Chim trĩ cũng dương tính cúm A/H5N1
Không chỉ hơn 4.000 con chim yến trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận nhiễm virus A/H5N1, 177 con chim trĩ nuôi ở Tiền Giang cũng đã bị virus A/H5N1 “tấn công”.
Đó là thông tin đưa ra tại cuộc họp Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch cúm gia cầm và lở mồm long móng, chiều 16/4.
Ngày 15/4, Trung Quốc đã thêm một trường hợp tử vong nữa do virus cúm gia cầm H7N9, nâng tổng số người chết trên toàn quốc do chủng virus mới này lên 14 người. |
Tại cuộc họp, ông Đàm Xuân Thành, Phó Cục trưởng Cục Thú y (Bộ NNPTNT) cho biết, các mẫu xét nghiệm từ đàn chim trĩ 177 con ở Tiền Giang cho kết quả dương tính với cúm gia cầm. Ngoài ra, chim yến ở Ninh Thuận cũng đã cho kết quả dương tính. Tuy nhiên, mẫu xét nghiệm trên con chim yến đã chết cho kết quả dương tính, nhưng mẫu trên chim yến đang sống cho kết quả âm tính; tổ yến cũng cho kết quả âm tính.
Ông Thành lưu ý, đối với chim hoang dã, đi kiếm mồi nơi xa nên khi mang mầm bệnh, không chỉ chết ở tổ mà còn chết nơi khác.
Cũng tại cuộc họp, Ban chỉ đạo cho biết, Việt Nam chưa phát hiện virus cúm gia cầm H7N9. Hiện tại, Cục Thú y đang gấp rút triển khai việc giám sát virus cúm A/H7N9 trên gia cầm, đặc biệt là gia cầm nhập lậu.
Gần 200 con chim trĩ nuôi ở Tiền Giang đã nhiễm virus A/H5N1
Cục Thú y cũng rà soát lại toàn bộ 500 mẫu gia cầm nhập lậu, mẫu gia cầm tại các chợ đã được lấy từ tháng 9/2012 đến nay, để tiến hành xét nghiệm bổ sung tìm virus cúm H7N9. Hiện trung tâm đã xét nghiệm được 151 mẫu lấy từ Lạng Sơn, Hưng Yên, Tuyên Quang, Cao Bằng... Kết quả âm tính với virus cúm A/H7N9 và cúm A/H5N1.
Tổ chức Nông lương của Liên Hiệp Quốc (FAO) thông báo đã chấp nhận tài trợ khoản kinh phí 50.000 USD để Việt Nam khẩn cấp tiến hành giám sát, phát hiện virus cúm A/H7N9 ở gia cầm. Đặc biệt ở 60 chợ, điểm thu gom gia cầm giáp biên giới với Trung Quốc. Dự kiến, cuối tháng 4/2013 Cục Thú y sẽ lấy 7.200 mẫu gia cầm.
Ông Đàm Xuân Thành cũng cho hay, từ đầu năm đến nay, toàn quốc ghi nhận các ổ dịch cúm A/H5N1 tại 15 xã của 4 tỉnh la Khánh Hòa, Điện Biên, Kiên Giang, Tây Ninh làm hơn 28.000 con gia cầm mắc bệnh, chết và tiêu hủy.
Theo các bác sĩ chuyên khoa Nhiễm, cúm gia cầm có thể gây bệnh cho người tiếp xúc. Đến nay, cúm A/H5N1 được đánh giá là loại cúm nguy hiểm, theo các thống kê có đến 50% bệnh nhân tử vong.