Bị đàn áp, biểu tình Hong Kong chia rẽ sâu sắc

Lãnh đạo sinh viên lên tiếng xin lỗi và thừa nhận không chuẩn bị kế hoạch biểu tình kỹ càng.

Ngày 1/12, sau khi bạo lực bùng phát dữ dội giữa cảnh sát Hong Kong và người biểu tình đòi dân chủ, một tòa án ở Hong Kong đã ra một lệnh chế tài đặc biệt có thể mở đường cho nhà chức trách giải tán các địa điểm biểu tình còn lại ở trung tâm Hong Kong.

Bị đàn áp, biểu tình Hong Kong chia rẽ sâu sắc - 1

Cảnh sát Hong Kong tiến vào giải tán một khu biểu tình

Theo lệnh chế tài của tòa án, người biểu tình sẽ không được phép tụ tập tại một số khu vực trung tâm như đường Connaught và Harcourt, mặc dù khu vực bên ngoài trụ sở chính quyền không nằm trong lệnh cấm này.

Lệnh chế tài cũng đề ra một số giới hạn, chẳng hạn như lực lượng cảnh sát buộc phải ra thông báo trước khi tiến tới khu trại của người biểu tình. Mặc dù vậy, nó cũng phản ánh một thực tế rằng chính quyền Hong Kong đang tìm cách quét sạch những dấu vết của phong trào biểu tình lớn nhất kể từ khi Hong Kong được trao trả lại cho Trung Quốc.

Bị đàn áp, biểu tình Hong Kong chia rẽ sâu sắc - 2

Đụng độ nổ ra giữa cảnh sát và người biểu tình

Phong trào biểu tình đòi dân chủ ở Hong Kong được lực lượng sinh viên phát động từ cách đây 2 tháng và vẫn tồn tại bất chấp những cuộc đàn áp và sức ép khủng khiếp từ cả chính quyền Hong Kong và chính phủ Bắc Kinh.

Tuy nhiên sau khi nỗ lực bao vây trụ sở chính quyền Hong Kong vào tối Chủ nhật vừa qua bị cảnh sát chống bạo động phá vỡ bằng dùi cui, vòi rồng và bình xịt hơi cay, giờ đây sự chia rẽ đã xuất hiện rõ ràng tại khu vực biểu tình Admiralty. Nhiều người biểu tình cho rằng các lãnh đạo sinh viên đã không đưa ra được một kế hoạch rõ ràng trước khi mở rộng khu vực biểu tình.

Bị đàn áp, biểu tình Hong Kong chia rẽ sâu sắc - 3

Một người biểu tình bị cảnh sát bắt giữ

Ít nhất 58 người, trong đó có 11 cảnh sát, đã bị thương trong các vụ đụng độ dữ dội tối Chủ nhật và sáng thứ Hai, trong khi khoảng 40 người biểu tình cũng đã bị bắt giữ.

Lãnh đạo sinh viên Alex Chow đã lên tiếng xin lỗi người biểu tình và thừa nhận rằng những người đứng đầu phong trào đáng lẽ phải chuẩn bị tốt hơn. Tuy nhiên anh này cũng cho rằng tình hình bạo lực và đổ máu là lỗi của cảnh sát, bởi người biểu tình vẫn giữ không khí hòa bình.

Bị đàn áp, biểu tình Hong Kong chia rẽ sâu sắc - 4

Người biểu tình nháo nhào tháo chạy khi cảnh sát tấn công

Hiện vẫn chưa rõ bước đi tiếp theo của các bên như thế nào, nhưng Chow và các lãnh đạo sinh viên khác tuyên bố họ sẽ tham vấn ý kiến của các chuyên gia trong phong trào đòi dân chủ để đưa ra kế hoạch hành động trong tương lai.

Trong khi đó, 3 người biểu tình khác, trong đó có thủ lĩnh sinh viên Joshua Wong tuyên bố rằng họ đã bắt đầu tuyệt thực cho đến khi chính quyền nối lại đàm phán với người biểu tình về các yêu sách của họ.

Bị đàn áp, biểu tình Hong Kong chia rẽ sâu sắc - 5

Người biểu tình ôm đầu trước cơn mưa dùi cui của cảnh sát

Hôm thứ Hai, trưởng đặc khu Hong Kong Lương Chấn Anh phát biểu trước báo giới rằng cảnh sát đến nay vẫn còn “nhẹ tay”, tuy nhiên họ sẽ “hành pháp không khoan nhượng” để chấm dứt biểu tình. Ông này cho rằng hành động của người biểu tình không chỉ trái pháp luật mà còn “vô vọng”.

Trong khi đó, Mỹ đã lên tiếng hối thúc các bên ở Hong Kong kiềm chế. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Jen Psaki tuyên bố: “Chúng tôi khuyến khích chính quyền Hong Kong và người biểu tình giải quyết những bất đồng một cách hòa bình thông qua đối thoại”.

Vào lúc cao điểm, phong trào biểu tình ở Hong Kong thu hút được hàng chục ngàn người đổ xuống đường mỗi ngày. Tuy nhiên trong thời gian gần đây, số lượng người biểu tình đã giảm xuống chỉ còn vài trăm, khi sự kiên nhẫn của người dân đối với những bất tiện do biểu tình gây ra ngày càng cạn kiệt.

Video cảnh sát Hong Kong tấn công, bắt giữ người biểu tình:

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Trí Dũng (WP) ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN