịu hơn”, tiến sĩ Thủy nói.
Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thủy, người có hơn 40 năm nghiên cứu về giao thông đô thị (ảnh: Infonet).
Ông Thủy cho biết thêm, tốc độ của xe đạp chỉ khoảng 20 đến 30km/h, do vậy, sẽ ít gây ra các vụ tai nạn giao thông. Thêm nữa, chi phí bỏ ra mua một chiếc xe đạp hết khoảng 1 – 5 triệu đồng, trong khi đó, nếu mua xe máy người dân bỏ ra từ 20 đến cả trăm triệu đồng.
Người dân đi xe đạp đi làm… khi có nhiều lựa chọn
Đồng quan điểm, PGS Nguyễn Văn Hùng, Nguyên Hiệu trưởng trường ĐH Xây Dựng cho rằng, người dân hoàn toàn có thể đi xe đạp đi làm trong quãng đường khoảng 5km trở lại.
Đối với những người làm ở xa (hơn 10km trở lên) có thể chọn phương tiện giao thông công cộng như xe buýt, tàu điện ngầm, hoặc tàu điện trên cao. Khi đến các tuyến phố, ngõ hẹp, phương tiện giao thông công cộng không vào được thì sẽ có dịch vụ cho thuê xe đạp để người dân di chuyển tiếp đến nơi cần đến. Như vậy, nhu cầu của người dân được đáp ứng, hành trình đi lại sẽ không bị đảo lộn.
Nhiều người lo ngại, nếu đi xe đạp sẽ làm giảm tốc độ đi lại, công việc có thể bị ảnh hưởng. Đặc biệt, hiện nay, có nhiều người sử dụng xe máy để vận tải hàng hóa, như vậy, nếu chọn xe đạp làm phương tiện đi lại sẽ gặp khó khăn…
Về vấn đề này, ông Hùng cho rằng: “Hằng ngày, người dân vẫn có thể sử dụng song song nhiều loại phương tiện, nếu cần đi xa thì chọn ô tô; đi ở nội đô hoặc cần vận tải hàng hóa thì chọn xe máy. Còn trong trường hợp, quãng đường đến cơ quan ngắn, không vướng bận công việc khác thì chọn xe đạp để di chuyển”.
Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thủy chia sẻ, ông đã sang các nước Hà Lan, Đức và thấy họ đều có đường dành riêng cho xe đạp. Năm 2016, nước Đức đã bắt đầu xây dựng 100km đường liên tỉnh dành riêng cho xe đạp. Hiện tại, 5km đầu tiên đã được đưa vào sử dụng.
“Tại Việt Nam, ban đầu có thể kêu gọi người dân đi xe đạp trên các trục đường trung tâm Thủ đô. Sau khi người dân nhận ra được lợi ích về sức khỏe, môi trường sẽ nghiên cứu, cho xây dựng một tuyến đường dành riêng cho xe đạp hoặc xây dựng đường dành cho xe đạp trên các vỉa hè rộng rãi. Trên tuyến đường này sẽ trồng cây xanh phủ bóng mát, tạo thuận lợi cho người dân đi lại”, ông Thủy nói.
Theo ông Thủy, khi có tuyến đường dành riêng cho xe đạp, người dân sẽ không phải đi chung làn đường với ô tô, xe máy, như vậy tai nạn giao thông chắc chắn sẽ giảm xuống.
Năm 2014, để chống ùn tắc, Thủ tướng đã chỉ đạo các bộ và 5 thành phố trung ương đẩy mạnh đầu tư hạ tầng giao thông và vận tải công cộng phục vụ đề án "đi xe đạp" gồm Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ. Bộ GTVT được giao nhiệm vụ triển khai đề án tăng cường vận tải công cộng kết hợp, đồng thời điều tiết phương tiện vào trung tâm các thành phố. Các địa phương hiện đang xây dựng đề án thí điểm cung cấp dịch vụ xe đạp công cộng trong khu vực trung tâm thành phố để khuyến khích người dân đi lại bằng phương tiện công cộng. |