Trời nồm, bệnh tật đua nhau hoành hành

Mấy ngày nay, thời tiết Hà Nội mưa phùn, ẩm ướt, có lúc độ ẩm lên đến 90% khiến mọi sinh hoạt đều trở nên khó khăn, nhất là những người già và trẻ em, người bị bệnh mãn tính.

Đủ bệnh khi trời nồm

Đến Bệnh viện Bạch Mai khám theo yêu cầu, anh Vũ Quốc Hưng trú tại Linh Nam, Hà Nội cho biết anh bị viêm mũi dị ứng mãn tính nên mấy ngày nay thời tiết thay đổi, trời ẩm ướt khiến anh luôn bị nghẹt mũi, mũi lúc nào cũng đỏ lên, chảy nước mũi. Điều khiến anh Hưng mệt mỏi nhất không chỉ viêm mũi dị ứng mà anh còn cảm nhận sự mệt mỏi, mất ngủ vì thời tiết thay đổi.

Trời nồm, bệnh tật đua nhau hoành hành - 1

Trẻ nhập viện vì trời nồm tại BV Bạch Mai.

Anh Hưng giọng mệt mỏi tâm sự: "Tôi bị viêm mũi dị ứng từ lâu lại cộng thêm với bệnh suy nhược cơ thể nên cảm nhận rõ sự thay đổi của thời tiết. Khi nào thời tiết chuẩn bị nắng hay mưa là cơ thể rệu rã, người khó thở, ù tai. Mấy ngày nay chẳng đêm nào tôi ngủ được vì chứng bệnh này. Đi khám, bác sĩ chỉ bảo viêm mũi dị ứng. Tôi như người cảm cúm nhưng cũng không ra cảm cúm, chẳng uống thuốc gì cho khỏi".

Với người già, thời tiết ở Hà Nội những ngày qua là nguyên nhân gây mệt mỏi, uể oải, mất ngủ... khiến chứng đau đầu, bệnh thấp khớp, tim mạch, hen suyễn, viêm phổi, viêm da và những căn bệnh mãn tính kinh niên của người cao tuổi có cơ hội trỗi dậy. Bác sĩ Nguyễn Văn Long - Bệnh viện Lão Khoa Trung ương cho biết bệnh người già vào mùa này tăng hơn nhất là viêm phổi và hen suyễn.   

Còn bác sĩ Nguyễn Thành, Bệnh viện Da liễu Trung ương, cho biết, khi trời nồm, phần tế bào mặt ngoài da sẽ khô bong để lộ lớp tế bào non nên da dễ bị lở loét, nứt nẻ, dị ứng. Mấy ngay nay bệnh nhân đến khám da liễu cũng nhiều hơn. 

Chị Phương trú tại Hàng Buồm, Hà Nội tâm sự, mấy ngày trời nồm, quần áo ẩm ướt, hôi hám mặc vào chị có cảm giác ngứa ngáy, da dẻ sần sùi. Chị đang bị viêm da cơ địa nên những ngày độ ẩm cao như thế nhưng da vẫn bong tróc và căng rát. 

Còn bệnh nhân Hoàng Văn Đốc trú Thái Thụy, Thái Bình bị bệnh lupus ban đỏ cũng đang mệt mỏi với cái thời tiết ẩm ương này. Ông Đốc cho biết năm nào ra giêng hai ông cũng phải đi viện vì thời tiết khiến ông mệt mỏi và khó thở.

Trời nồm, bệnh tật đua nhau hoành hành - 2

Bệnh nhân xếp hàng mua phiếu khám tại bệnh viện.

Những bức tường đổ mồ hôi, nên nhà ẩm ướt, quần áo mốc vì không thể khô là môi trường lý tưởng của vi khuẩn, vi rút gây bệnh. Vì thế để giảm các bệnh ngoài da, bác sĩ Thành khuyến cáo không đi chân đất trên nền nhà ẩm ướt, không mặc quần chưa khô…

Cách đối phó tốt nhất là hạn chế mở cửa, thường xuyên lau nhà bằng khăn khô; có thể bật máy điều hòa không khí làm cho khô hoặc dùng máy hút ẩm. Khi thấy hiện tượng nấm mốc phải lau chùi ngay vì chúng phát triển rất nhanh, dễ gây bệnh.

Bệnh nhi tăng vì trời nồm

Mấy ngày nay, khoa Nhi Bệnh viện Bạch Mai, khoa Nhi Bệnh viện Xanh Pôn Hà Nội số bệnh nhi đến khám tăng vọt. Trong đó, các bệnh viêm hô hấp trên, viêm phế quản, tiểu quản, đặc biệt là trẻ có cơ địa dễ dị ứng.   

Bác sĩ Nguyễn Văn Thường - Bệnh viện Xanh Pôn cho biết, nồm ẩm rất thuận lợi cho sự phát triển các vi rút gây bệnh đường hô hấp. Vì vậy, các bà mẹ có con cơ địa dị ứng với thời tiết hết sức chú ý phòng tránh. 

Thời tiết này cũng tạo điều kiện cho các vi rút gây bệnh đường hô hấp, sốt phát ban, sởi, thuỷ đậu, rubella phát triển, gây bệnh cả trẻ em và cả người lớn. Phòng tránh bệnh cho trẻ được xem là biện pháp tốt nhất để trẻ không mắc các chứng viêm hô hấp trên và viêm phế quản. Các biện pháp được khuyến cáo đó là cho trẻ cần ăn nhiều vitamin qua các loại rau củ quả nhiều hơn. Hạn chế đồ ăn béo.

Buổi sáng đi học nên mặc cho trẻ một áo cotton bên trong, ngoài khoác áo rét. Như thế sáng trẻ được mặc ấm, trưa nóng thì cởi bớt áo khoác để tránh mồ hôi thấm ngược dễ sinh cảm lạnh. 

Ban đêm trẻ hay ra mồ hôi nên đặt vào lưng trẻ tấm khăn xô, nếu sờ thấy lưng trẻ ướt thì lau lưng và rút khăn ướt ra, thay khăn khô vào để trẻ không bị mồ hôi làm nhiễm lạnh. Chú ý vì lúc đêm trời nóng nhưng nhiệt độ lại giảm về gần sáng nên giữ ấm cho trẻ. Tốt nhất, các gia đình nên giữ nhiệt độ phòng 25 độ C.

Những người có bệnh mãn tính cần tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ, duy trì đơn thuốc và các biện pháp kiểm soát bệnh tốt để yếu tố môi trường kích thích bệnh phát tác. Khi thấy có các biểu hiện bất thường, cần liên hệ ngay với bác sĩ để được tư vấn. 

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Phúc Mai ([Tên nguồn]) .
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN