70 năm Chiến thắng phát xít: Không ai bị lãng quên

Hôm nay (7.5), Chủ tịch nước Trương Tấn Sang bắt đầu chuyến thăm Nga, tham dự lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng phát xít. Còn tại Liên bang Nga, không khí kỷ niệm đang lan tỏa khắp nơi, góp phần làm nên một dấu ấn mạnh mẽ và trở thành thông điệp về hòa bình cho mọi người dân Nga và những người yêu chuộng hòa bình trên toàn thế giới.

Tại Quảng trường Đỏ của thủ đô Mátxcơva đã diễn ra cuộc tổng duyệt phần bộ binh và cơ giới tham gia cuộc duyệt binh Ngày Chiến thắng phát xít, kết thúc Chiến tranh Thế giới thứ hai (9.5). Điểm đặc biệt trong cuộc duyệt binh này là có sự tham gia của đơn vị kỵ binh hộ vệ Tổng thống Nga Vladimir Putin cùng 10 đội ngũ lực lượng vũ trang nước ngoài của Azerbaijan, Armenia, Belarus, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan, Ấn Độ, Mông Cổ, Serbia và Trung Quốc. Đây được xem là cuộc duyệt binh quy mô lớn nhất trong lịch sử nước Nga đương đại với sự tham gia của khoảng 15.000 quân nhân.

70 năm Chiến thắng phát xít: Không ai bị lãng quên - 1

Một buổi tập duyệt  binh ở Quảng trường Chiến thắng. (Ảnh: Thảo Nguyên)

Có mặt ở Nga những ngày này, mọi người như được sống trong khí thế hào hùng của lịch sử dân tộc Nga. Trên con đường dài 60km từ sân bay vào trung tâm thành phố, ở đâu cũng nhìn thấy những băng rôn, bảng hiệu tuyên truyền về ngày chiến thắng.

Ở khu trung tâm, nhiều quán cà phê đã trở thành điểm thu hút khách du lịch. Gọi một ly cà phê và ngồi nhâm nhi theo dõi sự nhộn nhịp, rầm rập của những khí tài quân sự là sự trải nghiệm tuyệt vời đối với nhiều người. Đặc biệt, vào đúng những ngày diễn tập, bạn sẽ đột nhiên nhìn thấy những chiếc xe tăng nối đuôi thành hàng dài, hàng trăm xe bọc thép hạng nặng, mô hình tàu sân bay tên lửa hạt nhân… ầm ầm kéo qua thành phố. Đối với những người Nga lớn tuổi, những hình ảnh này vô cùng quen thuộc, gợi lại ký ức về tuổi trẻ, về chiến tranh và một thời máu lửa của chính họ hoặc cha mẹ họ. Còn với nhiều người trẻ ở Nga, những hình ảnh này khá lạ lẫm, nhưng lại khơi gợi trong họ niềm tự hào về dân tộc Nga anh hùng.

Maxim- chàng trai Nga đang làm việc tại Tập đoàn Sukhoi nói rằng, 70 năm là quãng thời gian dài, đủ bằng một đời người, theo logic thì mọi thứ có thể đã bị lãng quên, nhưng với người Nga, tất cả vẫn còn nguyên vẹn, không ai, không điều gì bị quên lãng. “Chúng tôi tự hào về chiến thắng và không quên những mất mát đau thương để có được chiến thắng này- đó là tính cách Nga, đặc trưng Nga” - Maxim cho biết. Khoảng 27 triệu công dân Liên Xô bị thiệt mạng trong chiến tranh và hầu như mỗi gia đình người Nga đều có người thân bị mất người thân do chiến tranh.

Dù không phải người trẻ nào ở Nga cũng hiểu được giá trị của lịch sử như Maxim, nhưng với họ Ngày Chiến thắng là ngày để tự hào, ít nhất là tự hào về sức mạnh của quân đội Nga. Nhiều người trẻ tỏ ra thích thú khi họ đổ xô đến chụp ảnh với những cỗ xe tăng, pháo tự hành… Nhiều thanh niên Nga còn cho rằng, các cuộc diễu hành là một phần cơ hội để Nga triển lãm sức mạnh quân sự của mình với số lượng vũ khí và khí tài quân sự “khủng” hơn bao giờ hết.

Các hoạt động tưởng niệm những binh sĩ Hồng quân Liên Xô đã hy sinh trong Chiến tranh Thế giới thứ hai đã diễn ra tại nghĩa trang chiến sĩ Liên Xô lớn nhất Na Uy ở thành phố Nordland miền Bắc Na Uy, với sự tham gia của nhiều người dân bản địa, người Nga, Latvia và Ukraine đang sinh sống tại Na Uy, cùng đại diện Đại sứ quán Nga tại Oslo. 

Những anh lính Hồng quân người Việt

Mùa đông năm 1941-1942 là một trong những mùa đông lạnh nhất trong lịch sử nước Nga. Và đó cũng là một trong những mùa đông đáng sợ nhất: Sau các cuộc tấn công vào Liên Xô, quân đội Đức quốc xã đã đến tận ngoại ô Mátxcơva. Hitler lên kế hoạch nhấn chìm thành phố và biến nó thành một cái hồ lớn. 

Hàng ngàn người dân Mátxcơva đã ghi tên vào phong trào tình nguyện tham gia chống phát xít. Một số người Việt Nam khi ấy sống tại Mátxcơva với họ tên Nga cũng ghi tên tình nguyện gia nhập Hồng quân.  Những ngày mùa đông lạnh lẽo cuối năm 1941, đã có những chiến sĩ Hồng quân người Việt Nam ngã xuống ngay ở cửa ngõ Mátxcơva.

Hành trình đi tìm danh tính của các chiến sĩ này từ phía Liên Xô và Việt Nam đã cho chúng ta biết được tên tuổi của những người anh hùng đó. Đã có 5 tấm Huân chương Vệ quốc hạng nhất được truy tặng cho các chiến sĩ Hồng quân người Việt, từ năm 1987.

Đ.T (Theo Sputnik)

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Thảo Nguyên (từ Mátxcơva) ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN