Cây gãy làm chết người: Bồi thường ra sao?

Hằng năm, TPHCM chi khoảng 300 tỉ đồng để duy tu, bảo dưỡng cây xanh trên địa bàn TP nhưng tai nạn đáng tiếc vẫn xảy ra.

Trưa 22/8, thi thể của bà Đỗ Thị Tuyết Hạnh (SN 1969, quê Đồng Tháp, tạm trú tại quận 12 - TPHCM) đã được CQĐT Công an quận Bình Thạnh – TPHCM bàn giao gia đình đưa về quê mai táng.

Gặp nạn khi đang đi bộ

Trước đó, vào tối 21/8, gần giao lộ Đinh Tiên Hoàng – Vũ Tùng (phường 1, quận Bình Thạnh), bà Hạnh từ chỗ làm băng qua đường để đón xe buýt về nhà. Khi gần tới trạm xe buýt nằm dọc Lăng Ông Bà Chiểu (đường Đinh Tiên Hoàng), bất ngờ bà bị một nhánh cây dầu khô (to bằng cổ chân, dài hơn 3 m) rơi từ trên cao xuống trúng vào đầu. Bà Hạnh bị chấn thương nặng và tử vong sau đó tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định.

Cách đây hơn 4 tháng, con trai lớn của bà Hạnh mất do bạo bệnh. Bà Hạnh cùng chồng lên TPHCM làm mướn kiếm tiền nuôi đứa con nhỏ đang đi học và thuê nhà trọ tại quận 12. Hằng ngày, bà Hạnh đón xe buýt từ quận 12 đến quận Bình Thạnh để bán quần áo thuê. Theo gia đình bà Hạnh, sau khi tai nạn xảy ra, đại diện Công ty TNHH MTV Công viên Cây xanh (CVCX) TPHCM đã cùng gia đình đưa bà Hạnh về quê mai táng.

Cây gãy làm chết người: Bồi thường ra sao? - 1

Hiện trường cành cây gãy, rơi xuống đường phố, làm bà Hạnh tử vong. Ảnh: Xuân Danh

Đã phát hiện nhưng...

Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Thiện Hà, Giám đốc Công ty CVCX TPHCM, cho biết trước mắt, công ty đã lo mọi kinh phí để đưa thi thể nạn nhân về Đồng Tháp. Về sau, công ty sẽ làm việc với gia đình để tiến hành đền bù thỏa đáng theo quy định của pháp luật.

Cũng theo ông Hà, công tác duy tu, bảo dưỡng cây xanh trên địa bàn TP được công ty tiến hành thường xuyên. Nhánh cây dầu trên thuộc nhóm 3, tuổi thọ khoảng 80 năm, đã được nhân viên của công ty phát hiện trước đó và lên kế hoạch cắt tỉa.

Do cây này có luồng dây điện cao thế đi qua nên đang chờ Tổng Công ty Điện lực TP cắt điện mới tiến hành cắt nhánh cây, không ngờ xảy ra sự việc đáng tiếc. Đây là trường hợp tai nạn hy hữu nhưng công ty thừa nhận trách nhiệm của mình. Sau sự việc này, công ty sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác kiểm tra, tiến hành cắt tỉa cành những cây khô, để tình trạng trên không còn tiếp diễn.

Còn theo ông Nguyễn Khắc Dũng, Trưởng Phòng Quản lý Công ty CVCX - Sở GTVT TPHCM, trên địa bàn TP hiện có hơn 3.000 cây xanh các loại cần được bảo tồn để tránh việc gãy cành, bật gốc. Trong số cây xanh đó có nhiều đại thụ có tuổi thọ cao, tập trung chủ yếu tại các tuyến đường lớn như Nguyễn Thị Minh Khai (quận 3, quận 1), 3 Tháng 2 (quận 10), Đồng Khởi, Pasteur (quận 1)… và một số công viên như Tao Đàn, Lê Thị Riêng, Thống Nhất… có nguy cơ bị tét cành, bật gốc nếu có gió lớn. Hằng năm, TP bỏ ra khoảng 300 tỉ đồng để duy tu, bảo dưỡng cây xanh trên địa bàn TP. Hiện công tác bảo dưỡng cây xanh đã được lên kế hoạch thực hiện, sau sự việc này, sở sẽ chỉ đạo Công ty CVCX tăng cường kiểm tra các cây xanh trên địa bàn TP.

Phải bồi thường toàn bộ

Về vấn đề bồi thường thiệt hại, luật sư Trịnh Thanh, Trưởng Văn phòng Luật sư Người nghèo TPHCM, nói theo quy định pháp luật về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng và cụ thể là điều 626 Bộ Luật Dân sự về bồi thường thiệt hại do cây cối gây ra, Công ty CVCX TPHCM phải bồi thường toàn bộ thiệt hại cho gia đình bà Hạnh.

Bởi lẽ, trong vụ việc này người bị thiệt hại không có lỗi, vụ việc cũng không thuộc trường hợp bất khả kháng như bão tố, động đất… Lỗi là do cơ quan quản lý cây xanh không thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ của mình như cắt tỉa các cành cây khô, có nguy cơ gãy, rơi xuống đường.

Số tiền bồi thường thiệt hại gồm các khoản như chi phí cứu chữa, ma chay, các khoản cấp dưỡng cho cha mẹ già không có khả năng lao động hoặc con dưới 18 tuổi (nếu có); đồng thời bồi thường thiệt hại tổn thất về tinh thần mà gia đình bà Hạnh phải gánh chịu.

Trong trường hợp giữa gia đình người bị hại và cơ quan quản lý cây xanh không thể thỏa thuận, hòa giải được với nhau về mức bồi thường, gia đình có quyền khởi kiện để tòa án giải quyết theo quy định pháp luật.

Trường hợp thứ hai bị thiệt mạng

Theo Công ty CVCX TPHCM, tình trạng cành cây gãy, cây ngã do mưa bão gây nguy hiểm cho người đi đường thỉnh thoảng có xảy ra. Tuy nhiên, đây là vụ thứ hai liên quan đến cành cây khô rơi từ trên cao xuống khi thời tiết bình thường khiến người đi đường bị thiệt mạng.

Khoảng 10 năm trước, một trường hợp tương tự đã xảy ra, phía công ty cũng đã nhận trách nhiệm, lo chu đáo và bồi thường thỏa đáng cho người dân.

T.Đồng

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thành Đồng - Xuân Danh - Huỳnh Hiếu (Người lao động)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN