Bất an trên những con đường hiện đại

Kẹt xe, tai nạn giao thông đang diễn ra trên những tuyến đường được đánh giá là hiện đại nhất ở TPHCM.

Làn xe máy trên đường Phạm Văn Đồng (đoạn từ cầu Bình Lợi đến giao lộ Phan Văn Trị; quận Bình Thạnh, TP HCM) luôn ùn ứ vào giờ cao điểm. Đây là tuyến đường quan trọng, vừa được đưa vào sử dụng của TP với 12 làn xe nối sân bay Tân Sơn Nhất với Quốc lộ 1, Quốc lộ 1K.

Biển báo “đánh đố”

Ngày 5-6, mới 6 giờ 30 phút, trên đường Phạm Văn Đồng, hướng từ cầu Bình Lợi đến giao lộ Phan Văn Trị (quận Bình Thạnh), đã có hàng ngàn xe máy ùn ứ. Trong khi đó, làn đường dành cho ô tô chỉ có vài chiếc lưu thông. Thấy vậy, nhiều người đi xe máy tràn qua làn ô tô khiến giao thông ở đây trở nên hỗn loạn, giao lộ Phạm Văn Đồng - Nguyễn Xí bị ùn ứ nghiêm trọng.

Theo những người thường qua giao lộ này, kẹt xe là chuyện mỗi ngày ở đây, nhất là vào giờ cao điểm. Anh Cao Văn Sơn, ngụ quận Thủ Đức, cho biết: “Làn đường dành cho xe máy chỉ rộng khoảng 5 m nên giờ cao điểm thường xuyên xảy ra ùn ứ do lượng xe quá đông. Do sợ trễ giờ làm, nhiều người cho xe máy tràn qua làn ô tô, hết sức nguy hiểm”. Chị Nguyễn Thị Diễm Hằng, ngụ quận Bình Thạnh, bức xúc: “Tôi khá mệt mỏi vì kẹt xe mỗi khi qua khu vực này. Nhiều hôm, làn xe máy kẹt cứng, mất gần 15 phút mới thoát khỏi ùn tắc. Trong khi làn ô tô bên ngoài luôn thông thoáng, sao không mở thêm làn cho xe máy?”.

Bất an trên những con đường hiện đại - 1

Làn xe máy trên đường Phạm Văn Đồng đoạn từ cầu Bình Lợi đến giao lộ Phan Văn Trị (quận Bình Thạnh, TP HCM) luôn ùn ứ - Ảnh: Gia Minh

Đến 17 giờ, kẹt xe lại tái diễn trên trục đường này, ùn ứ nghiêm trọng tại vòng xoay Phan Văn Trị - Phạm Văn Đồng. CSGT phải tăng cường lực lượng điều tiết nhưng vẫn không cải thiện được tình hình do lượng xe dồn về quá lớn. Khoảng 200 m từ vòng xoay này vào đường Phan Văn Trị hướng đi quận Gò Vấp kẹt xe nghiêm trọng. Do mặt đường hẹp, lượng xe dồn quá lớn tạo thành nút thắt cổ chai làm cho hàng ngàn phương tiện “đứng hình”.

Theo những người ở khu vực này, ngoài việc phân làn đường chưa hợp lý, nguyên nhân ùn ứ giao thông còn do nhiều biển báo giao thông tại đây chưa hợp lý, gây rối cho người đi đường. Đoạn qua vòng xoay Phạm Văn Đồng - Hiệp Bình, Phạm Văn Đồng - Kha Vạn Cân (quận Thủ Đức), biển báo giao thông được lắp đặt quá cao, người đi đường khó thấy. Sau khi leo dốc từ đường Hiệp Bình lên đường Phạm Văn Đồng, người đi đường lúng túng do chưa kịp thấy biển báo hướng dẫn đã phải chuyển làn. Trong khi đó, đoạn gần cầu Gò Dưa (phường Linh Đông, quận Thủ Đức), do chưa thi công xong nên xe máy phải chuyển vào làn đường ô tô.

Theo chuyên gia giao thông - TS Phạm Sanh, việc lắp đặt các biển báo, phân làn trên đường Phạm Văn Đồng chưa thật sự hợp lý. Sở Giao thông Vận tải TP HCM nên nghiên cứu để đặt biển báo hợp lý hơn nhằm tránh gây hiểu nhầm, làm mất phương hướng của người đi đường, ảnh hưởng đến lưu thông.

Tai nạn rình rập

Tai nạn giao thông luôn rình rập tại nhánh rẽ ra đường Mai Chí Thọ (quận 2), thuộc đường dẫn cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây, do nơi đây có nhiều điểm bất hợp lý khi quy hoạch.

Sáng 4-6, tại khu vực này đã xảy ra một vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng. Lúc đó, bà Lê Thị Lan (44 tuổi, ngụ quận 2) chở con gái là Lê Thị Kim Phương (10 tuổi) bằng xe máy từ đường hẻm qua đường dẫn cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây bị xe container đổ dốc từ đường cao tốc tông trúng khiến bà chết tại chỗ, cháu Phương bị thương nặng.

Theo ghi nhận của phóng viên, phương tiện lưu thông trên đường cao tốc hướng từ Dầu Giây về TP HCM khi đi đến đoạn này phải rẽ phải để ra đường Mai Chí Thọ. Trong khi đó, xe máy lưu thông hướng từ đường Nguyễn Thị Định đi ngã ba Cát Lái hoặc vào trung tâm TP phải đi một đoạn tới gần đường cao tốc rồi rẽ trái trước dòng phương tiện trên đường cao tốc đang đổ dốc nên nguy cơ xảy ra tai nạn là rất cao.

Theo TS Phạm Sanh, trước khi có đường cao tốc, khu vực này đã là một điểm đen về tai nạn giao thông. Vì vậy, cơ quan chức năng cần nghiên cứu để xây dựng nút giao nhiều tầng ở đây để hạn chế tai nạn giao thông hoặc tách riêng đường dẫn lên đường cao tốc. “Nhiều quốc gia hạn chế đường cao tốc qua khu vực đông dân cư, trong khi ta làm ngược lại, nên nguy cơ xảy ra tai nạn là rất cao, thậm chí là tai nạn thảm khốc.

Chờ xử lý “điểm đen”

Ông Nguyễn Viết Tân, Giám đốc Công ty CP Dịch vụ Kỹ thuật đường cao tốc Việt Nam (đơn vị vận hành, quản lý tuyến đường cao tốc Long Thành - Dầu Giây - TP HCM), cho biết trước khi đưa vào thi công công trình này, đơn vị đã bàn bạc rất kỹ lưỡng về phân làn giao thông tại đường dẫn cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây ở quận 2 với Sở Giao thông Vận tải TP. Tuy nhiên, khi đưa vào khai thác, giao thông lại phát sinh phức tạp. Vì vậy, công ty đã bố trí nhiều lực lượng để phân luồng giao thông. Về lâu dài, sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan để tìm phương án xử lý “điểm đen” này.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thành Đồng - Gia Minh (Người lao động)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN