Ám ảnh chuyện người sống ở chung với người chết
Hơn một thập niên qua, hàng trăm hộ dân tại thôn Yên Phú (xã Yên Ninh, huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên) phải sống trong tình trạng không có nghĩa trang. Mỗi khi có người qua đời, người thân buộc lòng phải chôn ngay sát nhà mình. Điều này khiến cho người dân nơi đây vô cùng bức xúc, nguồn nước sinh hoạt bị ô nhiễm.
Việc an táng người chết xung quanh nhà khiến nguồn nước sinh hoạt của người dân không được đảm bảo. Ảnh: X.T
Chôn xác cạnh nhà, ăn nước giếng khoan
Trong tâm trạng lo lắng, cụ Lâm Mạnh Nùng (74 tuổi, trú tại thôn Yên Phú) cho biết: Thực hiện phong trào di dân xây dựng vùng kinh tế mới, từ năm 1976, rất nhiều người dân các nơi đã đến vùng đất này để khai hoang, lập nghiệp. Khi đó, chính quyền địa phương đã dành một khu đất rộng vài ngàn mét vuông để làm nơi chôn cất những người qua đời. Việc đó vẫn được duy trì trong suốt một thời gian dài, cho tới đầu những năm 2000, bỗng dưng một số hộ dân vào khu đất dành cho người chết kia lấn chiếm để trồng hoa màu. Thậm chí, một trong những số hộ dân đó không biết bằng cách nào còn có sổ đỏ.
Một khu đất của tập thể, dành cho tín ngưỡng, tâm linh bỗng chốc trở thành “sở hữu” của một vài hộ gia đình. Không chấp nhận thực trạng trên, các hộ dân sinh sống tại thôn Yên Phú mỗi khi có người mất vẫn mang ra khu đất trên an táng, nhưng đều vấp phải sự ngăn cản đến từ những gia đình vào đây canh tác hoa màu.
Bà Trần Thị Xuân (64 tuổi, người địa phương) cho biết thêm: Quá bức xúc trước thực trạng trên, người dân thôn Yên Phú đã nhiều lần phản ánh tới chính quyền sở tại nhưng vấn đề vẫn không được giải quyết. Bất lực, các hộ gia đình trong thôn mỗi khi có người mất buộc lòng phải chôn ngay sát nhà. Điều này đã ảnh hưởng không nhỏ tới chất lượng cuộc sống của người dân.
Bà Xuân cho biết thêm, hiện tại, hầu như 100% các hộ dân tại thôn Yên Phú phải sử dụng giếng nước khoan. Việc chôn cất người chết ngay sát nhà, khiến cho nguồn nước sinh hoạt của các gia đình bị ô nhiễm. Dẫu ý thức được sự nguy hại đó, nhưng người dân vẫn phải nhắm mắt dùng liều. Được bà Xuân dẫn đi thực tế, đập vào mắt chúng tôi lànhững ngôi mộ dài được an táng sát gần nhà bà Xuân, cách giếng nước khoan chưa đầy 20m.
Đôi mắt hiện rõ sự lo lắng, cụ Nguyễn Văn Năm (84 tuổi, người địa phương) thở dài, xót xa: “Chẳng biết cái tình trạng người sống, sống chung với người chết ở nơi đây bao giờ mới chấm dứt. Người dân địa phương nơi đây đang hàng ngày, hàng giờ mong muốn có một cái nghĩa trang để được chôn cất cho đàng hoàng”.
Dân chờ nghĩa trang đến bao giờ?
Cụ già ở thôn Yên Phú lo lắng về tình trạng ô nhiễm.
Trao đổi với PV, ông Đào Văn Đô - Trưởng thôn Yên Phú cho biết: Tình trạng trên đã tồn tại hơn chục năm qua, khiến cho người dân nơi đây khá bức xúc. Trong các cuộc họp và những lần tiếp xúc cử tri, lãnh đạo thôn cũng như người dân địa phương đã rất nhiều lần phản ánh về vấn đề trên, nhưng cho tới nay thực trang trên vẫn còn tồn tại.
Chiều 2/12, trao đổi với PV, ông Lâm Văn Tùng, Chủ tịch UBND xã Yên Ninh thừa nhận, thôn Yên Phú nhiều năm qua chưa có nghĩa trang tập trung. Các gia đình trong thôn mỗi khi có người chết đều mang chôn tự phát xung quanh nhà. Điều này ít nhiều làm ảnh hưởng tới môi trường sống, đặc biệt là nguồn nước sinh hoạt.
Nói về mảnh đất gần 1ha trước đây được người dân thôn Yên Phú dùng để chôn cất người chết, ông Tùng cho biết: Đúng là trước đây, khi dân cư thôn Yên Phú còn thưa thớt, người dân đã chọn mảnh đất đó làm nơi an táng người chết. Còn hiện nay, dân cư mỗi ngày một đông thì mảnh đất trên không còn phù hợp để làm nơi an táng, bởi nó không đảm bảo về vấn đề môi trường theo tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Mặt khác, mảnh đất gần 1ha đó, chính quyền chưa bao giờ có quyết định cấp cho dân làm nơi an táng người chết cả.
Lý giải về việc có một vài hộ dân bỗng dưng vào khu đất vốn trước nay dành để chôn cất người chết tại thôn Yên Phú lấn chiếm đất, canh tác hoa màu và ngăn cản việc an táng của người dân, ông Tùng nói: “Đấy là kết quả của quá khứ để lại”.
Điều khiến chúng tôi băn khoăn là, trong hơn chục năm qua, các cơ quan có thẩm quyền của huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên ở đâu, khi để cho người dân thôn Yên Phú (xã Yên Ninh) không có nổi một cái nghĩa trang để an táng người đã mất. Để rồi những tiếng kêu cứu của người dân đều rơi vào hư không. Để rồi giờ đây, hàng ngày, hàng giờ người dân thôn Yên Phú vẫn phải sống trong sự bất an vì môi trường sống bị ảnh hưởng.
PV đặt câu hỏi: “Tại sao suốt nhiều năm qua, thôn Yên Phú vẫn không có nghĩa trang tập trung để người dân chôn cất?”. Ông Tùng trả lời rằng: “Giờ chính quyền địa phương chỉ biết phản ánh lên cấp trên chứ không biết phải xử lý như thế nào. Theo đề án xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2015-2020 thì xã Yên Ninh sẽ có nghĩa trang tập trung”.