Bà Nguyệt Hường bị bác tư cách ĐBQH vì nhập quốc tịch Malta

Tổng thư ký QH Nguyễn Hạnh Phúc cho biết bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường bị bác tư cách đại biểu QH vì vi phạm Luật Quốc tịch do nhập quốc tịch CH Malta.

Bà Nguyệt Hường bị bác tư cách ĐBQH vì nhập quốc tịch Malta - 1

Bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường phát biểu tại một phiên họp của QH khoá XIII

Tối 17-7, trả lời Báo Người Lao Động, Tổng Thư ký QH Nguyễn Hạnh Phúc, Chánh Văn phòng Hội đồng bầu cử Quốc gia (HĐBCQG), cho biết: “BàNguyễn Thị Nguyệt Hường được biểu quyết không xác nhận tư cách đại biểu QH (ĐBQH) khoá XIV vì vi phạm Luật Quốc tịch Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Cụ thể, luật quy định công dân Việt Nam có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam. Trong khi bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường đã nhập quốc tịch Cộng hòa Malta. Việc nhập quốc tịch Malta cũng không được bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường kê khai trong hồ sơ ứng cử. Việc mang 2 quốc tịch đối với trường hợp bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường là sai quy định pháp luật”.

Theo ông Nguyễn Hạnh Phúc, việc bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường nhập quốc tịch Malta được cơ quan chức năng mới phát hiện nên HĐBCQG đã họp khẩn cấp để ra nghị quyết. Bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường đã xác nhận điều này và có đơn xin rút việc tham gia QH khoá XIV.

CH Malta là một đảo quốc nhỏ gồm 7 hòn đảo giữa Địa Trung Hải, cách đảo Sicilia của Ý khoảng 93 km về phía nam, cách Tunisia 288 km về phía bắc, vịnh Gibralta 1826 km về phía đông và Alexandria 1.510 km về phía tây. Ngôn ngữ chính thức là tiếng Malta và tiếng Anh. Chỉ rộng 300 km2, Malta là một trong những quốc gia nhỏ và có mật độ dân số cao bậc nhất thế giới.

Malta là một điểm du lịch quốc tế với nhiều khu giải trí và di tích lịch sử, bao gồm 9 di sản thế giới được UNESCO công nhận mà nổi bật nhất là các đền Megalithic là kiến trúc đứng riêng lẻ cổ nhất thế giới.

Chiều cùng ngày 17-6, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân, Chủ tịch HĐBCQG, đã chủ trì họp đột xuất phiên thứ tám của HĐBCQ.

Bà Nguyệt Hường bị bác tư cách ĐBQH vì nhập quốc tịch Malta - 2

Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân (giữa), Chủ tịch HĐBCQG, chủ trì họp đột xuất phiên thứ tám của HĐBCQ

Theo thông cáo phiên họp của Văn phòng (VP) QH, với tinh thần nghiêm túc, trách nhiệm, HĐBCQG đã thận trọng xem xét, xác nhận tư cách ĐBQH khóa XIV. Tại phiên họp này, HĐBCQG đã tiến hành biểu quyết bằng hình thức bỏ phiếu kín để xác nhận tư cách người trúng cử ĐBQH khóa XIV đối 494 đại biểu.

Đặc biệt, HĐBCQG cũng tiến hành bỏ phiếu kín không xác nhận tư cách ĐBQH khóa XIV đối với bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường, ĐBQH khóa XIII. Kết quả kiểm phiếu có 100% các thành viên trong HĐBCQG có mặt tại phiên họp nhất trí xác nhận tư cách ĐBQH khóa XIV đối với 494 đại biểu. "100% các thành viên HĐBCQG bỏ phiếu không xác nhận tư cách ĐBQH hội khóa XIV đối với bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường vì không đủ tiêu chuẩn ĐBQH khóa XIV và cá nhân có đơn xin rút không tham gia ĐBQH khóa XIV" - thông cáo của VPQH nêu rõ.

Bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường, sinh năm 1970, là một doanh nhân. Bà là Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Tập đoàn đầu tư phát triển VN (VID group); Uỷ viên Đoàn Chủ tịch Trung ương Hội Doanh nghiệp trẻ Việt Nam; Phó Chủ tịch Hiệp hội Công thương TP Hà Nội. Bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường là ĐBQH khoá XII, XIII và Ủy viên Ủy ban Kinh tế của QH khóa XIII.

Trước đó, ngày 15-7, 100% số thành viên của HĐBCQG có mặt tại họp phiên thứ 7 đã biểu quyết không xác nhận tư cách ĐBQH của ông Trịnh Xuân Thanh. Lý do của việc bác tư cách ĐBQH đối với ông Trịnh Xuân Thanh là bị cơ quan chức năng tiến hành quy trình xem xét, xử lý dấu hiệu vi phạm, khuyết điểm.

Như vậy, tại cuộc bầu cử diễn ra ngày 22-5-2016 có 496 đại biểu trúng cử QH, tuy nhiên do ông Trịnh Xuân Thanh và bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường không đủ tư cách ĐB nên QH khoá XIV sẽ còn 494 đại biểu, thiếu 6 người so với dự kiến ban đầu.

Dự kiến, hôm nay (18-7), HĐBCQG sẽ họp phiên cuối cùng hoàn tất báo cáo công tác bầu cử chuẩn bị cho kỳ họp thứ nhất, QH khoá XIV dự kiến khai mạc ngày 20-7.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo B.Trân (Người lao động)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN