Bộ Tài chính vẫn “vô địch” về biên chế

Sự kiện: Thời sự

Trong đó, lớn nhất là ngành thuế với 40.983 biên chế, đến năm 2020 sẽ giảm bỏ 50% số chi cục thuế hiện có.

Bộ Tài chính đã chính thức khởi động chương trình cải cách, đổi mới hệ thống tổ chức, cán bộ gọn nhẹ, chuyên nghiệp, hiệu quả bằng việc ban hành hàng loạt quyết định liên quan đến việc sắp xếp, sáp nhập, giải thể nhiều đơn vị cấp chi cục và giao biên chế công chức năm 2018 cho các tổ chức, đơn vị thuộc bộ quản lý.

Nhân sự thuế, kho bạc, hải quan giảm mạnh

Cụ thể, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng đã có quyết định giao 70.771 chỉ tiêu biên chế công chức năm 2018 cho các cơ quan, tổ chức hành chính thuộc lĩnh vực quản lý. Trong đó, chỉ tiêu lớn nhất thuộc về Tổng cục Thuế với 40.983 biên chế, Kho bạc Nhà nước 14.756 chỉ tiêu, Tổng cục Hải quan 10.250 chỉ tiêu… Như vậy, dù đang thực hiện tinh giản nhưng năm 2018, Bộ Tài chính vẫn đứng đầu cả nước về số lượng biên chế của các cơ quan, bộ, ngành thuộc Chính phủ.

Bộ Tài chính vẫn “vô địch” về biên chế - 1

Cán bộ Cục Thuế TP HCM giải quyết thủ tục thuế cho người dân, doanh nghiệpẢnh: Tấn Thạnh

Cũng trong năm 2018, Bộ Tài chính bắt đầu cắt giảm mạnh nhân sự ngành thuế, kho bạc và sau đó là hải quan. Ngành thuế hiện có 63 cục thuế với 711 chi cục, đội ngũ cán bộ, công chức lên tới 44.000 người. Từ nay đến cuối năm 2020 sẽ giảm tối thiểu 50% chi cục thuế hiện có trong toàn ngành. Đến nay, Tổng cục Thuế đã phê duyệt kế hoạch triển khai, sáp nhập chi cục thuế các quận, huyện, thị xã, thành phố thành chi cục thuế khu vực thuộc cục thuế tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Riêng đối với bộ máy quản lý, Tổng cục Thuế dự kiến cũng giảm từ 6 phó tổng cục trưởng xuống còn 4.

Đối với kho bạc, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã ký ban hành quyết định giải thể 43 phòng giao dịch Kho bạc Nhà nước, đưa về kho bạc tỉnh.

Giảm gánh nặng cho ngân sách

Thực trạng công tác quản lý thuế nhiều năm nay tồn tại một bất cập là mất cân đối giữa nhân sự và số thu. Ví dụ: Khu vực hộ kinh doanh chỉ đóng góp khoảng 2% tổng thu nhưng ngành thuế phải huy động đến 21% lực lượng cán bộ để thu thuế của các đối tượng này. Thậm chí, có những địa bàn số thu thấp, cán bộ thuế hưởng lương 5 triệu đồng/tháng nhưng thu thuế các hộ kinh doanh trên địa bàn phụ trách chỉ đạt khoảng 2 triệu đồng/tháng.

Đối tượng thuộc diện sáp nhập, thậm chí "xóa sổ" theo diện tinh giản biên chế của Bộ Tài chính lần này là chi cục thuế có số thu nhỏ dưới 50 tỉ đồng/năm, có khoảng cách gần nhau; các cục hải quan thu ngân sách chỉ 10-20 tỉ đồng/năm hoặc các phòng giao dịch kho bạc cấp tỉnh quanh năm thu không đủ chi. Như vậy, trước hết, việc tinh giản biên chế của Bộ Tài chính sẽ góp phần giảm gánh nặng chi thường xuyên cho ngân sách nhà nước (NSNN).

PGS-TS Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội, đánh giá Bộ Tài chính là đơn vị quản lý NSNN đã gương mẫu, đi đầu trong việc cắt giảm tầng nấc trung gian là rất đáng hoan nghênh. Cách mạng công nghệ 4.0 đang tác động rất mạnh và triển khai Chính phủ điện tử thì ngành tài chính nói chung và lĩnh vực thuế, hải quan nói riêng phải đẩy mạnh sử dụng công nghệ thông tin trong quản lý thu và khai báo thuế cũng như thông quan, kiểm tra hải quan. Áp dụng hải quan điện tử, thuế điện tử thì không cần nhiều chi cục thuế, hải quan. "Việc này không chỉ giúp quản lý con người mà còn giúp minh bạch hóa, công khai hóa trong quản lý thuế tốt hơn" - ông Cường phân tích. 

Ngân sách cạn kiệt vì... biên chế

Hội nghị Trung ương 6 đã chỉ ra: Nhiều địa phương và cả trung ương thực hiện không nghiêm túc việc tinh giản biên chế,...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Tô Hà (Người lao động)
Thời sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN