Chuyện chuông cổ lưu lạc và nạn chảy máu cổ vật

Sự kiện: Tin ngắn

Cuối tháng 6 vừa qua, chính quyền và nhân dân, phật tử huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên vui mừng khôn xiết đón nhận chuông cổ từ biên giới Lạng Sơn sau gần 40 năm mất tích, lưu lạc.

Thỉnh chuông về Hưng Yên. Ảnh: Duy Chiến

Thỉnh chuông về Hưng Yên. Ảnh: Duy Chiến

Chuông cổ lưu lạc 40 năm

Ông Nông Đức Kiên, Giám đốc bảo tàng tỉnh Lạng Sơn kể, ngày giao nhận chuông vui như ngày hội. Đoàn cán bộ, nhân dân huyện Văn Lâm đông đến gần 40 người đến Lạng Sơn thỉnh chuông, ai cũng phấn khởi, xúc động khi gặp lại vật quý. Theo ông Kiên, chuông chùa Am Hoành (Am Vàng) do công an tỉnh Lạng Sơn thu giữ của các đối tượng phạm pháp vận chuyển trái phép qua địa bàn Lạng Sơn để bán sang bên kia biên giới khoảng trước năm 1980 và được lưu giữ tại kho tang vật vụ án của công an tỉnh.

Năm 2012, phòng PA25 (nay là PA03) công an Lạng Sơn có công văn gửi Bảo tàng tỉnh Lạng Sơn đề nghị giám định nhằm thuận lợi cho công tác bảo quản, xử lý. Bảo tàng đã cử cán bộ sang nghiên cứu, biên dịch văn chuông. Theo đó, chiếc chuông này cao toàn thân 83cm, chu vi thân 148cm có quai 35cm, miệng 65cm. “Kết quả nghiên cứu cho thấy đây là quả chuông ở xã Trịnh Xá, huyện Văn Giang, phủ Thuận An (nay là tỉnh Hưng Yên), được chế tác năm 1838 đời vua Minh Mệnh thời Nguyễn. Thông tin này đã được công bố tại hội nghị “Những phát hiện mới về khảo cổ học năm 2012” do Viện khảo cổ học tổ chức thường niên ở Hà Nội. Tuy nhiên, do hạn chế về tư liệu, lúc đó xác định tên chùa là Hoàng Yêm”. Ông Kiên nói.

Năm 2017, phòng Văn hóa- Thông tin huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên có ý kiến phản hồi về kết quả bản dịch văn chuông. Ngày 27/12/2017, phòng An ninh chính trị nội bộ (PA03), công an tỉnh Lạng Sơn tiếp tục có công văn số 380/PA83 đề nghị trưng cầu giám định lần 2 quả chuông này. Kết quả đã xác định là quả chuông chùa Am Vàng hoặc Am Hoành, xã Trịnh Xá, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên.

Hòa thượng Thích Hồng Bão, trụ trì chùa Am Hoành cho biết, chuông quý được chế tác vào ngày 12 tháng 12 năm Mậu Tuất, niên hiệu Minh Mệnh thứ 19 (1838) thời Nguyễn. Chuông có kích thước lớn, được đúc thủ công truyền thống với đường nét tinh xảo, nghệ thuật tạo hình mang những nét đặc trưng điển hình của chuông đồng thời Nguyễn (Việt Nam).  “Quả chuông này là di vật có niên đại gần 200 năm, rất có ý nghĩa, giá trị trong việc nghiên cứu lịch sử, văn hóa tín ngưỡng, địa danh của vùng đất Trịnh Xá, huyện Văn Giang, phủ Thuận An xưa”. Hòa thượng Bão giãi bày. Theo hòa thượng Thích Hồng Bão, vào một đêm tối trời cuối năm 1976, bỗng nhiên quả chuông đã “không cánh mà bay”. Nhà chùa và nhân dân trong vùng đã nhiều năm tìm kiếm nhưng không thấy.

Căn cứ vào các tài liệu điều tra, nghiên cứu, kết quả xác minh sơ bộ của Sở VH-TT &DL tỉnh Lạng Sơn kết hợp với công văn bảo lãnh của Sở VH-TT &DL tỉnh Hưng Yên, thể theo nguyện vọng của nhân dân thôn Trịnh Xá, xã Chỉ Đạo, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên, Bảo tàng tỉnh Lạng Sơn đã tham mưu cho Sở VH-TT &DL xin ý kiến UBND tỉnh Lạng Sơn cho phép chuyển giao chuông về cho chủ sở hữu theo quy định của Luật Di sản Văn hóa.

Ngày 28/6/2019, tại Bảo tàng tỉnh Lạng Sơn đã diễn ra lễ giao nhận hiện vật với sự tham gia chứng kiến của các cơ quan, đoàn thể, đại diện nhân dân, phật tử hai tỉnh Lạng Sơn, Hưng Yên. Ông Trịnh Văn Hiến, Chủ tịch UBND xã Chỉ Đạo (Văn Lam, Hưng Yên) xúc động nói: “Hôm nay là ngày vui của người dân quê hương chúng tôi. Xin cảm ơn lãnh đạo tỉnh Lạng Sơn cùng các đơn vị địa phương đã kịp thời ngăn chặn, bảo quản và chuyển giao chuông cổ cho người dân xã Chỉ Đạo. Chúng tôi sẽ có chế độ bảo quản phù hợp để gìn giữ, bảo quản tốt nhất di vật với tư cách một cổ vật có giá trị của địa phương. Đồn thổi sẽ xây dựng phương án sử dụng và phát huy giá trị di vật tương xứng với ý nghĩa và giá trị của quả chuông”.

Nguy cơ “chảy máu” cổ vật

Là tỉnh biên giới, cửa ngõ thông thương với nước bạn Trung Quốc, trong những năm gần đây, Lạng Sơn trở thành một trong những điểm nóng trung chuyển, vận chuyển cổ vật ra nước ngoài. Cổ vật bị trao đổi, mua bán ngày càng gia tăng bởi sự hình thành thị trường cổ vật trong và ngoài nước, sự chênh lệch lớn về giá cả.

Ông Nông Đức Kiên, Giám đốc Bảo tàng Lạng Sơn cho rằng, những năm gần đây, Việt Nam có nhiều phát hiện mới về cổ vật. Cổ vật tìm thấy trong các ngôi mộ cổ, dưới lòng đất, trong các con tàu đắm ở vùng biển phía Nam như: Bình Thuận, Cà Mau, Bà Rịa- Vũng Tàu... Nhiều cá nhân phát hiện, trục vớt được cổ vật đã không giao nộp cho cơ quan chức năng mà đem bán cho tư thương trục lợi. “Nhiều vụ trộm cắp cổ vật trong nước, kẻ gian tìm đường bán qua biên giới để tránh sự truy tìm của các cơ quan chức năng với nhiều thủ đoạn tinh vi như: Mang theo hành lý xách tay qua cửa khẩu không khai báo Hải quan hoặc thuê người mang vác qua các đường mòn, đường “xương cá” xuyên biên giới. Họ trà trộn cổ vật với đồ thủ công mỹ nghệ và các hàng hóa khác nhằm qua mặt lực lượng Biên phòng, Hải quan”. Ông Kiên nói.

Theo báo cáo của Bảo tàng tỉnh Lạng Sơn, từ năm 1996 đến nay, đã có 24 lượt chuyển giao cho Bảo tàng tỉnh với 1941 đơn vị hiện vật và 39,4 kg tiền đồng, trong đó có nhiều cổ vật có giá trị. Lực lượng Hải quan, Biên Phòng và Quản lý Thị trường địa phương là những đơn vị có nhiều đợt chuyển giao cổ vật lớn nhất. Điều đó cho thấy tính chất và mức độ của thực trạng buôn bán, vận chuyển cổ vật ở vùng biên giới Lạng Sơn trong thời gian gần đây, cũng như những nỗ lực của các ngành chức năng trong tỉnh đối với việc gìn giữ, bảo vệ cổ vật nơi cửa ngõ biên giới của Tổ quốc.

Óc Eo bị xới tung “săn” cổ vật, An Giang ra quy chế bảo vệ

Địa danh Óc Eo ở tỉnh An Giang được cho là từng tồn tại một nền văn hóa cổ đại có tên Phù Nam, rộng 450 hecta.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo NGUYỄN DUY CHIẾN ([Tên nguồn])
Tin ngắn Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN