Bán xác cha được bao nhiêu…?

Sự kiện: Tin nóng

Lần đầu tiên khi hàng xóm vây quanh và hỏi như thế, ông Lê Văn Toàn (51 tuổi, ngụ Tiền Giang) bảo, trái tim ông như chết nghẹn vài giây: “Người đời không hiểu, mình cố giải thích, họ vẫn xì xầm, bàn tán chán chê, rồi lại thôi…”.

Bán xác cha được bao nhiêu…? - 1

Một phụ nữ bật khóc khi tham dự lễ tri ân người thân mình

“Tất cả họ, không phân biệt già hay trẻ, giàu nghèo… Đến với chúng tôi, họ đều có cùng suy nghĩ, trăn trở, muốn gửi gắm, trao tặng những gì có thể cho sự nghiệp đào tạo y khoa. Họ coi di hài của mình như món quà dành tặng cho cuộc sống. Họ xứng đáng là những người thầy im lặng, những đóa hoa bất tử đối với chúng tôi…”. TS Nguyễn Hoàng Vũ, trưởng bộ môn Giải phẫu học, ĐH Y Dược TPHCM đã trân quý và kính trọng khi nói về những người tình nguyện hiến thi hài cho Y học tại buổi lễ Macchabée diễn ra vào chiều 16/1.

“Bán xác cha được bao nhiêu…?”

Lần đầu tiên khi hàng xóm vây quanh và hỏi như thế, ông Lê Văn Toàn (51 tuổi, ngụ Tiền Giang) bảo, trái tim ông như chết nghẹn vài giây: “Người đời không hiểu, mình cố giải thích, họ vẫn xì xầm, bàn tán chán chê, rồi lại thôi…”.

“Thầy trò ngành Y chúng tôi luôn kính trọng thi hài người tình nguyện, tôn vinh họ là những “người thầy im lặng”, những “đóa hoa bất tử”. Đây là những tấm gương rất gần, rất thực, là bài học đầu tiên và vô giá về giáo dục Y Đức cho sinh viên”.

TS Nguyễn Hoàng Vũ

Trầm ngâm ngồi trong đại giảng đường ĐH Y Dược TPHCM vào buổi chiều tháng Giêng tham dự lễ tri ân người thân của mình, ông Toàn cho biết cha ông- ông Lê Văn Ân mất năm 2014- gần 20 năm sau khi cụ ông quyết định đăng kí hiến tặng thi hài cho y học.

Trải qua 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, chứng kiến nhiều mất mát, hy sinh của đồng đội, đau đáu về ranh giới mong manh giữa còn-mất ở đời,  đó là lí do mà ông Ân tự nguyện đăng kí hiến thi hài của mình. “Ba tôi thường bảo, chết thì trở thành cát bụi, chết là hết, dành tặng được gì cho người sống thì nhất định phải làm”, ông Toàn nói về di nguyện của cha mình.

Thi hài người hiến tặng chính là phương tiện thực hành quý báu cho sinh viên y học

Thấu hiểu ý nguyện cao cả của ba, không ai bảo ai, 14 người con, cả trai, gái đều răm rắp nghe theo lời ba dạy. Ngày ông Ân mất, anh Toàn cho biết chính mình là người gọi điện thoại đến trường ĐH Y Dược TPHCM báo tin, rồi cả gia đình cùng nhau thực hiện ý nguyện cuối cùng của ông, mặc hàng xóm xì xầm bàn tán. “Có người còn chặn đường hỏi chúng tôi bán xác cha được bao nhiêu tiền..?”, ông Toàn kể lại.

Bật khóc nức nở khi đứng trên bục phát biểu, chị Phan Thị Thùy Dung cho biết, trên chuyến xe từ quê lên TPHCM tham dự buổi lễ này, chị phần nào cảm nhận được không khí của Tết. “Thế nhưng, năm nay là năm đầu tiên chị em tôi đón tết mà không có ba bên cạnh. Tôi hiểu rằng tất cả người thân đang đứng đây, ngay giờ phút này cũng có cùng nỗi đau như chúng tôi. Đau nhưng tự hào bởi, người thân chúng ta đang nằm đây đều đã hoàn thành ước nguyện cao cả là hiến thân mình cho y học”, chị Dung nói.

Bán xác cha được bao nhiêu…? - 2

Thi hài người hiến tặng chính là phương tiện thực hành quý báu cho sinh viên y học

Người phụ nữ ấy cho biết mình đã từng đứng đây với vai trò là người thân của bà nội, giờ là  người thân của ba và chú để tham dự buổi lễ tri ân này. Trong suốt 5 tháng chống chọi với căn bệnh ung thư, ông Phan Minh Đức (ba chị Dung)  dù không uống được một ngụm nước, một muỗng cháo nào, nhưng không hề lo lắng cho sức khỏe mà luôn đau đáu về di nguyện được hiến xác cho y học của mình.

“Trong một tuần dài đằng đẵng chờ kết quả xét nghiệm, ông đã đến ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch để xin hiến xác vì ông sợ ĐH Y Dược TPHCM đủ thi hài rồi không nhận nữa. Ngày không muốn cuối cùng rồi cũng đến. Chị em chúng tôi đau điếng khi đưa thi hài ba lên xe đến trường để thực hiện di nguyện cuối. Hai ngày sau đó, chúng tôi lại tiếp tục đưa thi hài của chú mình đến trường sau một cơn đột quỵ. Trong vòng 5 ngày, chúng tôi mất đi người cha, người chú, các con tôi đã mất đi 2 người ông đáng kính của mình. Họ đang nằm ở đây, cùng với những con người cao cả khác, thực hiện những điều ý nghĩa - trở thành những người thầy thầm lặng, đem thân mình làm quà tặng cho cuộc sống này”, chị Dung xúc động cho biết.

Bài học vô giá về y đức

Theo TS Nguyễn Hoàng Vũ, Trưởng bộ môn Giải phẫu học, ĐH Y Dược TPHCM, nếu không có cơ thể thực thì không nghiên cứu được. Người ta có thể dùng hợp chất để tạo ra các mô hình, dùng công nghệ hình  ảnh giải phẫu để miêu tả được cấu tạo của cơ thể, nhưng không thể nào tạo ra được một thi thể giả. Nói cách khác, sinh viên được học, được nhìn, được sờ, được mổ trên chính thi thể thật là một bài học quý giá, khắc sâu và chân thật nhất mà không mô hình hay bài giảng nào có thể thay thế được.

Trong năm 2018, theo TS Vũ, bộ môn Giải phẫu ĐH Y Dược đã tiếp nhận 835 người đến làm hồ sơ hiến tặng thi hài. Tính đến nay có tổng cộng 28.960 người làm hồ sơ hiến thi hài. Cũng trong năm 2018, bộ môn tiếp nhận 21 thi hài, nâng tổng số thi hài đã tiếp nhận từ trước đến nay là 781. Hiện tại, trường có tổng cộng 128 thi hài. Với những thi hài đã sử dụng để giảng dạy và nghiên cứu, TS Vũ cho biết hằng năm vào khoảng tháng 7, bộ môn sẽ tiến hành hỏa táng và hoàn trả tro cốt, tiễn đưa linh hồn của người tình nguyện về chốn vĩnh hằng.

Những năm qua,  phong trào tình nguyện hiến tặng thi hài đã được rất nhiều tầng lớp tại các tỉnh phía Nam hưởng ứng. Tuy nhiên, phát biểu tại buổi lễ, TS Vũ trăn trở: “Công tác tiếp nhận thi hài hiến tặng  ở nhiều nơi, đặc biệt là các tỉnh phía Bắc chưa được hưởng ứng rộng rãi. Một số trường đại học Y Dược rất thiếu xác để giảng dạy, nghiên cứu, nhất là các trường ở phía Bắc như Y Hà Nội, Hải Phòng, Thái Bình, Đà Nẵng,…. Chúng tôi đang gặp khó khăn để chia sẻ với đồng nghiệp”.

Nói về lịch sử của buổi lễ Macchabée (một buổi lễ có nguồn gốc từ phương Tây, nhằm tri ân những người đã hiến xác cho y học), TS Vũ cho biết vào năm 1990, Giáo sư Nguyễn Quang Quyền, chủ nhiệm bộ môn Giải phẫu của trường ĐH Y Dược TPHCM quyết định khôi phục lễ hội Macchabée đã bị gián đoạn trước đó nhiều năm nhằm tri ân những người đã hiến thi hài cho sự nghiệp giáo dục và đào tạo Y khoa. Nghi lễ tạ ơn này góp phần giáo dục y đức cho sinh viên, được dư luận và các phương tiện truyền thông chú ý. Từ đó, phong trào hiến xác cho Y học được phổ biến và ủng hộ rộng rãi.

Chỉ ít người hiến tạng lúc còn sống mới phải chi 17 triệu đồng

Đối tượng hiến mô tạng khi còn sống chủ yếu là cho người cùng huyết thống và gia đình tự sắp xếp chi phí để xét...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Yến Nhi ([Tên nguồn])
Tin nóng Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN