Bọ xít hút máu người lại xuất hiện ở Việt Nam

Tối 26/8, chị Trần Kim Cúc (phường Hải Cảng, TP.Quy Nhơn, Bình Định) bất ngờ bắt được một con bọ xít hút máu người ngay giữa nhà.

Theo quan sát ban đầu, con bọ xít này giống hệt những con bọ xít hút máu người từng bắt được tại nhiều địa phương khác khi có 3 đôi chân, vòi chích dài, cứng và nhọn, sau lớp cánh mỏng trên lưng có những vạch ngang màu vàng nâu, phần bụng dẹt và to.

Trưa ngày 27/8, Viện Sốt rét – Ký sinh trùng và Côn trùng Quy Nhơn đã đến tiếp con bọ xít để phục vụ công tác nghiên cứu, phân loại.

Điều đặc biệt, chị Cúc cho biết cách đây khoảng 2 năm, chị cũng từng bắt được một con bọ xít giống y như vậy ở giữa nhà.

Bọ xít hút máu người lại xuất hiện ở Việt Nam - 1

Cận cảnh con bọ xít bắt được tại nhà chị Cúc (Ảnh: Đất Việt)

Trao đổi với PV, TS. Trương Xuân Lam, Trưởng phòng Côn trùng học Thực nghiệm, Viện Sinh thái và Tài nguyên Sinh vật cho biết, ông đã xem hình ảnh con bọ xít do chị Cúc bắt được và khẳng định đây là chủng bọ xít hút máu người, tuy nhiên để xác định cụ thể thì cần phải có mẫu vật trực tiếp.

TS. Lam cho biết, từ nhiều năm trước, phòng Côn trùng học đã nuôi, nghiên cứu về các loại bọ xít hút máu người. Tuy nhiên, công tác này mới chỉ dừng lại ở việc nghiên cứu vùng phân bố, vòng đời, sinh thái… Việc xác định xem ký sinh trùng ở bọ xít hút máu có lây sang người không đến nay vẫn chưa thể thực hiện do… thiếu kinh phí.

Bọ xít hút máu người có phần gốc vòi cong, không dính sát đầu. Mặt bụng của ngực trước có rãnh lõm để nạp vòi và có nọc độc làm tê liệt con mồi.

Bọ xít hút máu dài 9,5 - 33mm, phần bụng rộng và dẹp, đầu, thân và các phần phụ khác nhẵn hoặc có lông ngắn. Ở rìa thân có sọc màu vàng thân có màu nâu đặc trưng, khác với các loại bọ xít khác có đủ màu xanh, đen, nâu... Loại côn trùng này thường đẻ trứng trên thành ngoài của giường, tủ, trứng to, chùm, màu trắng ngà.

Bước đầu, các kết quả thí nghiệm cho thấy ký sinh trùng trong bọ xít hút máu đã lây qua chuột rất nhanh, sau khoảng thời gian là 48 giờ.

Một điều ngạc nhiên khác, vòng đời của bọ xít hút máu rất dài. TS. Lam cho biết khi nuôi ở điều kiện phòng thí nghiệm, với ngưỡng nhiệt 30 độ C, bọ xít hút máu sống được từ 367 – 370 ngày.

Ở điều kiện nhiệt độ thấp hơn (15-16 độ C), bọ xít hút máu thường co cụm trong các ổ, chứ không phát tán và sống bằng nguồn máu của các loài động vật khác, chủ yếu là chuột.

Như vậy đến nay, nhiều địa phương trên cả nước đều đã phát hiện bọ xít hút máu người như Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng… Vết đốt của loài bọ xít này ban đầu gây đau nhức, sưng tấy trong một thời gian ngắn.

Khi bọ xít hút máu người đốt sẽ truyền ký sinh trùng nội bào Trypanosoma cruzi gây bệnh Chaga’s qua đường máu. Bệnh trở thành mạn tính sẽ dẫn đến tử vong do nghẽn mạch máu...

Theo khuyến cáo, nếu vô tình bị bọ xít hút máu người đốt, người dân nên rửa ngay vết đốt bằng xà phòng, không gãi tại chỗ vết đốt để tránh gây xước và viêm nhiễm. Đồng thời, đến ngay cơ sở y tế để được khám, điều trị chống dị ứng và chống viêm nhiễm tại chỗ.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo M.Anh (Vietnamnet)
Phát hiện bọ xít hút máu người Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN