Bí kíp giúp con gái 10 tuổi thành “thần đồng kinh doanh” của bà mẹ trẻ

Sự kiện: Thời sự

Đứng sau thành công trong việc kinh doanh chè bưởi của bé Bống (10 tuổi), không thể thiếu bóng dáng của người mẹ.

Sau khi Nguyễn Hoàng Bảo Ngọc (10 tuổi, tên thường gọi Bống) ở Tuyên Quang lên truyền hình trong chương trình “Mặt trời bé con” và được đông đảo mọi người biết đến, món chè bưởi Bống nấu ngày càng đắt khách hơn.

Để có được thành công như ngày hôm nay, bé Bống nhận được sự giúp đỡ không nhỏ từ người mẹ của mình - chị Dương Thanh Thúy (42 tuổi).

Ngay từ những ngày đầu chập chững bước vào kinh doanh, mẹ luôn là người đồng hành, hướng dẫn Bống nấu chè và chỉ dạy cho Bống những bước đi phù hợp. Bây giờ, khi đã thành công và có lượng khách ổn định, mẹ Bống vẫn luôn là người bên cạnh để theo dõi từng bước đi của con.

Bí kíp giúp con gái 10 tuổi thành “thần đồng kinh doanh” của bà mẹ trẻ - 1

Bống và mẹ sống với nhau như 2 người bạn.

Chị Thúy hiện đang công tác tại Công ty điện lực Tuyên Quang. Chồng chị cũng công tác cùng ngành nhưng làm việc tại Trung tâm chăm sóc khách hàng thuộc Tổng công ty Điện lực miền Bắc. Do tính chất công việc nên chồng chị đi công tác suốt, rất ít về nhà nên chỉ có 2 mẹ con đỡ đần nhau.

“Gia đình có 4 người thì chia làm 2 nơi. Bố với chị gái bé Bống ở dưới Hà Nội, mẹ và Bống ở Tuyên Quang. Do công việc của bố và mẹ đều bận bịu nên con tự lập từ nhỏ. Nhiều khi con còn giúp mẹ dọn dẹp nhà cửa, nấu cơm, giặt quần áo…”, chị Thúy nói.

Bí kíp giúp con gái 10 tuổi thành “thần đồng kinh doanh” của bà mẹ trẻ - 2

Trong công việc, Bống nhận được sự giúp sức rất đắc lực từ mẹ để có thành công như hôm nay.

Nói về bí kíp để giúp con tự lập sớm và không bị cám dỗ bởi đồng tiền từ khi còn quá nhỏ, chị Thúy cười: “Nói là bí kíp thì cũng là hơi quá. Mỗi khi đi làm về, 2 mẹ con lại trò chuyện với nhau như 2 người bạn để tạo cho con niềm vui. Làm gì 2 mẹ con cũng làm cùng nhau.

Trong lúc làm việc, tôi lồng ghép những phương pháp dạy con để không bị cứng nhắc. Ví dụ, 2 mẹ con cùng nấu cơm, tôi dạy con học các tính toán qua cách cắt cà chua, thế nào là ½, thế nào là ¼…”.

Chị Thúy chia sẻ thêm, do gia đình bố mẹ đều là công nhân viên chức, thu nhập ở mức vừa phải nên mức chi tiêu cũng cần phải hợp lý. Chính vì thế, bố mẹ muốn con cùng chia sẻ và có ý thức hơn trong việc tiết kiệm.

“Tôi dạy con, nếu không cố học thì sẽ phải đi học thêm; không giữ gìn đồ sẽ nhanh hư; tiết kiệm thì sẽ có tiền để mua sách, đồ dùng, quần áo… Điều ấy cứ ngấm dần qua thời gian và trong từng công việc nhỏ giữa 2 mẹ con, từ đó, con có ý thức trong việc tiết kiệm.

Nhiều người bảo, con còn nhỏ nên để con chơi nhưng với con mình làm việc cũng là chơi, con làm việc nhưng không nghĩ là làm việc. Con luôn luôn hào hứng và có kế hoạch”, mẹ Bống chia sẻ.

Ngoài việc dạy con ở nhà, chị Thúy còn cho con tham gia vào các chuyến thiện nguyện đến những vùng cao, vùng khó khăn. Tại đó, sẽ có những bạn nhỏ cùng trang lứa với Bống nhưng thiếu thốn về mọi mặt, từ đó, giúp Bống thấm thía được cuộc sống hiện tại mình đang có là quá tốt.

Khi những đồng tiền của con làm ra hữu ích, con sẽ có động lực làm ra tiền và luôn cố gắng tiết kiệm hơn nữa để giúp đỡ những người khó khăn.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Triệu Quang ([Tên nguồn])
Thời sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN