Chủ tịch Hà Nội lý giải việc cắt điện nước công trình vi phạm

Sự kiện: Thời sự

Ông Trần Sỹ Thanh nói nhiều công trình không nghiệm thu phòng cháy chữa cháy song vẫn đưa người dân vào ở nên cần cắt điện nước để ngăn chặn.

Chiều 11/6, phát biểu tại phiên họp Thường vụ Quốc hội về dự án Luật Thủ đô (sửa đổi), Chủ tịch TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh nói đề xuất này bắt nguồn từ bức xúc trong thực tiễn. Khi xử lý một số khách sạn mini vi phạm trật tự xây dựng ở huyện Thạch Thất, công an phải túc trực, không cho dân vào ở.

"Người dân đã vào ở thì rất khó xử lý", ông nói và giải thích các công trình này không nghiệm thu phòng cháy chữa cháy, xây dựng cũng không đúng. Nếu cắt điện nước, chủ đầu tư không thể đưa dân vào.

Ông Thanh cho rằng việc cắt điện nước cũng nhằm xử lý trường hợp ý thức kém, coi thường mạng sống người khác thời gian qua. Trong đó có vụ đốt vàng mã, đốt than tổ ong trong nhà tập thể. "Đã nhắc nhở mà cố tình không tuân thủ thì cách tốt nhất để dừng lại là cắt điện nước, không cho thi công", ông Thanh nói.

Chủ tịch TP Hà Nội kiến nghị Quốc hội giao thẩm quyền này cho Hà Nội để bảo vệ tính mạng người dân. Việc quyết định cắt điện nước được quy định rõ là thẩm quyền của chủ tịch xã, huyện và thành phố, "không phải ai cũng được quyết".

Trước đó tháng 9/2023, báo cáo tình hình soạn thảo Luật Thủ đô sửa đổi, Hà Nội lý giải hình thức cắt điện nước với các công trình vi phạm trước đây được nêu trong Nghị định 180 hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Xây dựng năm 2003. Luật Xây dựng năm 2014 không còn quy định này, gây khó khăn trong xử lý vi phạm tại một số địa phương, trong đó có Hà Nội.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh. Ảnh: Media Quốc hội

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh. Ảnh: Media Quốc hội

Theo dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), trường hợp thật cần thiết để bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn, chủ tịch UBND các cấp được áp dụng biện pháp yêu cầu ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước đối với công trình, cơ sở sản xuất, kinh doanh xây dựng sai quy hoạch, xây không có giấy phép hoặc sai với nội dung quy định trong giấy phép xây dựng.

Ngoài ra, công trình xây dựng trên đất lấn chiếm; thi công khi chưa được thẩm duyệt, chưa được nghiệm thu hoặc sai thiết kế về phòng cháy, chữa cháy; cơ sở kinh doanh dịch vụ vũ trường, karaoke không bảo đảm điều kiện an toàn về phòng cháy, chữa cháy cũng thuộc danh mục này.

HĐND thành phố quy định chi tiết trường hợp, thẩm quyền áp dụng và việc thực hiện biện pháp yêu cầu ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước.

Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho rằng quy định này đã được các đại biểu ủng hộ, song cơ quan soạn thảo cần làm rõ đây là biện pháp xử lý hành chính hay ngăn chặn. "Nên gọi đây là biện pháp ngăn chặn bởi việc xử phạt vi phạm hành chính đã được quy định rõ trong luật, song không ăn thua", ông nói.

Luật Thủ đô được Quốc hội thông qua cuối năm 2012, có hiệu lực từ 1/7/2013 với mong muốn tạo đột phá, mở đường về mặt thể chế cho sự phát triển của Thủ đô. Tuy nhiên, sau hơn 10 năm, luật bộc lộ nhiều hạn chế, chưa xử lý được các vấn đề tồn tại do lịch sử để lại như trật tự xây dựng đô thị, ùn tắc giao thông, di dời cơ sở ô nhiễm, bệnh viện, cơ sở đại học ra khỏi khu trung tâm.

Quốc hội sẽ xem xét thông qua dự án Luật Thủ đô sửa đổi vào ngày 27/6. Đến nay, dự luật sau khi tiếp thu, chỉnh lý vẫn giữ bố cục gồm 7 chương và 54 điều, trong đó đã tiếp thu, chỉnh lý cả về nội dung và kỹ thuật tại 36/54 điều so với dự thảo trình Quốc hội tại đầu kỳ họp 7.

Ngoài nội dung về xử phạt công trình vi phạm, theo dự luật, HĐND TP Hà Nội được quyết định chủ trương dự án đường sắt đô thị; dự án sử dụng vốn đầu tư công tối đa 20.000 tỷ đồng; dự án sử dụng ngân sách trung ương, nguồn vốn ODA, vốn vay ưu đãi của nước ngoài; dự án đầu tư công liên tỉnh nằm trong vùng Thủ đô.

Số lượng đại biểu HĐND được tăng từ 95 lên 125, tăng tỷ lệ đại biểu HĐND chuyên trách từ 20% lên 25% nhằm nâng cao năng lực, tính chuyên nghiệp và hiệu quả hoạt động của HĐND. Ngoài 20 đô thị được xác định tại Quy hoạch chung Thủ đô, Hà Nội sẽ hình thành thêm 2 thành phố trực thuộc tại khu vực phía Bắc - thành phố logistic, dịch vụ (vùng Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn) và phía Tây - thành phố về giáo dục, đào tạo, khoa học (vùng Hòa Lạc, Xuân Mai).

Nguồn: [Link nguồn]

Các đại biểu nhìn nhận biện pháp “cắt điện, nước” đối với công trình, cơ sở vi phạm pháp luật về xây dựng, ô nhiễm môi trường… sẽ làm ảnh hưởng đến...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Sơn Hà ([Tên nguồn])
Thời sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN