Bộ Y tế nêu lý do Việt Nam chưa nên coi Covid-19 là "bệnh lưu hành"

Sự kiện: Tin tức COVID-19

Theo Bộ Y tế, dịch Covid-19 vẫn đang trong giai đoạn chuyển tiếp giữa giai đoạn đại dịch sang giai đoạn “bệnh lưu hành”. Tổ chức Y tế thế giới vẫn coi Covid-19 là đại dịch và quan ngại có các biến thể không lường trước.

Tại báo cáo công tác triển khai các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 Bộ Y tế gửi Thủ tướng ngày 5-3, đề cập đến nội dung liên quan đến "bệnh đặc hữu", Bộ Y tế cho biết "bệnh lưu hành" còn được một số chuyên gia gọi là "bệnh đặc hữu".

Đây là sự xuất hiện một cách ổn định của bệnh dịch hoặc tác nhân gây bệnh trong một khu vực địa lý hoặc nhóm quần thể dân số nhất định. Khái niệm này hướng đến tỉ lệ mắc bệnh thường gặp của một bệnh dịch trong một khu vực hoặc quần thể dân số nhất định.

Điều trị bệnh nhân Covid-19 tại Bệnh viện Covid ở Hà Nội - Ảnh: Gia Nguyễn

Điều trị bệnh nhân Covid-19 tại Bệnh viện Covid ở Hà Nội - Ảnh: Gia Nguyễn

Theo đó, có 4 tiêu chí để đánh giá bệnh lưu hành gồm: Có sự tồn tại thường xuyên tác nhân gây bệnh; Tồn tại quần thể nhiễm trùng và ổ chứa tác nhân gây bệnh; Bệnh dịch xảy ra ở một nhóm hoặc một quần thể dân số trong địa bàn nhất định; Tỉ lệ mắc có tính ổn định và có thể dự báo.

Đến nay, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) vẫn coi Covid-19 trong tình trạng đại dịch và dự đoán có thể có các biến thể không lường trước được của virus SARS-CoV-2. Tình hình dịch bệnh tại nhiều quốc gia vẫn diễn biến phức tạp, cần tiếp tục duy trì các hoạt động đáp ứng với đại dịch ở mức cao.

Trong nước, tuy tỉ lệ bệnh nặng, tử vong đã giảm nhiều so với giai đoạn trước nhưng số tử vong ghi nhận hàng ngày vẫn ở mức cao (trên dưới 100 ca/ngày). Con số này cao hơn cả số tử vong cao điểm hàng năm do bệnh dại hoặc sốt xuất huyết, sởi - những bệnh lưu hành có số tử vong cao hàng đầu trong các bệnh truyền nhiễm tại Việt Nam.

Hiện nay, các chuyên gia và các quốc gia đang thảo luận và đề xuất coi bệnh Covid-19 là bệnh lưu hành (endemic). Về vấn đề này, Bộ Y tế đã trao đổi với các chuyên gia trong nước, các chuyên gia của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Trung tâm Dự phòng và kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ (USCDC) nhận định đối với bệnh Covid-19 tại Việt Nam, cụ thể:

Thứ nhất, trong nước, SARS-CoV-2 đã ghi nhận ở tất cả các tỉnh, TP, số ca nhiễm cũng đã được báo cáo ghi nhận tại tất cả địa phương, tuy vậy dịch bệnh vẫn đang trong giai đoạn chuyển tiếp giữa giai đoạn đại dịch sang giai đoạn "bệnh lưu hành".

Thứ hai, tỉ lệ mắc chưa ổn định và có sự khác biệt rất lớn giữa các địa phương, đặc biệt giữa các tỉnh, TP đã từng có tỷ lệ mắc cao trước đó và những nơi mới có sự gia tăng mạnh.

Thứ ba, số trường hợp tử vong theo ngày vẫn còn rất cao so với những bệnh truyền nhiễm có tỉ lệ tử vong hàng đầu trước đây.

Thứ tư, virus SARS-CoV-2 liên tục biến đổi và ghi nhận các biến thể mới như Alpha, Delta, Omicron; kể cả trong các biến thể cũng liên tục xuất hiện các biến thể phụ (ví dụ biến thể Omicron đã ghi nhận các biến thể phụ BA.1, BA.2, BA.3 có thể né được miễn dịch, gây tái nhiễm). Do đó, tỉ lệ mắc tại các quần thể cảm nhiễm là rất khó xác định và chưa có tính ổn định.

Theo Bộ Y tế virus SARS-CoV-2 liên tục biến đổi và ghi nhận các biến thể mới

Theo Bộ Y tế virus SARS-CoV-2 liên tục biến đổi và ghi nhận các biến thể mới

Theo Bộ Y tế trong thời gian này, Việt Nam chưa nên coi dịch bệnh Covid-19 là "bệnh lưu hành". Bộ Y tế sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Tổ chức Y tế thế giới cũng như các tổ chức quốc tế, quốc gia khác theo dõi tình hình dịch Covid-19 cũng như cập nhật sự biến đổi của virus SARS-CoV-2 để có thể tham mưu Thủ tướng Chính phủ quyết định coi bệnh Covid-19 là "bệnh lưu hành" khi thời điểm thích hợp.

Trước đó, kết luận tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2-2022, Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế đánh giá chính xác tình hình dịch bệnh; nghiên cứu, đánh giá tình trạng kháng thể bảo vệ trước SARS-CoV-2 trên phạm vi cả nước; tham khảo kinh nghiệm quốc tế để có biện pháp phù hợp, hiệu quả, tiến tới bình thường hóa với dịch bệnh, xem Covid-19 là "bệnh đặc hữu".

Bộ Y tế nhận định đến nay, dịch Covid-19 cơ bản đang được kiểm soát trên phạm vi cả nước. Tất cả các địa phương đều đã chuyển sang trạng thái "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19" theo Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ.

Tuy vậy, số mắc mới có xu hướng gia tăng nhanh tại hầu hết các tỉnh, thành phố trong tháng qua, số trường hợp mắc tăng nhiều hơn ở nhóm chưa tiêm vắc-xin, nhất là nhóm dưới 12 tuổi (tháng 1 là 18,4% và tháng 2 là 24,3%); số trường hợp nặng, nguy kịch bắt đầu có sự gia tăng 37,6% so với tháng trước, số trường hợp tử vong trên dưới 100 ca mỗi ngày, hiện vẫn trong khả năng đáp ứng của hệ thống y tế.

Bộ Y tế nêu lý do Việt Nam chưa nên coi Covid-19 là "bệnh lưu hành" - 3

Nguồn: [Link nguồn]

Những quan chức nào ‘dính líu’ tới vụ kit test Việt Á?

Hàng loạt giám đốc CDC các tỉnh và lãnh đạo cấp vụ bị khởi tố, nhiều cán bộ cấp tướng và tá bị xem xét trách nhiệm liên quan đến vụ kit test Việt Á.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo D.Thu ([Tên nguồn])
Tin tức COVID-19 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN