Chính quyền đô thị: Xung đột 102 văn bản luật

"TP cần lý giải tại sao đề án chính quyền đô thị lại "vênh" như vậy với hơn 100 văn bản pháp luật", đó là quan điểm của GS.TS Mai Hồng Quỳ - Hiệu trưởng ĐH Luật TP.HCM - tại buổi nghe các vị nguyên thường trực HĐND và các chuyên gia góp ý về mô hình chính quyền đô thị, do HĐND TP.HCM tổ chức ngày 22/8.

Đề án quá mới hay nhiều luật lỗi thời?

Không vòng vo, GS Mai Hồng Quỳ cho rằng việc xây dựng chính quyền đô thị (CQĐT) của TP.HCM chắc chắn sẽ phải “đối mặt” với sự phản biện từ phía các cơ quan, ban ngành, đặc biệt là các bộ.

“Cuối cùng là phải trả lời được câu hỏi: Xây dựng chính quyền đô thị thì được những gì? Dân được gì, chính quyền được gì, thành phố được gì?” - GS Mai Hồng Quỳ

“Mô hình này nếu được chấp nhận thì thẩm quyền của thành phố tăng lên, nhưng thẩm quyền của một số bộ, ban ngành sẽ bị thu hẹp. Như vậy sẽ có xung đột về lợi ích, chúng ta phải nhìn rõ điều đó”, GS Hồng Quỳ nói.

Đặc biệt, GS Hồng Quỳ lưu ý Đề án CQĐT đụng chạm đến rất nhiều văn bản pháp lý, mà trong đề án cũng đã nêu ra xung đột 102 văn bản luật hiện hành. Kể cả Hiến pháp hiện hành và dự thảo Hiến pháp đang sửa đổi thì đề án của TP vẫn đụng.

Chính quyền đô thị: Xung đột 102 văn bản luật - 1

Bản đồ TP.HCM khi áp dụng mô hình chính quyền đô thị với chính quyền thành phố trung tâm và 4 thành phố vệ tinh có chức năng kinh tế khác nhau. Ảnh: Dân Việt

“TP.HCM cần có một tờ trình lý giải tại sao đề án lại "vênh" như vậy với các văn bản pháp luật này, tức là phải đánh giá cái được cái chưa được, cái lỗi thời của các văn bản cũ. Không phải nói để bào chữa, nhưng phải thấy rằng, trong số 102 văn bản xung đột, có nhiều văn bản bị lỗi thời. Vấn đề là ta phải chứng minh được điều đó. Phải lý giải được "vênh" vì các văn bản này cũ, lạc hậu hay do đề án chúng ta quá mới. Nếu không làm được điều đó sẽ tạo nên sự nghi vấn của các nhà phản biện và người ta sẽ thấy không yên tâm về đề án CQĐT mà thành phố đưa ra”, GS Hồng Quỳ chia sẻ.

Mắc mớ "thành phố trong thành phố"

Đề án CQĐT của thành phố dự kiến thành lập 4 thành phố vệ tinh, tuy nhiên theo GS Hồng Quỳ, mô hình này nhập lại những quận mà trước đây đã tách ra. Các quận 2, 9 và Thủ Đức ngày nay nguyên là huyện Thủ Đức trước đây, bây giờ lại nhập vào thành TP Đông thì khi trình ra chắc hẳn sẽ có một loạt phản biện: Tại sao ngày xưa tách ra, tách ra thì đã đánh giá hiệu quả kinh tế - xã hội chưa, tại sao bây giờ chúng ta nhập lại...? “Do đó, TP cần có một phụ lục đánh giá việc tách nhập này”, GS Hồng Quỳ nói.

Chính quyền đô thị: Xung đột 102 văn bản luật - 2

Theo GS Mai Hồng Quỳ: Hiến pháp 1992 thì không hề có khái niệm “thành phố trong thành phố”

Bên cạnh đó, theo GS Hồng Quỳ, trong đề án, vấn đề “thành phố trong thành phố” cũng cần phải cân nhắc về mặt pháp lý, vì theo Điều 118 Hiến pháp 1992 thì không hề có khái niệm này. Do vậy, nếu sử dụng cụm từ này thì khó có thể thuyết phục và được Trung ương chấp nhận. Nên chăng sử dụng thuật ngữ “thị xã” vì hiện nay ở Hà Nội có thị xã Sơn Tây trong thành phố.

Ngoài ra, GS Hồng Quỳ cho rằng, để đề án CQĐT thuyết phục hơn, thành phố cần có phần phụ lục kinh nghiệm rút ra từ các mô hình của các thành phố mà trong đề án nêu là đã đi tham quan, khảo sát. “Ví dụ mô hình của Busan, Thượng Hải, Lyon, Marseille… ra sao, ưu điểm là gì, nhược điểm thế nào…”, GS Hồng Quỳ nói.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Hoài Sa ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN