Bão số 7 đe dọa miền Trung

Thông tin từ các cơ quan chức năng cho biết dự báo vùng mưa do bão gây ra được xác định trọng tâm là từ Thừa Thiên - Huế đến Bình Định với lượng mưa 200-300mm, một số nơi trên 300mm, vùng lân cận mưa trên 100mm. Nhiều khả năng xảy ra lũ lớn trên các sông ở khu vực này.

Tại cuộc họp Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão trung ương chiều 5/10, ông Bùi Minh Tăng - giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn trung ương - cho biết bão số 7 tiếp tục di chuyển ổn định theo hướng giữa tây và tây tây nam với tốc độ xấp xỉ 15km/giờ. Sức gió khi tâm bão vào bờ còn cấp 8, cấp 9, giật cấp 10. Ngoài khu vực Quảng Ngãi, Bình Định và Phú Yên là nơi trọng tâm của bão, các tỉnh lân cận và bắc Tây nguyên có gió mạnh cấp 6, cấp 7, giật cấp 8.

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn trung ương, tối 5/10 bão số 7 cách bờ biển các tỉnh Quảng Ngãi - Phú Yên khoảng 580km về phía đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (62-74km/giờ), giật cấp 9/10. Dự báo khoảng 19g hôm nay (6/10), bão cách bờ biển các tỉnh Quảng Ngãi - Phú Yên khoảng 120km về phía đông.

Bão số 7 đe dọa miền Trung - 1

Sơ đồ đường đi của bão số 7 (Nguồn: TT Dự báo KTTV TƯ)

Phải cảnh giác mưa lớn

Tại cuộc họp trên, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải lưu ý các bộ ngành và địa phương phải hết sức cảnh giác đối phó với bão và mưa do bão gây ra. Mưa lớn vào đúng mùa lũ của miền Trung, trong khi nhiều hồ chứa đã tích đầy nước, phải đảm bảo an toàn cho hồ chứa.

Ngoài các biện pháp phòng chống, Phó thủ tướng đặc biệt lưu ý việc xả lũ các hồ chứa thủy điện, thủy lợi. Phó thủ tướng yêu cầu lãnh đạo các đơn vị quản lý hồ chứa phải trực thường xuyên, phối hợp với lãnh đạo địa phương xử lý kịp thời các sự cố, điều tiết việc xả lũ. Trước khi xả lũ phải kiểm tra vùng hạ du, nhất là những khu vực ven sông suối có người dân sinh sống. Phó thủ tướng còn yêu cầu các công tác phòng chống bão, sơ tán dân phải hoàn thành trước 14g ngày 6/10. Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải nhấn mạnh: các bộ ngành liên quan yêu cầu ngư dân rời tàu lên bờ và can thiệp để các ngư dân đánh cá ở ngư trường Hoàng Sa được lên bờ tránh bão.

Đối với đập thủy điện Sông Tranh 2, Phó thủ tướng cho biết phải tập trung theo dõi động đất kích thích khi lũ về, đảm bảo an toàn cho đập và hồ chứa. Phó thủ tướng cũng yêu cầu tăng cường kiểm tra, rà soát các công trình, tiêu chuẩn xây dựng được áp dụng cho công trình trong khu vực để có biện pháp đối phó.

Theo đại diện Bộ Công thương, thủy điện Sông Tranh 2 đang vận hành hết công suất để giảm mực nước trong hồ chứa. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, trưởng Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão trung ương Cao Đức Phát đề nghị Bộ Công thương phối hợp địa phương có phương án đảm bảo an toàn cho khu vực có thủy điện Sông Tranh 2.

Văn phòng Ủy ban quốc gia Tìm kiếm cứu nạn cho biết ngày 5/10, Bộ tư lệnh Quân khu 5 đã thành lập sở chỉ huy tiền phương tại tỉnh Bình Định, đồng thời huy động hàng ngàn phương tiện, kể cả máy bay, để sẵn sàng đối phó với bão.

Bão số 7 đe dọa miền Trung - 2

Thuyền viên tàu BĐ-96625 thả neo neo thuyền ở cảng cá Quy Nhơn để tránh bão -Ảnh: TRƯỜNG ĐĂNG

Các tỉnh khẩn trương ứng phó với bão

Những ngày qua, Bình Định đang rất khẩn trương triển khai các biện pháp ứng phó với bão số 7. Đến chiều 5/10, các địa phương ven biển của tỉnh Bình Định đã cơ bản hoàn thành công tác kêu gọi tàu thuyền vào nơi trú ẩn an toàn. Tại khu neo đậu cho tàu thuyền tránh trú bão Tam Quan Bắc (huyện Hoài Nhơn), có hơn 1.200 tàu thuyền vào neo đậu.

Qua kiểm tra công tác chuẩn bị ứng phó với bão số 7 tại TP Quy Nhơn, thị xã An Nhơn và các huyện Phù Cát, Phù Mỹ trong ngày 5/10, ông Nguyễn Văn Thiện - bí thư Tỉnh ủy Bình Định - đã chỉ đạo các địa phương dừng ngay mọi cuộc họp, lãnh đạo từ tỉnh đến các xã, phường, thị trấn phải trực và làm việc trong hai ngày thứ bảy và chủ nhật. Các lực lượng vũ trang của tỉnh, của quân khu của Bộ Quốc phòng đứng chân trên địa bàn tỉnh Bình Định triển khai ngay phương án phòng chống lụt bão và có kế hoạch cụ thể để di chuyển người dân và tài sản đến nơi an toàn.

Bí thư Tỉnh ủy Bình Định cũng yêu cầu Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn của tỉnh triển khai phương án thành lập trạm tiền phương tại huyện Phù Mỹ - địa phương được dự báo là tâm điểm của cơn bão số 7.

Hôm qua, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi Võ Văn Thưởng cùng lãnh đạo tỉnh đã trực tiếp đi kiểm tra, chỉ đạo công tác phòng chống bão ở các xã ven biển. Báo cáo với bí thư Tỉnh ủy, lãnh đạo các huyện cũng như các xã ven biển đều khẳng định mọi phương án di dời đã được chuẩn bị sẵn sàng, khi có lệnh các địa phương sẽ huy động lực lượng giúp dân di dời đến nơi an toàn.

Theo Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn Quảng Ngãi, tỉnh còn 617 tàu với trên 6.000 lao động đang hành nghề trên biển. Trong đó vùng biển quần đảo Hoàng Sa là 6 tàu với 87 lao động, vùng biển Trường Sa có 104 tàu với 2.255 lao động.

Ông Ngô Duy Mười, chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy biên phòng Quảng Ngãi, cho biết hiện phần lớn các tàu của Quảng Ngãi đã nhận được liên lạc và tìm nơi tránh trú bão an toàn. UBND huyện đảo Lý Sơn cho biết có sáu tàu đang hoạt động tại ngư trường Hoàng Sa đã được hướng dẫn tránh trú bão (4 tàu ở đảo Phú Lâm, 1 tàu ở đảo Lin Côn, 1 tàu ở đảo Đá Lồi). Từ đảo Lý Sơn đến cửa biển neo trú tàu thuyền Sa Kỳ, Nghĩa An, Nghĩa Phú, Đức Phổ... các tàu vào tránh trú bão dày đặc.

Tại Phú Yên, chiều qua huyện Đồng Xuân (nơi có nhiều khu dân cư ở vùng thấp) đã di dời dân các thôn Tân Long, Tân Hòa (xã Xuân Sơn Nam) và xóm Giữa (thị trấn La Hai) đến nơi an toàn. Huyện còn bố trí lực lượng canh gác ở các nơi nước thường dâng cao, chảy xiết như suối Tía, suối Trầu (xã Xuân Phước), cầu Cây Sung (xã Xuân Sơn Bắc); chuẩn bị hai canô và 20 chiến sĩ túc trực thường xuyên tại cầu Cây Cam và Ngân Sơn là hai điểm ngập xung yếu.

Hiện Phú Yên còn 225 tàu đang đánh cá trên biển, các tàu này đều có liên lạc với đất liền và được hướng dẫn phòng tránh bão. Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh đã yêu cầu Sở Công thương giám sát xả lũ của các nhà máy thủy điện Sông Ba Hạ, Sông Hinh, Krông H’Năng.

TP.HCM: Mưa lớn ngập đường, tàu hỏa chờ nước rút

Cơn mưa lớn chiều 5/10 khiến hàng loạt tuyến đường trên địa bàn TP.HCM ngập trong nước, tàu hỏa mang số hiệu SE7 chạy tuyến Hà Nội - Sài Gòn phải dừng lại ở ga Bình Triệu (Q.Thủ Đức) hơn một giờ để chờ nước rút.

Mưa lớn cũng khiến đoạn đường dưới chân cầu vượt Nguyễn Hữu Cảnh (P.22, Q.Bình Thạnh) nước ngập dài khoảng 10m, sâu khoảng nửa mét, làm nhiều phương tiện giao thông chết máy. Tại quốc lộ 13 cũ (đoạn ở khu phố 3, P.Hiệp Bình Phước, Q.Thủ Đức), mưa lớn khiến con đường này ngập chìm trong nước, có đoạn sâu khoảng nửa mét. Đường Hồ Học Lãm, đại lộ Võ Văn Kiệt (P.An Lạc, Q.Bình Tân), quốc lộ 1 (P.Bình Trị Đông B, Q.Bình Tân)... cũng ngập nửa bánh xe, giao thông bị ùn ứ.

Nhiều ngày qua, người dân ở đường Mai Hắc Đế (khu phố 8, P.15, Q.8) phải chịu cảnh thường xuyên bị ngập, nước bốc mùi hôi thối. Nước ngập liên tục tạo điều kiện cho ruồi muỗi sinh sôi. Ông Lê Minh Thông - phó chủ tịch UBND P.15, Q.8 - cho biết hiện khu vực này không có cống thoát nước, nước sinh hoạt của các hộ dân đều chảy ra bãi đất trũng phía sau.

Đ.Phú- Q.Duy - H.Khoa

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo (Theo Tuổi trẻ)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN