Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: "Có cháu gọi đến Tổng đài, bảo bắt bố mẹ cháu đi"

Sự kiện: Thời sự

Nhấn mạnh trình độ dân trí tăng lên, trẻ em đã được giáo dục kỹ năng, đồng thời có sự hỗ trợ của Tổng đài bảo vệ trẻ em 111, Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) Đào Ngọc Dung cho biết, hiện nay, cuộc gọi về Tổng đài 111 chủ yếu là trẻ em. “Có cháu còn bảo cháu đã báo công an rồi. Có cháu gọi đến bảo ‘tóm’ bố mẹ cháu đi”, ông Dung nêu.

Ngày 22/2, Uỷ ban Văn hoá Giáo dục chủ trì, phối hợp với Uỷ ban Tư pháp, Uỷ ban Xã hội (Quốc hội) tổ chức phiên giải trình trực tiếp kết hợp trực tuyến về tăng cường thực hiện chính sách pháp luật về phòng, chống bạo lực trẻ em.

Tại phiên giải trình, nhiều vấn đề được các đại biểu đặt ra với Bộ LĐTB&XH, Bộ VHTT&DL, Bộ GD&ĐT, Bộ TT&TT…

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: "Có cháu gọi đến Tổng đài, bảo bắt bố mẹ cháu đi" - 1

Trao đổi làm rõ một số vấn đề liên quan, Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung cho biết, một số vụ bạo hành trẻ em nổi cộm thời gian qua có nguyên nhân liên quan tình trạng hậu ly hôn.

Theo đó, hiện nay, theo quy định pháp luật, cơ bản ai chăm sóc trẻ em tốt nhất thì được ưu tiên nuôi con khi ly hôn. Nhưng trên thực tiễn, một số vụ việc thời gian qua xảy ra trong thời gian sau ly hôn, liên quan người tình của bố, mẹ.

Theo ông Dung, với các nước, khi ly hôn cũng sẽ phân định quyền nuôi con dựa trên sự thuận tình, điều kiện của mỗi người. Nhưng nếu cả hai người không đủ điều kiện để đảm bảo thì trẻ em sẽ được tách khỏi bố mẹ để có sự giám hộ. Ông Dung cho rằng, nên suy nghĩ về vấn đề này, tuy nhiên, phải trên nguyên tắc không có gì bằng gia đình, gia đình là trên hết, trước hết, chỉ khi nào gia đình không đảm bảo thì mới tính phương án khác.

Báo cáo của Bộ LĐTB&XH cũng thể hiện, năm 2021, các vụ việc xâm hại, bạo lực trẻ em chủ yếu xảy ra trong gia đình. Bộ trưởng Dung cho rằng, đây là một nghịch lý, bởi gia đình xưa nay vẫn là nơi an toàn nhất cho trẻ. Đây là do tác động của đại dịch COVID-19, khi các em phải ở nhà, không được đến trường, người lớn cũng phải thực hiện giãn cách xã hội, nhiều người không có việc làm, khó khăn về kinh tế, nảy sinh nhiều mâu thuẫn trong cuộc sống.

Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh cho rằng, bạo lực trong gia đình rất khó can thiệp, rất khó phát hiện. Trách nhiệm của các bộ, ngành như Bộ LĐTB&XH, Bộ VHTT&DL là làm thế nào văn hoá gia đình thật bền vững, thật tốt, không để xảy ra các vụ việc đau lòng.

Ông Vinh cũng cho rằng, cần chú ý đến tác động tâm lý sau đại dịch COVID-19, bởi giãn cách xã hội phòng, chống dịch COVID-19 gây nhiều ảnh hưởng. Đại diện Cục khám bệnh, chữa bệnh Bộ Y tế cho rằng, vấn đề giãn cách xã hội, làm việc ở nhà làm tăng gánh nặng tâm lý, dễ gây bạo lực gia đình, áp lực cho cả người lớn, trẻ nhỏ, trong đó có bạo lực trẻ em trong điều kiện các cháu không đến trường.

Giải trình một số ý kiến đại biểu liên quan đến hoạt động của Tổng đài 111, Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung cho rằng, thời gian qua, việc phát hiện, tố giác các vụ bạo lực, xâm hại trẻ em chủ yếu qua Tổng đài này.

Theo ông Dung, các em nhỏ hiện nay đã được giáo dục kỹ năng. Trước đây, nhiều trường hợp bị bố mẹ đánh cũng không biết kêu ở đâu. Hiện nay, cuộc gọi về Tổng đài 111 chủ yếu là trẻ em. "Có cháu gọi cho Tổng đài, bảo cháu đã báo cả công an rồi. Có cháu gọi đến Tổng đài bảo đến ‘tóm’ bố mẹ cháu đi. Hiện nay, nhận thức cũng đã khác. Nhiều người thấy việc đánh đập trẻ em cũng đã tố giác", ông Dung nói.

Ông Dung đánh giá, Tổng đài 111 thời gian qua đã hoạt động vượt công suất, làm thêm cả nhiệm vụ tư vấn cho người dân, trẻ em trong phòng, chống dịch. Tuy nhiên, vẫn có một số hạn chế vì cuộc gọi đến đa phần báo sự việc đã xảy ra rồi.

“Nếu người lớn không thờ ơ với trẻ em thì nhiều sự việc đau lòng không xảy ra. Như vụ việc cháu bé bị ghim đinh vào đầu ở Thạch Thất, cháu bé đã bị nhiều hành vi bạo hành thời gian trước đó…nếu không thờ ơ thì sự việc đã khác đi”, ông Dung nêu.

Bộ trưởng Dung cũng cho rằng, ông từng đi tham khảo kinh nghiệm của nước ngoài. Nhiều nước chỉ cần nghe thấy tiếng trẻ em khóc đã có lực lượng có thể can thiệp được. Hay như một số nước giáo dục rất kỹ về kỹ năng bảo vệ bản thân cho trẻ em, quyền của trẻ em.

“Hiện nay, việc giáo dục về quyền cho trẻ em thuộc trách nhiệm của Bộ GD&ĐT và Đoàn thanh niên, nhưng hiện nay, nếu hỏi các cháu về quyền của bản thân thì phần lớn là không nắm được. Thậm chí người lớn biết về quyền của trẻ em cũng rất hạn chế. Chúng ta đã nhìn ra vấn đề này, nếu không quan tâm giáo dục quyền trẻ em thì rất khó”, Bộ trưởng Dung nói.

Liên quan vấn đề đan xen chức năng giữa hai Bộ LĐTB&XH và Bộ VHTT&DL về vấn đề trẻ em, vấn đề gia đình, ông Dung cho biết, nếu gắn kết được hai lĩnh vực này là tốt nhất, sẽ nghiên cứu, tham mưu có chương riêng về phòng chống bạo lực trẻ em trong quy định của pháp luật. Trước mắt, hai Bộ tiếp tục ký kết chương trình phối hợp, san sẻ, phân công trách nhiệm với nhau.

“Trong tháng 2 này, chúng tôi có chỉ đạo đưa toàn bộ cơ sở dữ liệu về trẻ em kết nối với dữ liệu dân cư quốc gia. Bắt đầu ngay từ khi các bé chào đời sẽ được theo dõi trên cơ sở dữ liệu chung quốc gia”, ông Dung nêu.

Đối tượng bạo hành, xâm hại trẻ em chủ yếu là người thân

Nêu ý kiến tại phiên giải trình, Đại tá Tô Cao Lanh, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an) cho biết, liên quan đến các vụ việc xâm hại, bạo lực trẻ em, năm 2021, công an toàn quốc đã phát hiện, tiếp nhận tin báo 1.914 vụ, từ nguồn tin báo tố giác tội phạm, từ Tổng đài bảo vệ trẻ em quốc gia 111 và từ các phương tiện thông tin đại chúng. Công an đã tiến hành xác minh giải quyết, kết quả có 1.414 vụ xâm hại, bạo lực trẻ em, 2.198 đối tượng thực hiện. Số trẻ em bị xâm hại là 1.987 em. So với 2020 giảm 31 vụ.

Cơ quan công an rất kiên quyết trong điều tra, xử lý, khởi tố, điều tra 1.623 vụ với 1.759 bị can; xử lý hành chính 122 vụ với 276 đối tượng. Các vụ còn lại đang tiếp tục xác minh, giải quyết.

Ông Lanh nêu nhiều khó khăn, vướng mắc liên quan các vụ việc xâm hại, bạo lực trẻ em.

Thứ nhất, các vụ xâm hại, bạo lực trẻ em hầu hết do chính người thân, người có trách nhiệm nuôi dưỡng, quản lý gần gũi với các em thực hiện; diễn ra trong môi trường hẹp, kín, rất khó phát hiện và có các biện pháp phòng ngừa.

Thứ hai, mặt trái của môi trường xã hội tác động trực tiếp đến nhận thức hành vi, dẫn đến nhiều người tiêm nhiễm thói xấu, lai căng, méo mó, tiêu cực. Nhiều người còn quan niệm việc xâm hại, bạo lực trẻ em là việc của mỗi gia đình nên họ không có ý thức phát hiện, tố giác, ngăn chặn tội phạm, nên nhiều vụ việc xảy ra trong thời gian dài mới phát hiện, xử lý.

Khó khăn nữa, theo ông Lanh, trong đại dịch COVID-19, giãn cách xã hội, người dân mất việc làm, thiếu công ăn việc làm, khó khăn về kinh tế, mâu thuẫn gia đình là nguyên nhân tác động đến bạo lực gia đình, xâm hại trẻ em.

Nguồn: [Link nguồn]

Lời khai ban đầu của nghi phạm đánh đập, đóng đinh vào đầu bé gái 3 tuổi

Tại cơ quan công an, bước đầu Nguyễn Trung Huyên đã thừa nhận toàn bộ hành vi phạm tội.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Trường Phong ([Tên nguồn])
Thời sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN