CĐV đốt pháo sáng khiến fan nữ nhập viện: Có thể khởi tố, phạt tù từ 2-7 năm?

Sự kiện: Tin nóng

Các luật sư phân tích, hành vi đốt pháo sáng trên sân Hàng Đẫy có dấu hiệu phạm tội, đối tượng đốt pháo sáng trên sân, và ném pháo sáng làm CĐV nữ bị thương có thể bị khởi tố.

Nữ CĐV bị trúng pháo bị thương.

Nữ CĐV bị trúng pháo bị thương.

Chiều tối qua (11/9), trận đấu giữ CLB Hà Nội và CLB Nam Định vòng 22 V-League trên sân Hàng Đẫy (Hà Nội) chìm trong bạo lực bởi nhóm CĐV ở khu vực khán đài B (khán đài của CĐV Nam Định) có hành động quá khích gây rối, đốt pháo trên khán đàn ném xuống sân sau khi CLB Nam Định nhận bàn thua.

Đỉnh điểm của thảm kịch kinh hoàng xảy đến ở đầu hiệp 2, khi từ vị trí khán đài của CĐV Nam Định một quả pháo sáng được bắn thẳng sang phía khán đài A trúng đùi nữ CĐV đang theo dõi trận đấu.

Quả pháo làm CĐV nữ bị chảy máu rất nhiều. Ngay lập tức, trọng tài phải dừng trận đấu, còn ban tổ chức sân phải điều động xe cấp cứu, sơ cứu cho nữ khán giả nói trên và chuyển thẳng tới bệnh viện. Lực lượng cảnh sát cũng phải can thiệp để ổn định trật tự.

Trao đổi với PV, luật sư Lê Văn Kiên (Trưởng Văn phòng luật sư Ánh sáng Công lý) và luật sư Trần Tuấn Anh (Giám đốc Công ty luật Minh Bạch) đều cho rằng, hành vi của đốt pháo sáng của các CĐV tại sân Hàng Đẫy hôm qua rất đáng lên án, gây hậu quả nghiêm trọng khi một nữ CĐV bị thương nhập việc khi theo dõi trận đấu.

“Các cầu thủ ĐT Việt Nam từng phải làm video kêu gọi CĐV không đốt pháo sáng trong các trận đấu để bảo đảm an toàn cho các cầu thủ và chính các cổ động viên.

Tuy nhiên, tới hôm nay vẫn có những khán giả thiếu ý thức. Tôi cho rằng, hành vi đốt pháo sáng như tại sân Hàng Đẫy chiều tối qua cần phải xử lý nghiêm để làm gương”, luật sư Kiên nói.

Phân tích ở góc độ pháp lý, luật sư Lê Văn Kiên và luật sư Tuấn Anh cho biết, việc đốt pháo sáng ở sân vận động, nơi diễn ra các trận đấu bóng đá bị cấm theo quy chế của giải đấu và quy định của Liên đoàn bóng đá Việt Nam VFF.

Pháo sáng bắn xuống sân lia lịa khiến trọng tài Ngô Duy Lân phải cho dừng trận đấu vì không bảo đảm an ninh, an toàn. Ảnh: PLO

Pháo sáng bắn xuống sân lia lịa khiến trọng tài Ngô Duy Lân phải cho dừng trận đấu vì không bảo đảm an ninh, an toàn. Ảnh: PLO

Tuy nhiên, ngoài việc vi phạm quy chế của giải đấu, hành vi đốt pháo sáng trên sân Hàng Đẫy có dấu hiệu phạm tội “Gây rối trật tự nơi công cộng” (Điều 318) và “Cố ý gây thương tích” (điều 134) theo Bộ luật Hình sự.

“Khán giả theo dõi trực tiếp và qua truyền hình có thể thấy được khung cảnh hỗn loạn ở sân Hàng Đẫy khi những quả pháo sáng được đốt ném xuống sân, ném qua khán đài khác.

Việc đốt pháo sáng đã gây mất an ninh trật tự nơi công cộng, ngay cả khi lực lượng an ninh can thiệp hiện tượng này vẫn xảy ra, điều này gây sợ hãi cho cầu thủ và nhiều cổ động viên tới theo dõi trận đấu. Với những dấu hiệu trên, cơ quan điều tra có thể khởi tố, xử lý hình sự các CĐV có hành vi đốt pháo sáng về tội “Gây rối trật tự nơi công cộng” – luật sư Kiên đánh giá.

Đồng quan điểm, luật sư Trần Tuấn Anh đánh giá, trong trường hợp cơ quan điều tra có căn cứ xử lý CĐV đốt pháo sáng ở sân Hàng tối qua về tội “Gây rối trật tự nơi công cộng” thì CĐV có thể sẽ đối mặt với hình phạt từ 2-7 năm tù.

“Tội “Gây rối trật tự nơi công cộng” quy định, người nào gây rối trật tự công cộng gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 50 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm.

Tuy nhiên, nếu phạm tội có tổ chức; Dùng vũ khí, hung khí hoặc có hành vi phá phách hoặc gây cản trở giao thông nghiêm trọng hoặc gây đình trệ hoạt động công cộng thì người phạm tội sẽ bị phạt tù từ 2-7 năm.

Như vậy, trong trường hợp cơ quan điều tra xác định, hành vi đốt pháo sáng là hành vi có tổ chức của nhóm CĐV hoặc đó là hành vi phá phách, trở nghiêm trọng hoạt động công cộng, cụ thể là hoạt động theo dõi trận bóng đá thì CĐV đốt pháo có thể bị xử lý hình sự với hình phạt từ 2-7 năm tù”, luật sư Tuấn Anh phân tích.

Về trường hợp đối tượng đốt pháo bắn sang khán đài A trúng đùi một nữ CĐV, luật sư Lê Văn Kiên và luật sư Trần Tuấn Anh đánh giá, hành vi này ngoài dấu hiệu của tội “Gây rối trật tự nơi công cộng”, còn có dấu hiệu của tội “Cố ý gây thương tích”. Tuy nhiên, một hành vi chỉ bị xử lý một lần nên CĐV gây ra sự việc có thể đối mặt với 1 trong 2 tội trên.

“Công dân phải nhận thức được việc sử dụng pháo sáng bắn vào người khác là hành vi gây nguy hiểm đến sức khỏe của người khác. Trong trường hợp fan nữ có đơn đề nghị cơ quan công an điều tra xử lý, đồng thời giám định thương tích thì đối tượng đốt,  bắn pháo sáng có thể bị xử lý hình sự.

Người phạm tội cố ý gây thương tích nhẹ nhất sẽ lĩnh án phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm”, luật sư Tuấn Anh nói.

Thông tin mới về sức khỏe nữ CĐV bị trúng pháo sáng trên sân Hàng Đẫy

Bệnh viện Xanh Pôn vừa thông tin về tình hình sức khỏe của nữ cổ động viên Hà Nội bị cổ động viên Nam Định bắn...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Xuân Lực ([Tên nguồn])
Tin nóng Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN