Bí thư không là người địa phương: Sẽ hết nạn “cả họ làm quan”?

Sự kiện: Thời sự

Chủ trương Bí thư cấp tỉnh, huyện không phải người địa phương được thực hiện ngay sau Hội nghị Trung ương 7 vừa kết thúc.

Bí thư không là người địa phương: Sẽ hết nạn “cả họ làm quan”? - 1

ĐBQH Lê Thanh Vân

Quy định này được kỳ vọng sẽ giúp kiểm soát quyền lực tốt hơn. Tuy nhiên, việc một người từ nơi khác về lãnh đạo địa phương chắc chắn sẽ không chỉ có thuận lợi. Báo Giao thông có cuộc trao đổi với ĐBQH Lê Thanh Vân, Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, nguyên Phó bí thư Tỉnh ủy Hải Dương.

Giải pháp “vừa cũ, vừa mới”

Thưa ông, bố trí Bí thư cấp tỉnh, huyện không phải người địa phương là một trong những giải pháp đáng lưu ý vừa được T.Ư đưa ra nhằm kiểm soát quyền lực, ngăn chặn tham nhũng. Đây có phải lần đầu tiên việc này được thực hiện?

Việc bố trí Bí thư cấp huyện, tỉnh không phải người địa phương đã làm trong quá khứ. Từ giai đoạn năm 2000 đến nay, chúng ta luân chuyển nhiều cán bộ về làm lãnh đạo địa phương nhưng đây không phải chủ trương nhất quán.

Thời điểm tôi được cử đi luân chuyển về địa phương, ai cũng thấy rất tin tưởng vào tinh thần ấy, nhưng chúng ta làm không triệt để nên câu chuyện Bí thư cấp ủy không phải người địa phương vẫn cứ “vừa cũ, vừa mới”. Nhưng lần này sẽ trở thành một chủ trương nhất quán và được nhiều người kỳ vọng.

Có ý kiến cho rằng, nếu cán bộ liêm khiết thì dù ở đâu cũng tốt, còn đã không tốt ở đâu cũng thế thôi?

Cái gốc của vấn đề chính là việc kiểm soát quyền lực. Ta phải tạo ra cơ chế để lựa chọn người xứng đáng có đủ tài, đức, đó chính là cơ chế tự phòng ngừa trong hệ thống. Nhưng vì quy trình lựa chọn cán bộ, cách lựa chọn của ta chưa chuẩn mực, quy trình thẳng nhưng cái tâm “cong” nên đầu ra có vấn đề. Nguyên nhân tất cả do chọn người mà ra.

Cũng đã có lo ngại, cán bộ là người địa phương sẽ am hiểu địa bàn và làm được mọi điều tốt nhất cho địa phương mình, còn không dễ có tư duy nhiệm kỳ. Từng là cán bộ lãnh đạo được luân chuyển về địa phương, trải nghiệm của ông thế nào?

Chúng ta phải đánh giá cả mặt được và không được, cả về lý luận và thực tiễn.

Về lý luận, xuất phát điểm của tinh thần ấy là từ thời phong kiến khi có Luật Hồi tỵ. Hồi tỵ có nghĩa là tránh mặt. Tức là khi ấy muốn “cách ly” cán bộ với địa phương nơi mình sinh ra và trưởng thành để tránh lợi ích nhóm, nhưng khi đó phương tiện đi lại khó khăn, giao thông liên lạc cũng không có điện thoại như bây giờ mới cách ly được.

Còn hiện nay thế giới phẳng rồi, chỉ bằng một cú điện thoại là xong, vẫn trao đổi, giao dịch được. Người ta vẫn có thể đổi chác, gửi gắm kiểu “anh giúp con tôi, tôi giúp con anh”. Vì thế, phải tiếp tục đặt ra các biện pháp ngăn chặn.

Còn qua thực tiễn, người ta đặt ra câu hỏi cán bộ địa phương sẽ am hiểu địa bàn, dân cư hơn nhưng tôi cho rằng không hẳn thế. Vấn đề là chọn đúng người có năng lực, có tầm nhìn, có cách tiếp cận khoa học thì cho dù mới họ vẫn tiếp cận được. Như khi tôi luân chuyển về Hải Dương, chỉ cần 3 tháng tôi nhìn Hải Dương như trong lòng bàn tay, mọi người nói “tôi ở đây hàng chục năm rồi”.

Nếu một Bí thư Tỉnh ủy từ nơi khác khi về địa phương bị cô lập hoàn toàn thì chúng ta sẽ giải quyết câu chuyện này thế nào?

Thực tế có những cán bộ từ nơi khác về lập tức bị giám sát, bị dùng mọi thủ đoạn để “chơi xấu” nhưng lại không có được biện pháp bảo vệ, như vậy không khác gì “đem con bỏ chợ”. Vì thế, T.Ư phải có cách đánh giá, giám sát và bảo vệ cán bộ, nhưng cũng phải kịp thời rút về những cán bộ không đủ tầm nhìn, năng lực mà chỉ lấy chức vụ làm bàn đạp tiếp tục thăng tiến… T.Ư nên cử cán bộ đi theo dõi địa bàn mà mình cử cán bộ đến, đồng thời thay đổi thường xuyên cán bộ đi theo dõi vì nếu theo dõi lâu dễ bị quan chức ở đó mua chuộc, liên kết với nhau đánh gục cán bộ T.Ư đưa về.

Quan trọng nhất là phải nhìn vào việc làm của họ. Việc làm của họ đúng nhưng tập thể ở địa phương đó vẫn bỏ phiếu thấp cho họ thì T.Ư phải hết sức công tâm xem xét. Vì với cán bộ từ địa phương khác, khi lấy phiếu tín nhiệm định kỳ rất dễ bị bè phái, chi phối. Người ta có thể đánh gục nhân sự T.Ư đưa về bằng nhiều cách khác nhau. Để ngăn chặn tình trạng cục bộ, bản vị địa phương, T.Ư phải có chế độ song trùng kiểm soát. Một mặt nghe báo cáo của nơi đưa cán bộ về, mặt khác phải có những kênh thông tin của chính cơ quan T.Ư để xem xét sự việc khách quan.

Phải bãi bỏ tất cả đặc quyền, đặc lợi của quan chức

Kiểm soát quyền lực, ngăn chặn chạy chức, chạy quyền chính là những điểm cốt yếu nhằm ngăn chặn tham nhũng. Để thực hiện hiệu quả những giải pháp T.Ư đưa ra, theo ông chúng ta nên có quy định cụ thể thế nào?

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói, làm sao đó để người ta không cần, không muốn, không thể, không dám chạy chức, chạy quyền. Theo tôi để làm được điều đó có 4 giải pháp.

Để “không cần” chạy chức, chạy quyền phải có “chiếu cầu hiền”, người có tài được mời ra giúp dân, giúp nước. Vì thế, trong nhiều khóa Quốc hội tôi liên tục đề nghị phải có Luật Trọng dụng nhân tài. Vì người tài họ có lòng tự trọng, có liêm sỉ, không cần chạy chức, chạy quyền nên phải có cơ chế minh bạch để người ta đường đường ra giúp dân, giúp nước. Nhiều người có đủ đức, đủ tài nhưng không được lãnh đạo để ý. Khi có công việc dựa vào những người này nhưng khi bổ nhiệm lại bổ nhiệm những người chăm sóc, “điếu đóm” cho mình, thân cận với mình để sau này còn chỉ huy, chi phối.

Để “không muốn”, phải xây dựng cơ chế tiết chế lòng tham. Phàm những cái người ta muốn là cái người ta thiếu và cần, nên nếu xây dựng những cái không kích động vào lòng tham thì người ta không muốn nữa. Vì thế, phải bãi bỏ tất cả những đặc quyền, đặc lợi của quan chức. Như chế độ xe đưa đón, chế độ nhà, đất và nhiều đặc quyền khác như đi máy bay hạng thương gia…

Để “không thể”, chúng ta phải đặt ra những tiêu chí định lượng rõ ràng. Nhìn thấy được thì những kẻ bất tài sẽ nhìn vào đó mà không thể bước qua. Dù họ có dùng tiền, dùng quan hệ cậy nhờ cũng không được, bởi lưới pháp luật đã giăng ra. Sự trừng phạt của pháp luật bất cứ lúc nào cũng có thể rơi vào đầu nếu họ bằng mọi thủ đoạn để “chui sâu, leo cao”. Chứ nếu đơn thuần đưa tiêu chí về bằng cấp thì họ sẽ dễ dàng chạy bằng cấp, cách đó không thể chọn được người tài. Đi đôi với việc đưa ra các tiêu chí định lượng nhìn thấy, đong đếm được ấy phải có cơ chế lành mạnh, minh bạch là thi tuyển công khai và tranh cử công khai, để năng lực cán bộ sẽ thể hiện trước con mắt của nhiều người.

Để “không dám” chạy chức, chạy quyền, ta chỉ có thể ngăn chặn các cơ quan tham mưu về nhân sự, các tập thể, cá nhân quyết định về nhân sự bằng cách trói buộc trách nhiệm của họ. Khi một tập thể, cá nhân đề cử, bổ nhiệm cán bộ mà cán bộ không làm được việc thì phải xem xét trách nhiệm của tập thể, cá nhân ấy đến đâu, xử lý hành chính hoặc cách chức, buộc thôi việc. Nhiều vi phạm về công tác cán bộ được phát hiện nhưng dường như chúng ta mới chủ yếu xử lý cấp dưới, còn người có quyền quyết định, định đoạt lại không bị xử lý.

Cảm ơn ông!

Có 9 địa phương bổ nhiệm 58 trường hợp người nhà

Báo cáo trước Quốc hội, PTT Chính phủ Trương Hoà Bình nêu rõ về kỷ luật kỷ cương, công tác cán bộ và tổ chức bộ...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hoài Thu (Báo Giao thông)
Thời sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN