Bộ trưởng KH-CN dám lặn tàu ngầm của VN vì tin tưởng
Bộ trưởng KH-CN Nguyễn Quân chia sẻ về việc nhiều người ngạc nhiên hỏi “sao dám ngồi vào tàu ngầm do Việt Nam sản xuất” và ông lý giải “vì tôi hoàn toàn tin tưởng trình độ và năng lực của những người làm khoa học”.
Tại buổi chất vấn sáng 19/11, Đại biểu Nguyễn Ngọc Bảo (Vĩnh Phúc) đặt câu hỏi chất vấn đến Bộ trưởng KH-CN Nguyễn Quân dù ông không phải là “nhân vật chính”.
Ông Bảo nhắc lại chuyện, vừa qua, Bộ trưởng KH-CN giám sát các đề tài khoa học của doanh nghiệp, tư nhân trong đó có tàu Yết Kiêu, Hòa Bình, Trường Sa. Đích thân bộ trưởng đến nơi chế tạo tàu lặn ở Hòa Bình.
Bộ trưởng KH-CN Nguyễn Quân |
Đại biểu đặt câu hỏi: “Bộ trưởng đánh giá thế nào về sáng kiến này của người nông dân. Bộ trưởng có giải pháp gì để phát huy hiệu lực?”
Trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Ngọc Bảo, Bộ trưởng Nguyễn Quân cho biết, thời gian qua, có 3 nơi chế tạo tàu lặn được người dân quan tâm. Cụ thể: Ông Nguyễn Quốc Hòa ở Thái Bình, ông Phan Bội Chân TPHCM, tàu Hòa Bình của một số nhà khoa học và doanh nhân thuộc Tập đoàn Vinasin.
Ông Quân bày tỏ, lãnh đạo ngành trân trọng sáng kiến của người dân nếu đáp ứng yêu cầu sản xuất kinh doanh, phục vụ xã hội. Tuy nhiên, sản phẩm cung ứng cho xã hội phải có giá trị nhất định và thị trường chấp nhận.
Bộ thường xuyên hỗ trợ cho sáng kiến thông qua hội chợ Techmarth hàng năm.
“Tuy nhiên, trong lĩnh vực tàu ngầm, máy bay - có thể coi là phương tiện giao thông. Sản phẩm này liên quan đến an ninh quốc phòng nên việc chế tạo, thử nghiệm, sử dụng phải tuân thủ quy định của pháp luật”, Bộ trưởng Nguyễn Quân nhấn mạnh
Bộ đến làm việc với người có sáng kiến nhưng một số trường hợp bà con lặng lẽ làm. Đến khi thử nghiệm cơ quan quản lý không thể xử lý được.
Tàu ngầm Trường Sa 1 của kỹ sư "quê lúa" Nguyễn Quốc Hòa
Riêng tàu lặn ở Hòa Bình, một nhóm các nhà khoa học tự bỏ vốn chế tạo. Tàu này có thể chở 4 người, hoạt động liên tục trong 2 ngày ở độ sâu 50m.
Con tàu này có giá thành chưa đến 1,5 triệu USD trong khi những con tàu khác mua ở nước ngoài có giá trị từ 5-7 triệu USD. Ngay cả thuê những tàu lặn này, nếu thuê kiểm tra các dàn khoan ở biển trong vòng 3 năm vẫn đắt hơn giá mua con tàu này ở Việt Nam.
“Nhiều người nói tại sao dám ngồi vào tàu ngầm này, vì tôi hoàn toàn tin tưởng trình độ và tin tưởng vào trình độ, năng lực của những người làm khoa học với bảo lãnh của cơ quan đăng kiểm của nước ngoài. Tôi đã ngồi vào và kiểm tra các thông số”, Bộ trưởng Quân chia sẻ.
Ông Quân cũng mong muốn người dân có ý tưởng sáng tạo nên hợp tác chặt chẽ với cơ quan khoa học, cơ quan quản lý để sản phẩm họ đưa ra được phép lưu hành.
“Nếu sản phẩm của họ sẽ không được đưa ra thị trường, chúng ta cũng phải nghĩ đến an toàn cho người dân, an ninh quốc gia trong quá trình sử dụng trang thiết bị chưa được đăng kiểm theo tiêu chuẩn”, Bộ trưởng Nguyễn Quân nói.