5 vấn đề nóng ở kỳ họp bất thường của Quốc hội sắp tới

Sự kiện: Thời sự

Tình hình tài chính, kinh tế vĩ mô, phục hồi phát triển kinh tế - xã hội và cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Cần Thơ sẽ bàn tại kỳ họp bất thường.

Chiều 22-11, tại phiên họp thứ năm, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã cho ý kiến về việc chuẩn bị kỳ họp bất thường của QH và bước đầu việc chuẩn bị kỳ họp thứ ba Quốc hội khóa XV.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên họp chiều 22-11 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ảnh: quochoi.vn

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên họp chiều 22-11 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ảnh: quochoi.vn

Năm vấn đề sẽ được bàn tại kỳ họp bất thường

Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch QH Vương Đình Huệ cho hay Chính phủ và UBTVQH đã thống nhất năm nội dung của kỳ họp, nếu chuẩn bị kịp.

Thứ nhất là Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 10 luật liên quan đến đầu tư và kinh doanh để tháo gỡ một số vướng mắc, khó khăn.

Thứ hai, QH cho chủ trương đầu tư dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía đông giai đoạn 2021-2025. “Đây là dự án quan trọng quốc gia nên phải báo cáo QH cho ý kiến về chủ trương” - ông Huệ nói.

Thứ ba là đề án thí điểm về việc tách giải phóng mặt bằng, tái định cư ra khỏi dự án đầu tư công. Theo Chủ tịch QH, tại kỳ họp thứ nhất khóa XV QH đã ban hành nghị quyết cho chủ trương thí điểm việc này nhưng sau khi xây dựng đề án, có một số việc Chính phủ thấy cần thiết phải báo cáo để QH “quyết”.

Thứ tư là dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Cần Thơ. Bộ Chính trị đã có nghị quyết về phát triển TP Cần Thơ, một trong năm TP trực thuộc trung ương. Lẽ ra nội dung này được trình xem xét cùng với bốn tỉnh, thành đã được QH thông qua cơ chế, chính sách đặc thù tại kỳ họp thứ hai vừa kết thúc. Tuy nhiên, do khó khăn về phòng chống dịch, Cần Thơ và các bộ, ngành, Chính phủ chưa chuẩn bị kịp nên đề xuất xem xét đợt này.

Thứ năm là đề án xây dựng cơ chế, chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ kịp thời triển khai chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Đây là gói chính sách tài khóa, tiền tệ để thực hiện kết luận Hội nghị Trung ương 4 và nghị quyết của QH.

Nhiều vấn đề nóng nhưng không vội, không để sai sót

Tại phiên họp, Tổng thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng QH Bùi Văn Cường đã đề xuất các phương án liên quan đến việc chuẩn bị kỳ họp bất thường của QH. Cụ thể, về hình thức họp, Tổng thư ký QH đề nghị tổ chức kỳ họp theo hình thức trực tuyến cả kỳ. Việc biểu quyết thực hiện qua phần mềm cài đặt trên iPad.

Các nội dung trình QH đều là những vấn đề lớn, phức tạp, cần có thời gian để các ủy ban của QH thẩm tra kỹ lưỡng trước khi trình UBTVQH để thống nhất, xin ý kiến chỉ đạo của Bộ Chính trị.

“Nếu cả năm nội dung trên đã được các cấp có thẩm quyền cho ý kiến trong tháng 12-2021 và đủ điều kiện trình QH thì đề nghị UBTVQH báo cáo QH cho tổ chức kỳ họp bất thường vào đầu tháng 1-2022. Dự kiến tổng thời gian kỳ họp khoảng 4,5 ngày” - ông Cường cho hay.

Về kỳ họp bất thường, Chủ tịch QH cho biết theo tinh thần quyết tâm chính trị cao nhất, cố gắng nỗ lực tối đa, tuy nhiên việc tổ chức vẫn tùy thuộc vào công tác chuẩn bị. Đồng thời phải đảm bảo thực hiện đúng quy trình, nghiên cứu kỹ lưỡng, đảm bảo khách quan, công khai, minh bạch, có đầy đủ ý kiến của các cơ quan liên quan, ý kiến chuyên gia… Nhấn mạnh nội dung cho ý kiến tại kỳ họp bất thường là những nội dung khó, phức tạp liên quan đến quốc kế dân sinh, tình hình tài chính, kinh tế vĩ mô, phục hồi phát triển kinh tế - xã hội… Chủ tịch QH yêu cầu các cơ quan phải có quyết tâm chính trị rất lớn và nỗ lực cao với tinh thần vào cuộc tối đa, đảm bảo chất lượng kỳ họp.

Người đứng đầu QH một lần nữa nhấn mạnh các cơ quan QH đã, đang và sẽ tiếp tục vào cuộc sớm, nghiên cứu kỹ lưỡng, với tinh thần khách quan, vô tư, công khai minh bạch và tuyệt đối không để xảy ra sai sót.

“Sai một ly là đi một dặm. Dục tốc bất đạt. Vì vậy, tinh thần xong (hồ sơ) lúc nào là làm lúc đấy” - Chủ tịch QH nói và đề nghị Chính phủ phải bám sát, phối hợp với QH thì mới thực hiện được việc này.•

Chính phủ xây dựng chính sách tài khóa, tiền tệ

Theo Chủ tịch QH, Chính phủ được giao nhiệm vụ xây dựng hai chương trình, gồm: Chương trình tổng thể về công tác phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và chương trình tổng thể về phòng chống dịch theo nguyên tắc thích ứng linh hoạt, kiểm soát an toàn, hiệu quả với COVID-19.

Chính phủ cần trình QH xem xét, ban hành theo thẩm quyền những giải pháp về tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ cho chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Chủ tịch QH thông tin đến nay, các tài liệu này đã được Chính phủ chuẩn bị về cơ bản. Riêng gói chính sách tài khóa, tiền tệ, Chính phủ chưa tách ra được theo ý kiến của TVQH, đang lẫn vào chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Hiện Chính phủ đang xin ý kiến nội bộ, sau đó sẽ thống nhất, hoàn thiện hồ sơ trình TVQH.

Chủ tịch QH cho hay theo kế hoạch, Ủy ban Kinh tế của QH cùng với Ban Kinh tế Trung ương và Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam kết hợp với các tổ chức quốc tế và các cơ quan hữu quan đang rất tích cực chuẩn bị diễn đàn kinh tế thường niên của QH, dự kiến sẽ khai mạc vào ngày 5-12. Đây là luận cứ khoa học và thực tiễn để xem xét, quyết định gói chính sách tài khóa, tiền tệ nói trên. 

Nguồn: [Link nguồn]

Thủ tướng: “Chuyển trạng thái thì chấp nhận ca nhiễm mới nhưng kiểm soát rủi ro”

Thủ tướng nhấn mạnh: “Chúng ta chuyển trạng thái thì chấp nhận có ca nhiễm mới nhưng kiểm soát rủi ro, có các biện...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo ĐỨC MINH ([Tên nguồn])
Thời sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN