Cấp thuốc động kinh cho người không bị động kinh

Theo lý giải của bệnh viện, họ nhầm thuốc điều trị động kinh với thuốc bổ não nên phát cho bệnh nhân sử dụng.

Các cơ quan chức năng đang giải quyết chuyện hi hữu trong y khoa là BV huyện Bình Chánh cho hơn 150 bệnh nhân uống thuốc điều trị bệnh động kinh trong khi họ không mắc bệnh này.

Bệnh nào cũng được phát thuốc động kinh!

Cuối năm 2013, Bảo hiểm Xã hội (BHXH) TP.HCM đến BV huyện Bình Chánh kiểm tra, phát hiện từ ngày 19/11 đến 4/12/2013, BV huyện Bình Chánh đã phát 2.800 viên thuốc Levetral (hoạt chất Levetiracetam 500 mg) cho hơn 150 bệnh nhân. Đây là thuốc để điều trị cho bệnh nhân mắc bệnh động kinh nhưng hơn 150 bệnh nhân đã được bệnh viện cho uống loại thuốc này, không có ai bị động kinh nên BHXH đã từ chối thanh toán.

Gặp bà Võ Thị Ch. (82 tuổi, ấp 2, xã Tân Nhựt), bà cho biết: Bà bị bệnh tim, thoái hóa khớp, viêm dạ dày nên thường xuyên đi khám theo diện bảo hiểm y tế tại BV huyện Bình Chánh. Theo đơn thuốc ngày 26/11/2013 tại phòng khám bệnh mạn tính, bên cạnh tám loại thuốc trị bệnh khác, bà Ch. được bác sĩ chỉ định uống 28 viên Levetral với liều uống một viên chia làm hai lần/ngày. “Nhận thuốc về, mẹ tôi uống thuốc đúng theo toa của bác sĩ chỉ định và thấy bà ngủ nhiều, đi đứng chậm chạp, lờ đờ hơn bình thường” - con bà Ch. nói.

Cấp thuốc động kinh cho người không bị động kinh - 1

Bà La Ngọc Ch. bần thần thốt lên: “Tôi bị bệnh tim chứ đâu có bị động kinh mà cho uống thuốc này”. Ảnh: TK

Tại ấp 4, xã Tân Nhựt, khi chúng tôi cho biết Levetral là thuốc chống động kinh, bà La Ngọc Ch. (65 tuổi) thốt lên: “Trời đất ơi! Tôi chỉ bị bệnh tim do thiếu máu cục bộ chứ có bị động kinh bao giờ đâu mà cho tôi uống thuốc đó”. Theo bà Ch., ngày 26/11/2013, bà Ch. được cấp 30 viên Levetral và bà đã uống hết từ lâu. Sau đó bà tái khám nhưng không thấy bác sĩ hỏi han hay đề cập gì đến việc cấp nhầm thuốc.

Qua tìm hiểu của chúng tôi, đa số các bệnh nhân được cấp thuốc Levetral đều mắc những bệnh hoàn toàn không liên quan đến động kinh và họ hoàn toàn không biết tác dụng của loại thuốc này.

Khó thở, bủn rủn, đi đứng không vững

Ông Lê Văn H. (74 tuổi, ngụ ấp 4, xã Tân Nhựt) bị bệnh suyễn đã lâu năm vì làm ruộng tiếp xúc nhiều với thuốc trừ sâu. Ông là trường hợp bị cấp nhầm nhiều thuốc nhất với tổng cộng 56 viên Levetral trong hai lần đi khám vào ngày 20/11 và 4/12/2013. Ngoài ra, ông còn được chỉ định uống liều nặng hơn những người khác với hai lần uống mỗi ngày, mỗi lần một viên. Ông H. nói: “Lần đầu được bệnh viện cấp 28 viên với liều uống hai viên/ngày. Tôi uống vô thì người bần thần, đi không vững, đứng không yên, ngã qua ngã lại, bủn rủn bời rời… Tôi không làm gì nặng nhọc nhưng mấy ngày đó trong người khó chịu, mệt mỏi không chịu được. Uống được khoảng hai ngày, tôi quay lại bệnh viện hỏi thì bác sĩ kê đơn đánh dấu vào thuốc Levetral, bảo tôi không uống thuốc đó nữa. Tôi bỏ thuốc đó thì thấy người khỏe trở lại” - ông nói.

“Thế nhưng trong lần khám vào ngày 4/12/2013, bệnh viện tiếp tục cấp 28 viên thuốc Levetral nhưng khi vừa mang về nhà, BV huyện Bình Chánh lập tức đến tận nhà tôi khám bệnh và dặn tôi ngưng uống ngay thuốc này”.

Cấp thuốc động kinh cho người không bị động kinh - 2

Một trong các toa thuốc và thuốc chống động kinh Levetral mà bệnh viện cho bệnh nhân uống. Ảnh: TK

Cho uống vì tưởng thuốc bổ não?

Trong số khoảng 150 bệnh nhân đã được cấp phát nhầm thuốc chống động kinh Levetral, người thấp nhất 14 viên, người nhiều nhất 56 viên và hầu như đều đã uống hết. Riêng ông Huỳnh Văn H. (48 tuổi, ngụ ấp 4, xã Lê Minh Xuân) tính cẩn thận nên không sử dụng. “Lần nào được cấp thuốc tôi cũng lên mạng tra cứu. Với thuốc “Levetiracetam” thì mạng hiện ra toàn tiếng nước ngoài nên tôi chưa sử dụng”.

Một số bệnh nhân bị tiểu đường như bà Phan Thị Nh. (ngụ xã Hưng Long), ông NMT (ngụ xã Tân Kiên), bà Nguyễn Thị H. (ngụ xã Tân Kiên)… được cấp từ 14 đến 28 viên và khi uống thuốc đều có cảm giác khó chịu, run rẩy, choáng váng… nhưng không ai nghĩ đó là do uống nhầm Levetral.

Ngay khi phát hiện cấp nhầm thuốc, bệnh viện đã đến nhà bệnh nhân thu hồi nhưng đa phần bệnh nhân đã sử dụng. Rất may là chưa xảy ra hậu quả nghiêm trọng nào với những bệnh nhân bị uống thuốc động kinh bất đắc dĩ.

Bước đầu phía bệnh viện giải trình việc cấp nhầm thuốc chứa hoạt chất Levetiracetam 500 mg cho bệnh nhân sử dụng là do nhầm đây là thuốc bổ não “piracetam”.

Được biết mỗi viên thuốc chống động kinh Levetral có giá khoảng 11.000 đồng và bảo hiểm sẽ chi trả 80% hoặc 95% (cho những bệnh nhân có bảo hiểm y tế trên 80 tuổi).

Hoạt chất “Levetiracetam” dùng điều trị cho bệnh nhân bị lên cơn động kinh rung giật cơ, co cứng co giật toàn thể… chỉ được sử dụng khi đã chẩn đoán chắc chắn là bệnh động kinh.

“Levetiracetam” có tác dụng phụ là gây buồn ngủ, suy nhược, choáng váng, mệt mỏi, run, rối loạn thăng bằng,… Có thể dẫn đến mất trí nhớ, co giật, kích động, trầm cảm, sợ hãi, rối loạn tâm thần, hành vi bất thường, ảo giác. Đã có báo cáo có trường hợp muốn tự tử sau khi dùng thuốc… Với người già phải thận trọng vì chức năng gan, thận của người già đã suy giảm.

(Theo sách Vidal Việt Nam)

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Tuyết Khuê (Pháp luật TP.HCM)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN