10 năm cay đắng nhốt chồng trong lồng sắt

Mặc dù thương chồng vô cùng nhưng chị Nguyễn Thị Huyên buộc phải làm điều đó bởi gia cảnh quá nghèo, chị không thể chữa bệnh cho chồng tới nơi tới chốn.

Tình thương chan đầy nước mắt

Chúng tôi về thôn Minh Thịnh, xã Minh Lộc (huyện Hậu Lộc, Thanh Hóa) và nhanh chóng tìm được nhà chị Nguyễn Thị Huyên (SN 1976) cùng người chồng khốn khổ - anh Trịnh Văn Lởi. Lúc chúng tôi tới, người bệnh đang nằm trong cái lồng sắt dài 2m, rộng chưa đầy 1m. Cái lồng này chị Huyên đóng năm 2004, khi mà những trận đòn của anh Lởi trút lên đầu chị, người mẹ già và những đứa con nhỏ ngày càng nhiều, có trận thập tử nhất sinh.

17 năm trước, anh Lởi hoàn toàn bình thường. Thời đấy, anh hiền lành, chịu khó nên ngay lúc mới gặp, chị Huyên đã rất quý mến rồi hai người nên vợ nên chồng. Cuộc sống hai vợ chồng cũng tạm đủ ăn.

10 năm cay đắng nhốt chồng trong lồng sắt - 1

Không thể đi viện điều trị vì quá nghèo, 10 năm qua, anh Trịnh Văn Lởi phải ở trong lồng sắt

"Từ năm 2004, anh Lởi theo bạn bè vào Nam làm ăn, không hiểu sao khi trở về lại ra nông nỗi này” - chị Huyên nhớ lại. Hàng ngày, anh Lởi hay hò hét, nóng giận thất thường. Những bữa cơm hạnh phúc không còn nữa. “Khi biết bệnh tình của anh ấy, nhiều người khuyên tôi làm đơn ly dị để khỏi cực khổ nhưng nhìn chồng, nhìn con còn nhỏ dại, tôi càng thương anh ấy hơn”- chị nói.

Việc chị Huyên phải làm lồng sắt nhốt chồng, hàng xóm ai cũng cảm thương, bởi nếu để anh ra ngoài thì quá nguy hiểm. Mỗi lần cho anh uống thuốc, chị phải nghiền nát rồi trộn vào cơm cho anh ăn. “Có nhiều hôm đi làm về mệt mỏi, chuẩn bị bữa cơm, vừa mang đến cho anh, lập tức bị anh cầm cả bát cơm ném vào mặt. Những lúc như thế tôi tủi thân vô cùng, nhưng nhìn anh kêu gào, hò hét tôi lại thương anh lắm”, nước mắt chị Huyên chảy dài.

Bác sĩ La Đức Cương - Giám đốc Bệnh viện Tâm thần T.Ư 1 cho biết: "Không ít người tâm thần do gia đình không có tiền đưa đi chữa bệnh, phải bị nhốt cũi như vậy. Trước đây, Chương trình mục tiêu quốc gia về sức khỏe tâm thần có cấp phát thuốc điều trị miễn phí cho người tâm thần ở một số tỉnh khó khăn. Tuy nhiên, số thuốc ngày càng bị cắt giảm nên người tâm thần sẽ không được hỗ trợ nữa. Nếu không có giải pháp, số người bị nhốt như vậy sẽ ngày càng tăng, khổ cả người nhà lẫn người bệnh".

Mong tương lai sáng hơn

Ôm đứa con út đang học lớp 7 vào lòng, chị Huyên bảo: “Tôi có 2 đứa con. Cháu đầu học lớp 10, còn cháu sau thì học lớp 7. Cả 2 đứa biết bố bệnh tật, mẹ vất vả nên đều chăm ngoan, học giỏi. Vừa rồi, cháu Xuân đi thi học sinh giỏi của huyện được giải 3 môn toán”.

Trước đây, do con còn nhỏ, nhà nội nghèo, nhà ngoại cũng chẳng khá giả hơn nên chị Huyên không có tiền đưa anh đi khám. Sau đó, chị gom góp được chút ít, cộng với sự giúp đỡ của anh em họ hàng, chị mới đưa anh Lởi lên bệnh viện đa khoa tỉnh. Điều trị tại bệnh viện được hơn 3 tháng, chẳng còn tiền để lo cho chồng, con cái ở nhà cũng nheo nhóc nên chị đành đưa anh về điều trị ngoại trú. Khi chị làm lồng nhốt chồng, họ hàng bên nội cũng giúp sức, bởi dù sao anh cũng được vợ con chăm sóc.

Thương chồng bao nhiêu, chị lại thương mấy đứa con còn nhỏ dại bấy nhiêu. Đứa con đầu, Trịnh Văn Thanh, bị bạn bè trêu đùa về người bố nên hay tủi thân và mặc cảm. “Nhìn bố như thế, rồi mẹ cũng bệnh tật suốt nên hôm trước cháu Thanh xin tôi nghỉ học để đi làm thêm. Nhưng tôi kiên quyết, dù vất vả thế nào cũng phải nuôi các con ăn học đến nơi, đến chốn” - chị Huyên nói.

Anh Lởi bị bệnh tâm thần, mỗi tháng được trợ cấp 270.000 đồng, còn chị Huyên có hơn 2 sào ruộng nên gia đình rất khó khăn. Nhưng vượt lên tất cả, người phụ nữ này vẫn không kêu ca, than vãn mà chỉ mong cuộc sống sẽ bớt sóng gió, mong có một khoản tiền nhỏ để chữa bệnh cho chồng và 2 đứa con không phải bỏ học.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Trương Tình (Dân Việt)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN