Cấm dùng tiền, tài sản mua chuộc cử tri trong bầu cử

Sự kiện: Họp Quốc hội

Dự thảo Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân đưa ra quy định “không được sử dụng tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất để lôi kéo, mua chuộc cử tri”.

Theo dự thảo Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân do Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội trình Quốc hội ngày 5/11, chỉ rõ những hành vi bị cấm khi vận động bầu cử.

Trong đó, dự luật quy định, không được lợi dụng vận động bầu cử để tuyên truyền trái với Hiến pháp và pháp luật hoặc làm tổn hại đến danh dự, uy tín và quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác; Không được lạm dụng uy tín, chức vụ, quyền hạn để sử dụng phương tiện thông tin đại chúng trong vận động bầu cử.

Những hành vi khác cũng bị cấm khi vận động bầu cử như: Lợi dụng vận động bầu cử để vận động tài trợ, quyên góp ở trong nước và nước ngoài cho tổ chức, cá nhân mình; sử dụng tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất để lôi kéo, mua chuộc cử tri.

Thời gian vận động bầu cử bắt đầu từ ngày công bố danh sách những người ứng cử và kết thúc hai mươi bốn giờ trước giờ bỏ phiếu.

Cấm dùng tiền, tài sản mua chuộc cử tri trong bầu cử - 1

Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc

Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cũng cho biết, dự thảo Luật xác định rõ hai hình thức vận động bầu cử là: Vận động bầu cử thông qua Hội nghị cử tri do Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức và vận động bầu cử trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Báo cáo thẩm tra do ông Phan Trung Lý - Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội trình bày cho biết, quy định về các hành vi bị nghiêm cấm trong vận động bầu cử chưa thật sự đầy đủ, chưa dự liệu hết các khả năng có thể phát sinh trên thực tế.

Cũng theo ông Phan Trung Lý, nhiều ý kiến nhất trí với quy định về hai hình thức vận động bầu cử là người ứng cử gặp gỡ, tiếp xúc với cử tri tại hội nghị tiếp xúc cử tri do Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc các cấp ở địa phương nơi mình ứng cử tổ chức và vận động bầu cử thông qua các phương tiện thông tin đại chúng.

Bên cạnh đó, có ý kiến còn băn khoăn về việc quy định giới hạn chỉ có hai hình thức vận động bầu cử nói trên sẽ hạn chế khả năng, cơ hội để người ứng cử được tiếp cận, giới thiệu về mình đến cử tri.

Về cơ bản, ý kiến thành viên Ủy ban pháp luật đều tán thành cần quy định cụ thể hơn về việc tuyên truyền, vận động bầu cử. Điều này bảo đảm có sự thống nhất trong thực hiện, vừa có thể linh hoạt, tạo điều kiện cho người ứng cử sử dụng được một cách tốt nhất các cơ hội giới thiệu về bản thân, song vẫn cần chặt chẽ để bảo đảm tính công bằng, dân chủ, khách quan trong quá trình bầu cử.

Chiều 5/11, Quốc hội thảo luận ở tổ về dự án Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân.

Dự thảo Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân quy định vận động bầu cử thông qua phương tiện thông tin đại chúng:

1. Người ứng cử đại biểu Quốc hội trình bày với cử tri về dự kiến chương trình hành động của mình nếu được bầu làm đại biểu Quốc hội khi tiếp xúc, trả lời phỏng vấn trên các phương tiện thông tin đại chúng ở địa phương và trên trang thông tin điện tử về bầu cử đại biểu Quốc hội của Hội đồng bầu cử quốc gia.

2. Người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân trình bày với cử tri về dự kiến chương trình hành động của mình nếu được bầu làm đại biểu Hội đồng nhân dân khi tiếp xúc, trả lời phỏng vấn trên các phương tiện thông tin đại chúng ở địa phương và trên trang thông tin điện tử về bầu cử của Ủy ban bầu cử (nếu có).

3. Hội đồng bầu cử quốc gia, Ủy ban bầu cử có trách nhiệm chỉ đạo cơ quan quản lý trang thông tin điện tử thực hiện đúng các quy định của pháp luật về việc đăng tải nội dung vận động bầu cử;

4. Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tổ chức việc đăng tải chương trình hành động của người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân trên các phương tiện thông tin đại chúng của địa phương.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Dương Tùng ([Tên nguồn])
Họp Quốc hội Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN