15 tuổi đi xe máy: Không thể kiểm soát
Nhiều học sinh đi xe máy đến trường “lách luật” bằng cách không mặc đồng phục. Các em gửi xe máy ở ngoài, khoác đồng phục lên rồi mới vào học.
Mới đây, ông Nguyễn Hoàng Hiệp – Phó Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia nêu đề xuất việc nghiên cứu hạ độ tuổi cho phép đi xe máy xuống 15 tuổi.
Trả lời chúng tôi, ông Nguyễn Hoàng Hiệp cho rằng, mặc dù cấm người dưới 16 tuổi đi xe máy, nhưng hiện tượng này vẫn diễn ra phổ biến. Học sinh chưa đủ tuổi đi xe máy đến trường, dùng đủ kiểu “lách luật” khiến cơ quan chức năng cũng như gia đình, nhà trường không kiểm soát nổi.
Thưa ông, vì sao ông cho rằng cần nghiên cứu vấn đề hạ độ tuổi cho phép điều khiển xe máy?
Tôi không đề xuất hạ độ tuổi nhưng người chưa đủ 16 tuổi đi xe máy là vấn đề nên được nghiên cứu.
Theo quy định, đi xe máy dưới độ tuổi cho phép là bị CSGT xử phạt. Nhưng trước đây, thể trạng của người Việt còn thấp. Ngày nay, rõ ràng thể trạng người Việt đã tốt hơn rất nhiều. Chiều cao, cân nặng tăng lên, hiểu biết cũng tốt hơn. Cho nên, cần nghiên cứu việc có nên hạ độ tuổi được đi xe máy hay không.
Việc này nhằm quản lý thuận lợi hơn. Người dân có ý thức đi học lái xe. Cơ quan chức năng dễ kiểm soát hơn. Điều này còn tốt hơn là cấm lái xe mà người ta vẫn lái.
Thanh niên 15-18 là lứa tuổi dễ bốc đồng, thiếu kiểm soát. Hạ độ tuổi đi xe máy liệu có phù hợp với tâm lý, tính cách?
Vì vậy đây mới là vấn đề cần đặt ra để nghiên cứu. Luật vẫn phải được xem xét để thay đổi theo thực tiễn.
Câu chuyện cần đặt ra là, cơ quan quản lý gồm cả CSGT, nhà trường, xã hội... đều đã sử dụng nhiều biện pháp nhằm ngăn chặn người dưới 16 tuổi đi xe máy. Nhưng thanh niên, học sinh chưa đủ 16 tuổi vẫn đi xe máy rất nhiều.
Đó là một thực tế mà ai cũng nhìn thấy. Khi không kiểm soát được, chúng ta phải có nghiên cứu đề điều chỉnh phù hợp.
Học sinh đi xe máy gia đình, nhà trường không kiểm soát nổi. (Ảnh minh họa)
Tại sao vấn đề đặt ra không phải là trách nhiệm của các cơ quan quản lý để chấm dứt hiện tượng này?
Thực ra các cơ quan, ban ngành đã vào cuộc rất mạnh, rất kỹ rồi. Nhưng không đủ lực lượng để kiểm soát 24/24 đối với tình trạng thanh niên, học sinh chưa đủ tuổi đi xe máy.
Để kiểm soát vấn đề này, đáng lẽ phải là sự quản lý của các gia đình. Nhưng trên thực tế, nhiều gia đình không giáo dục mà lại tiếp tay cho hành vi vi phạm, giao xe cho con em chưa đủ tuổi. Khi gia đình đã buông lỏng, sẽ rất khó cho cơ quan quản lý Nhà nước.
Một học sinh không mặc đồng phục, lái xe máy trên đường, CSGT không thể biết được người đó bao nhiêu tuổi. CSGT không thể tùy tiện chặn xe lại để kiểm tra đã đủ tuổi hay chưa.
Đến trường, em học sinh không phóng xe vào trường mà gửi cách một đoạn xa, rồi cởi áo ngoài, mặc đồng phục đi vào lớp. Nhà trường cũng không thể kiểm soát nổi.
Chúng ta đang nỗ lực hạn chế phương tiện cá nhân. Nếu hạ độ tuổi được đi xe máy xuống, liệu lượng xe máy lại càng tăng lên?
Việc hạn chế phương tiện cá nhân phụ thuộc vào phát hiển hệ thống giao thông công cộng chứ không phải là tăng hay hạ độ tuổi lái xe. Nếu hệ thống giao thông công cộng tốt lên, người dân tự khắc sẽ giảm đi xe máy xuống.
Trên thực tế, hiện nay, số lượng xe máy hàng năm vẫn cứ tăng lên chóng mặt. Riêng TP. HCM năm vừa rồi tăng hơn 10%.
Xin cảm ơn ông!
Khi được hỏi, Cục CSGT cũng như Vụ Quản lý phương tiện và người lái (Bộ GTVT) cho hay, vẫn chưa biết về vấn đề được ông Nguyễn Hoàng Hiệp, Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban ATGT Quốc gia nêu ra. Các cơ quan này cũng chưa có ý kiến về đề xuất này. Tuy nhiên, trả lời chúng tôi, một chuyên gia nhiều năm nghiên cứu về quản lý giao thông cho rằng, dù có thể xem xét nhưng đó vẫn là điều rất khó thực hiện. Theo chuyên gia này, mặc dù thể trạng người Việt đã tốt hơn trước đây, nhưng tâm lý tuổi trẻ vẫn khó đảm bảo cho việc lái xe trên đường. Mặt khác, đây là câu chuyện của cơ quan quan lý. Việc ngăn chặn người chưa đủ tuổi đi xe hoàn toàn vẫn có thể thực hiện được. Hơn nữa, tuy nói rằng phát triển giao thông công cộng sẽ hạn chế được phương tiện cá nhân, nhưng hiện tại giao thông công cộng của Việt Nam vẫn chưa tốt. Cho nên, theo chuyên gia này, việc hạ độ tuổi đi xe máy càng dễ làm tăng lượng xe máy lên cao hơn. |
Điều 60. Luật Giao thông đường bộ quy định: a) Người đủ 16 tuổi trở lên được lái xe gắn máy có dung tích xi-lanh dưới 50 cm3 (50 phân khối); b) Người đủ 18 tuổi trở lên được lái xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh có dung tích xi-lanh từ 50 cm3 trở lên và các loại xe có kết cấu tương tự; xe ô tô tải, máy kéo có trọng tải dưới 3.500 kg; xe ô tô chở người đến 9 chỗ ngồi; c) Người đủ 21 tuổi trở lên được lái xe ô tô tải, máy kéo có trọng tải từ 3.500 kg trở lên; lái xe hạng B2 kéo rơ moóc (FB2); d) Người đủ 24 tuổi trở lên được lái xe ô tô chở người từ 10 đến 30 chỗ ngồi; lái xe hạng C kéo rơ moóc, sơ mi rơ moóc (FC); đ) Người đủ 27 tuổi trở lên được lái xe ô tô chở người trên 30 chỗ ngồi; lái xe hạng D kéo rơ moóc (FD); e) Tuổi tối đa của người lái xe ô tô chở người trên 30 chỗ ngồi là 50 tuổi đối với nữ và 55 tuổi đối với nam. |