37.000 tỉ đồng cho 5 dự án BOT cầu đường tại TP.HCM

Sự kiện: Thời sự

Năm dự án mở rộng các quốc lộ 1, 13, 22, trục Bắc - Nam, cầu đường Bình Tiên sẽ được đưa vào nghiên cứu thực hiện với tổng mức đầu tư hơn 37.000 tỉ đồng.

Ngay từ khi Nghị quyết (NQ) 98 được thông qua, ngành GTVT TP.HCM đã bắt tay vào thực hiện các buổi báo cáo chuyên đề nhằm lựa chọn danh mục ưu tiên đầu tư theo hình thức BOT. Theo đó, năm dự án BOT trên đường hiện hữu đã được nhắm đến gồm mở rộng các quốc lộ (QL) 1, 13, 22, mở rộng trục Bắc - Nam, cầu đường Bình Tiên.

Điểm danh năm dự án cầu đường cửa ngõ quan trọng của TP.HCM

Theo Sở GTVT, năm dự án nêu trên đều nằm tại khu vực cửa ngõ của TP.HCM và đều có vai trò rất quan trọng đối với việc phát triển kinh tế - xã hội của TP. Vì vậy, trong tổng số 107 tuyến đường trục chính có thể áp dụng hình thức BOT từ cơ chế của NQ98, năm dự án này đã được chọn để làm trước.

Trong số trên có ba dự án đều là các QL hiện hữu gồm QL 1, 13, 22. Hiện cả ba tuyến đường này đều nằm ở những vị trí trọng yếu của TP. Tuy nhiên, nhiều năm nay vẫn thường xuyên trong tình trạng quá tải, ùn ứ, kẹt xe, nhất là giờ cao điểm.

Theo đó, người dân từ hướng TP Thủ Đức, Bình Dương, Bình Phước vào TP và ngược lại theo QL13 đều ám ảnh vì tình trạng ùn ứ giao thông tại tuyến đường này. QL13 phía Bình Dương hiện nay đang được nâng cấp, mở rộng lên tám làn xe. Trong khi 5 km nằm trên địa bàn TP.HCM thì cứ ì ạch mãi do vướng quy định pháp luật. Sở GTVT dự kiến khoảng 10.000 tỉ đồng để mở rộng tuyến đường QL13 lên 53-60 m. Sở này đề xuất bố trí ngân sách 50%, doanh nghiệp 50%.

Tại khu vực phía đông TP, người dân từ Hóc Môn, Củ Chi, Tây Ninh vào TP theo hướng QL22 nhiều năm nay cũng ngán ngẩm với tình hình giao thông trên tuyến đường độc đạo kết nối với khu vực trung tâm TP này. Dự án mở rộng QL22 (đoạn từ ngã tư An Sương đến đường vành đai 3) có chiều dài hơn 9 km sẽ mở rộng lên gần 40 m. Tổng mức đầu tư 3.609 tỉ đồng, trong đó ngân sách TP đầu tư tỉ lệ 67%, doanh nghiệp 33%.

QL1 (đoạn từ An Lạc đến giáp ranh tỉnh Long An) dài 9,6 km cũng có tình cảnh tương tự. Hiện nay, Sở GTVT đã đề xuất mở rộng tuyến đường này lên 40 m. Tổng vốn khoảng 12.900 tỉ đồng, trong đó dự kiến ngân sách TP tham gia với tỉ lệ 50% và doanh nghiệp 50%.

Lâu nay các trục đường kết nối vào trung tâm TP từ phía nam TP như Nguyễn Tất Thành, Nguyễn Văn Linh, Nguyễn Hữu Thọ, Phạm Hùng, cầu Kênh Tẻ luôn trong tình trạng quá tải. Theo đó, dự án mở rộng trục đường Bắc - Nam (từ Nguyễn Văn Linh đến nút giao cầu Bà Chiêm) dài 7,5 km cũng sẽ được mở rộng từ bốn lên 10 làn xe. Tổng vốn gần 4.500 tỉ đồng, trong đó ngân sách TP đầu tư tỉ lệ 70% và doanh nghiệp 30%. Trong khi đó, dự án cầu đường Bình Tiên dài 3,2 km nối trung tâm TP về huyện Bình Chánh có tổng vốn dự án này là 6.218 tỉ đồng.

Quốc lộ 13 TP.HCM là một trong năm dự án được chọn làm trước theo hình thức BOT. Ảnh: ĐT

Quốc lộ 13 TP.HCM là một trong năm dự án được chọn làm trước theo hình thức BOT. Ảnh: ĐT

Đây là các dự án cấp bách, khả thi nhất

Lý giải về việc chọn năm dự án nêu trên để làm trước, Sở GTVT cho biết do NQ98 cho phép thực hiện thí điểm trong vòng năm năm. Vì vậy, sở này đề xuất thực hiện các dự án quan trọng, cấp bách và khả thi nhất để triển khai thực hiện. Sở GTVT TP.HCM cho biết các dự án đưa vào nghiên cứu trên đây dự kiến có tổng mức đầu tư khoảng 37.000 tỉ đồng.

Trước đó, ngày 9-8, Sở GTVT đã tổ chức buổi báo cáo chuyên đề tiếp nhận góp ý từ các chuyên gia, nhà khoa học về xây dựng các tiêu chí, danh mục tuyến đường đầu tư bằng hình thức BOT theo các cơ chế của NQ98.

Tại đây, Sở GTVT đã đưa ra bốn tiêu chí để đánh giá và lựa chọn dự án ưu tiên đầu tư. Cụ thể là các tiêu chí như phù hợp với quy hoạch được duyệt cũng như định hướng phát triển không gian kinh tế - xã hội; giải quyết các điểm nghẽn kết nối với các cửa ngõ và đầu mối giao thông quan trọng; khả năng huy động vốn từ khối tư nhân vào dự án. Theo đó, năm dự án nêu trên đều đáp ứng đủ các tiêu chí này. Riêng dự án mở rộng QL1 có tỉ lệ đầu tư cao với điểm đạt 90/100 và cầu vượt Bình Tiên đạt trên 80 điểm.

Ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở GTVT, cho biết dự án đầu tư theo hình thức BOT không mới. Trước đó, TP đã từng triển khai nhiều dự án và mang lại hiệu quả như Xa lộ Hà Nội và QL1. NQ98 cho phép HĐND TP ban hành danh mục các dự án được đầu tư theo hình thức BOT trên đường hiện hữu. “Đây là điều vô cùng quan trọng đối với TP trong bối cảnh ngân sách đầu tư cho hạ tầng giao thông có phần hạn chế” - ông Lâm đánh giá.

Hiện Sở GTVT và đơn vị tư vấn sẽ lập danh sách gửi UBND TP để trình HĐND TP thông qua vào tháng 9 này. Sau đó dựa vào các tiêu chí nêu trên, sở này sẽ tiếp tục cập nhật các dự án tiếp theo.

Ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM, đánh giá năm dự án này đều là những dự án cấp thiết, những trục giao thông vô cùng quan trọng góp phần giải quyết tình trạng ùn ứ hiện nay. Riêng đối với trục Bắc - Nam, cầu vượt Bình Tiên là những dự án trọng điểm, góp phần giải quyết tình trạng ùn ứ tại khu Nam TP. Tương tự, dự án nâng cấp, mở rộng các QL nêu trên sẽ giải quyết tình trạng ùn ứ, tăng sự kết nối với Tây Nguyên, đường vành đai 3 và cao tốc TP.HCM - Mộc Bài trong tương lai.

Bốn tiêu chí đưa dự án vào danh mục ưu tiên

Một là việc cải tạo nâng cấp, mở rộng và hiện đại hóa công trình đường bộ hiện hữu phải phù hợp với quy hoạch được phê duyệt với loại đường phố chính đô thị, đường trên cao để kết nối đồng bộ với các khu đô thị mới, khu đô thị vệ tinh, khu công nghiệp và các đầu mối giao thông.

Hai là phù hợp với định hướng phát triển không gian kinh tế - xã hội, hệ thống phát triển đô thị và nông thôn quốc gia.

Ba là giải quyết các điểm nghẽn kết nối với các cửa ngõ và đầu mối giao thông quan trọng. Khu vực này cũng được chấm điểm và đưa ra ba mức độ như ưu tiên cao, ưu tiên và ưu tiên thấp.

Bốn là khả năng huy động nguồn vốn đầu tư từ khối tư nhân vào dự án BOT. Theo đó, đối với những dự án ưu tiên cao là dự án có tỉ lệ vốn đầu tư từ khối tư nhân trên 50% tổng mức đầu tư dự án. Dự án ưu tiên là dự án có tỉ lệ vốn từ khối tư nhân bằng 50% tổng mức đầu tư, ưu tiên thấp là có sự tham gia của tư nhân không quá 30%.

Nguồn: [Link nguồn]

Bên trong đại dự án Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ

Chủ đầu tư, các đơn vị thi công dự án xây dựng hầm chui Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ, quận 7 đang nỗ lực đẩy nhanh tiến độ dự án.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo ĐÀO TRANG ([Tên nguồn])
Thời sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN