Băn khoăn về tính khách quan tiền công đức tại Yên Tử

Sự kiện: Thời sự

So sánh với số thu tiền công đức của một số di tích trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh năm 2022, Bộ Tài chính băn khoăn về tính khách quan của số thu tại Khu di tích lịch sử và danh thắng cảnh Yên Tử

Bộ Tài chính vừa có báo cáo gửi Thủ tướng Phạm Minh Chính và Phó Thủ tướng Lê Minh Khái về kết quả thực hiện thí điểm kiểm tra việc quản lý tiền công đức tại các di tích lịch sử - văn hóa, đình chùa trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh năm 2022 và 4 tháng đầu năm 2023.

Đoàn kiểm tra của Bộ Tài chính không kiểm tra năm 2020 và 2021 do thời điểm này các di tích phải đóng cửa do dịch COVID-19.

Người dân lễ bái tại chùa Đồng (Khu di tích lịch sử và danh thắng cảnh Yên Tử) dịp đầu năm 2023. Ảnh: Hữu Hưng

Người dân lễ bái tại chùa Đồng (Khu di tích lịch sử và danh thắng cảnh Yên Tử) dịp đầu năm 2023. Ảnh: Hữu Hưng

Báo cáo của Bộ Tài chính nêu rõ một số hạn chế, tồn tại. Cụ thể, tại các di tích về cơ bản đều có bàn ghi công đức, đặt hòm công đức ở vị trí phù hợp, tuy nhiên tình trạng du khách đặt tiền trên các ban thờ, trên mâm lễ ở di tích nào cũng có. Tại một số di tích vẫn còn tình trạng rải, rắc, gài tiền lẻ ở gốc cây, tay tượng, giá chuông, khe cửa sổ, mái chùa, giếng nước… gây phản cảm, làm ảnh hưởng đến những giá trị tốt đẹp của tín ngưỡng, tôn giáo.

Trong 5 khu di tích quốc gia đặc biệt trên địa bàn tỉnh, khu di tích lịch sử và danh thắng cảnh Yên Tử là điểm du lịch sinh thái tâm linh nổi tiếng, mỗi năm đón trên 2 triệu lượt du khách. Đoàn kiểm tra nhận thấy, công tác giám sát tiếp nhận, kiểm đếm tiền trong hòm công đức tuy có sự phối hợp của nhiều bên liên quan nhưng với số thu tiền công đức năm 2022 là 3,7 tỉ đồng, chỉ tương đương số thu tại Khu di tích lịch sử Bạch Đằng (3,3 tỉ đồng), thấp hơn so với số thu tại đền Thánh Mẫu, di tích cấp tỉnh ở phường Trà Cổ, Móng Cái (5,8 tỉ đồng) và chưa bằng 1/5 số thu tại đền Cửa Ông (20,1 tỉ đồng).

"Nhìn số liệu so sánh nêu trên không tránh khỏi những băn khoăn về tính khách quan trong việc tiếp nhận, kiểm đếm tiền công đức tại Khu di tích lịch sử và danh thắng cảnh Yên Tử"- báo cáo của Bộ Tài chính nêu rõ.

Tại các di tích có nhà sư trụ trì, theo Bộ Tài chính, đa số di tích có báo cáo thu, chi nhưng chỉ là khoản tiền trong hòm công đức. Thực tế có một số khoản công đức khác dưới hình thức đặt lễ, chuyển khoản không được phản ánh trong báo cáo gửi cho Đoàn kiểm tra; theo đánh giá của du khách thì các khoản này thường cao hơn so với bỏ trong hòm công đức.

Cụ thể, tại khu di tích lịch sử và danh thắng cảnh Yên Tử, theo số liệu do Ban quản lý Di tích và Rừng quốc gia Yên Tử cung cấp, từ năm 2007 đến tháng 4-2023, tổng thu tiền trong hòm công đức là 287 tỉ đồng, tổng chi khoảng 638 tỉ đồng. Bộ Tài chính cho rằng, số thu tiền công đức thực tế cao hơn số thu nêu trong báo cáo gửi cho Đoàn kiểm tra khoảng 351 tỉ đồng (cao hơn 2,2 lần).

Từ kết quả kiểm tra, Bộ Tài chính đề nghị tỉnh Quảng Ninh quan tâm chỉ đạo triển khai thực hiện Thông tư số 04/2023/TT-BTC ngày 19-1-2023 của Bộ Tài chính hướng dẫn quản lý, thu chi tài chính cho công tác tổ chức lễ hội và tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội.

Theo Bộ Tài chính, Thông tư số 04/2023/TT-BTC là văn bản pháp luật đầu tiên điều chỉnh về việc quản lý, thu chi tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội; trong đó quy định cụ thể các hình thức tiếp nhận, quản lý và sử dụng tiền công đức, tài trợ trên cơ sở tôn trọng và bảo hộ cơ sở tín ngưỡng, cơ sở tôn giáo và tài sản hợp pháp của cơ sở tín ngưỡng, tổ chức tôn giáo.

"Những quy định về mở tài khoản, mở sổ sách ghi chép các khoản thu, chi để bảo đảm việc quản lý an toàn, minh bạch, tạo niềm tin cũng như phát huy hiệu quả và đem lại lợi ích chung cho cộng đồng, là nguyên tắc cơ bản trong việc quản lý tiền công đức, tài trợ"- Bộ Tài chính nêu rõ.

Theo Bộ Tài chính, khu di tích lịch sử và danh thắng Yên Tử là quần thể di tích, bao gồm 10 chùa Phật giáo. Trong đó, Ban quản lý Di tích và Rừng quốc gia Yên Tử là đơn vị sự nghiệp công lập được giao quản lý nhà nước nói chung đối với Khu di tích; Ban quản lý Dự án tôn tạo Yên Tử trực thuộc Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh Quảng Ninh (là pháp nhân phi thương mại, có tài khoản riêng, con dấu, bộ máy kế toán, thủ quỹ) quản lý 10 chùa Phật giáo.

Chủ tịch UBND TP Uông Bí thành lập Hội đồng giám sát việc ghi thu công đức tại các chùa gồm đại diện: Ban quản lý Di tích và Rừng quốc gia Yên Tử, Công an, Phòng Tài chính - Kế hoạch TP Uông Bí và Ban quản lý Dự án tôn tạo Yên Tử. Tiền trong hòm công đức sau khi kiểm đếm được phân bổ như sau: Trích để lại 4% cho Ban quản lý Di tích và Rừng quốc gia Yên Tử để bổ sung kinh phí phục vụ công tác quản lý; còn lại 96% do Ban quản lý Dự án tôn tạo Yên Tử quản lý.

Nguồn: [Link nguồn]

Bộ Tài chính: Chùa Ba Vàng không báo cáo thu chi tiền công đức

Kết quả kiểm tra của Bộ Tài chính cho thấy chùa Ba Vàng (ở TP Uông Bí, Quảng Ninh) không báo cáo thu chi tiền công đức, dù được đánh giá là "có số thu công đức tốt".

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Minh Chiến ([Tên nguồn])
Thời sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN