"Bún bò Huế" đã từng bị từ chối độc quyền

Cục Sở hữu trí tuệ đã từng từ chối cấp độc quyền ba chữ “bún bò Huế”.

Tại tọa đàm về sở hữu trí tuệ sáng 12-8 do Cục Sở hữu trí tuệ tổ chức, một số ý kiến liên quan đến vụ “bún bò Huế” cũng đã được bàn đến. Trong đó có nhấn mạnh việc phân biệt các khái niệm, các loại nhãn hiệu, nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận...

TP.HCM lại đăng ký nhiều bún bò Huế

Vẫn còn khá nhiều băn khoăn, lo lắng về việc Huế đăng ký bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận “Bún bò Huế”. Báo Pháp Luật TP.HCM đã tìm hiểu lịch sử đăng ký nhãn hiệu có liên quan đến “Bún bò Huế” và trao đổi với ông Trần Việt Hùng, nguyên Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ, để thêm rõ vấn đề.

Có ít nhất một nhãn hiệu bún bò Huế đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp bằng bảo hộ. Đó là “Bún bò Huế 3A3” của Công ty TNHH Dịch vụ Thương mại Thành Nội (quận 1, TP.HCM). Nhãn hiệu này được Cục Sở hữu trí tuệ cấp bằng năm 2008, sau hai năm nộp đơn, với giá trị bảo hộ đến hết năm 2016. Trong đó khẳng định “bảo hộ tổng thể” nhãn hiệu, không bảo hộ riêng “bún bò Huế”.

Tương tự, một vài đăng ký bảo hộ (đang trong quá trình xem xét cấp bằng) liên quan đến bún bò Huế như Bún bò Huế Nhân Trí, Bún bò Huế Mạ ơi,... cũng được ghi chú là không bảo hộ riêng “bún bò Huế”. Ngay cả các loại bột gia vị bún bò Huế, bún ăn liền Bún bò Huế... cũng được đăng ký khá nhiều tại Cục Sở hữu trí tuệ nhưng đều được ghi rõ không bảo hộ riêng cụm từ “bún bò Huế”.

Ông Trần Việt Hùng, nguyên Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ, cho biết ông từng ký bằng cho nhiều nhãn hiệu liên quan đến bún bò Huế. Ông Hùng nêu quan điểm: “Không thể bảo hộ cụm từ “bún bò Huế” cho riêng ai, vì đây đã là tên gọi chung của món ăn này, ai cũng có thể nấu được cả. Điều lạ là toàn đơn đăng ký của cá nhân, doanh nghiệp ở TP.HCM, đăng ký từ rất sớm, hơn chục năm trước, chứ ở Huế thì lại không ai đăng ký nhãn hiệu với bún bò Huế cả”.

 

"Bún bò Huế" đã từng bị từ chối độc quyền - 1

Tên món ăn sẽ không được đăng ký độc quyền

Không chỉ ở Việt Nam mới hiểu “bún bò Huế” là tên gọi thông dụng của món ăn. Ngay cả ở Mỹ cũng không bảo hộ riêng “bún bò Huế”. Theo tra cứu trên hệ thống nhãn hiệu của Cơ quan Nhãn hiệu và Sáng chế Mỹ (USPTO) thì có nhãn hiệu Bún bò Huế Đức Chương đã được cấp bằng bảo hộ độc quyền tại Mỹ. Trong đó, cũng không được độc quyền cụm từ “bún bò Huế”. Trong phần giải thích của nhãn hiệu này, từ “bún bò Huế” có nghĩa là một loại bún kèm thịt bò theo kiểu Việt Nam.

Ông Trần Việt Hùng cho biết không riêng bún bò Huế mà hủ tíu Nam Vang hay bún nước lèo Sóc Trăng, Pizza Ý,... đều là tên chung chỉ món ăn, đã được sử dụng rộng rãi, lâu dài nên không ai được độc quyền. Trên thực tế đã có hàng chục công ty đăng ký Hủ tíu Nam Vang Quỳnh, Hủ tíu Nam Vang Bích Hà, Hủ tíu Nam Vang Tylum... và đều ghi rõ không bảo hộ riêng cụm từ “hủ tíu Nam Vang”.

Có một số tên sẽ có thể bảo hộ độc quyền, ví dụ như cam Vinh, vì đã được bảo hộ chỉ dẫn địa lý. Cam trồng ở vùng khác không được gọi là cam Vinh, đấy là để bảo vệ người tiêu dùng, tránh mua phải cam giả cam Vinh.

Vấn đề còn lại là liệu Huế có được bảo hộ nhãn hiệu (logo) “Bún bò Huế” như đã đăng ký không khi mà có nhiều ý kiến cho rằng logo của Huế thiết kế đơn thuần là chữ, không có sự khác biệt, với kiểu chữ quá thông dụng, thông thường? Trong đó hình cái tô (chữ U), đôi đũa (dấu sắc)… đã được sử dụng trong rất nhiều nhãn hiệu liên quan đến ăn uống.

Ông Lê Ngọc Lâm, Cục phó Cục Sở hữu trí tuệ, cho biết Cục đã nhận hồ sơ và đang trong giai đoạn xem xét nên không thể tiết lộ thông tin hồ sơ. Logo “Bún bò Huế” của Huế có khả năng bảo hộ hay không thì còn phải do bộ phận chuyên môn rà soát, xem xét, đối chiếu với các nhãn hiệu đã có, thẩm định trên hệ thống rồi mới có thể kết luận.

Ông cho rằng đến khi công bố đơn, đăng trên công báo về sở hữu trí tuệ, bất cứ cá nhân, tổ chức nào cũng có quyền gửi ý kiến phản đối và đưa ra lập luận, Cục sẽ xem xét.

Món ăn được sử dụng rộng rãi: Không được bảo hộ

Điều 72 Luật Sở hữu trí tuệ quy định điều kiện bảo hộ nhãn hiệu phải “Có khả năng phân biệt”. Và Điều 74 của luật này làm rõ những trường hợp bị coi là không có khả năng phân biệt gồm: “Hình và hình hình học đơn giản, chữ số, chữ cái”, “tên gọi thông thường của hàng hóa, dịch vụ bằng bất kỳ ngôn ngữ nào đã được sử dụng rộng rãi, thường xuyên, nhiều người biết đến”.

Bún bò Huế là tên gọi thông thường của món ăn này và đã được sử dụng rộng rãi, thường xuyên, nhiều người biết đến.

Luật sư NGUYỄN THANH LONG, Đoàn Luật sư TP.HCM

_____________________________

Như vậy, tiền lệ từ trước đến nay, Cục Sở hữu trí tuệ không cấp độc quyền ba chữ “bún bò Huế” cho bất cứ ai. Ông Trần Việt Hùng, nguyên Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ, cho rằng nếu bây giờ cấp độc quyền chữ “bún bò Huế” cho một cá nhân, tổ chức nào thì sẽ mâu thuẫn với tất cả nhãn hiệu có chữ “bún bò Huế” trước đây.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo QUỲNH NHƯ (Pháp luật TP.HCM)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN