Ukraine: Tiểu đoàn Azov khét tiếng từ đâu ra, vì sao Nga quyết diệt bằng được?

Tiểu đoàn Azov với những chiến binh mang nặng tư tưởng cực đoan là một trong những nguyên nhân khiến Nga mở chiến dịch quân sự ở Ukraine. Trong trận chiến ở thành phố cảng chiến lược Mariupol, tiểu đoàn Azov được cho là nòng cốt sức kháng cự của lực lượng Ukraine.

Chiến binh Azov cùng lá cờ mang biểu tượng “Wolfsangel” (ảnh: AP)

Chiến binh Azov cùng lá cờ mang biểu tượng “Wolfsangel” (ảnh: AP)

1. Sự thành lập

Tháng 5.2014, giữa lúc quân đội Ukraine đang tranh giành các khu vực kiểm soát ở vùng Donbass ly khai, tiểu đoàn Azov – tiền thân là nhóm có tư tưởng tân phát xít Social National Assembly – được thành lập và nhanh chóng nâng quân số từ 300 lên 900 – 1.000 thành viên.

Các chiến binh của Azov bị đánh giá là những người mang nặng tư tưởng dân tộc cực đoan, phát xít và da trắng thượng đẳng. Trong quá khứ, Azov bị cáo buộc đứng sau nhiều vụ tấn công người di cư, những người chống đối, người nói tiếng Nga và cả dân thường, theo Aljazeera.

Là một nhóm quân sự, Azov từng chiến đấu chống lại lực lượng ly khai thân Nga ở Donetsk. Tuy nhiên, họ không phục tùng mệnh lệnh của quân đội Ukraine.

Ngày 12.11.2014, sau chiến công giành lại thành phố Mariupol từ tay phe ly khai ở Donetsk, Azov được Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko ca ngợi, chính thức sáp nhập vào Lực lượng vệ binh quốc gia Ukraine. Bộ Nội vụ Ukraine cũng rót tiền tài trợ cho nhóm này.

“Đây là những chiến binh tốt nhất của chúng ta”, Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko nói về Azov hồi năm 2014.

Mặc dù vậy, sự bất tuân của Azov vẫn khiến chính quyền Ukraine lo lắng. Tháng 11.2014, Tiểu đoàn Aidar – một nhóm quân sự có tư tưởng cực đoan giống Azov – đã kéo về Kiev làm loạn, bao vây trụ sở Bộ Quốc phòng Ukraine. Quân đội Ukraine sau đó đã tiêu diệt và bỏ tù những phần tử cực đoan của Aidar.

Azov đào tạo quân tình nguyện Ukraine trong xung đột với Nga (ảnh: FT)

Azov đào tạo quân tình nguyện Ukraine trong xung đột với Nga (ảnh: FT)

Việc quân đội không đủ sức trấn áp phe ly khai ở miền đông được cho là nguyên nhân chính khiến Kiev “dựa dẫm” vào các nhóm quân sự cực đoan như Azov, theo RT. Được nhiều tài phiệt hỗ trợ, Azov ngày càng lớn mạnh và được trang bị tốt hơn. Đây cũng là cách giới siêu giàu Ukraine “chạm một tay” vào quyền lực quân sự trong nước.

Tháng 6.2015, Mỹ và Canada tuyên bố sẽ không ủng hộ và hỗ trợ cho Tiểu đoàn Azov vì “có tư tưởng tân phát xít”. Tuy nhiên, dưới sự tham vấn của Lầu Năm Góc, Washington đã dỡ bỏ lệnh cấm này vào năm 2016.

Sau khi Azov sáp nhập vào Lực lượng vệ binh quốc gia Ukraine, Andriy Biletsky – người sáng lập Azov và nhóm SNA – tuyên bố rời vị trí chỉ huy Tiểu đoàn để đổi lấy một ghế trong quốc hội. Theo luật pháp Ukraine, nghị sĩ quốc hội được chọn thông qua bầu cử thì không thể tham gia lực lượng quân sự hoặc cảnh sát. Tháng 10.2016, Andriy Biletsky thành lập đảng National Corps với nền tảng là các cựu chiến binh của Azov. Đảng này không nhận được nhiều sự tín nhiệm ở Ukraine.

Các chiến binh Azov mang mặt nạ khi chiến đấu (ảnh: Aljazeera)

Các chiến binh Azov mang mặt nạ khi chiến đấu (ảnh: Aljazeera)

2. Tư tưởng gây tranh cãi

Năm 2015, Andriy Diachenko – người phát ngôn của Azov – tuyên bố, 10 – 20% binh sĩ của Azov là “những người mang tư tưởng phát xít”. Trong những năm đầu hoạt động, hầu hết các chiến binh của Azov đều xăm hoặc đeo phù hiệu “Wolfsangel” – phù hiệu thần sói được lực lượng SS của Đức Quốc xã sử dụng trong Thế chiến II, theo Financial Times.

Tháng 1.2018, Azov tự ý triển khai các đơn vị tuần tra trên đường phố để “khôi phục trật tự” ở Kiev. Trong hoạt động này, các chiến binh của Azov đã tấn công một số người nước ngoài nhập cư, người đồng tính và khiến Kiev phẫn nộ. Một số thành viên của Azov sau đó bị Kiev trừng phạt để trấn an dư luận.

Văn phòng Cao ủy Nhân quyền Liên hợp quốc (OCHA) từng cáo buộc Azov có hành vi vi phạm luật nhân đạo quốc tế. Theo báo cáo của OCHA, từ tháng 11.2015 – 2.2016, Azov đã tấn công và cướp tài sản của nhiều dân thường ở Donbass.

Azov phô diễn lực lượng (ảnh: Sputnik)

Azov phô diễn lực lượng (ảnh: Sputnik)

Tháng 10.2019, 40 nghị sĩ Mỹ đã ký vào thư kêu gọi Bộ Ngoại giao Mỹ xếp Azov vào danh sách “tổ chức khủng bố nước ngoài”. Cùng năm, mạng xã hội Facebook cấm Azov đăng các bài viết mang tư tưởng cực đoan. Tuy nhiên, hôm 24.2, Facebook đã nới lỏng cấm này với lý do Azov có “vai trò trong việc bảo vệ Ukraine”.

Theo France24, sự tồn tại của Azov đang thu hút chú ý của dư luận quốc tế khi Nga nhiều lần tuyên bố muốn “phi phát xít hóa” Ukraine. Việc tiểu đoàn này bị xóa sổ là cách quân đội Nga hoàn thành một trong những mục tiêu.

3. Hoạt động trong xung đột Nga – Ukraine

Theo Aljazeera, từ khi Nga mở chiến dịch quân sự ở Ukraine, quân đội của Azov nhanh chóng nâng lên từ 2.000 – 3.000 chiến binh. Azov đã trở thành trung đoàn thay vì tiểu đoàn như trước đây. Trụ sở của Azov đặt tại Mariupol và đây cũng là nơi giao tranh khốc liệt trong hơn 1 tháng qua giữa lực lượng Ukraine với quân đội Nga.

“Danh tiếng của Azov giúp họ thu hút nhiều tân binh gia nhập. Họ đã thay đổi và không còn là một biểu tượng của chủ nghĩa phát xít cực đoan”, Vyacheslav Likhachev – chuyên gia tại Trung tâm Nhân quyền ZMINA ở Kiev – nhận xét.

“Năm 2014, Azov thực sự có tư tưởng cực đoan. Họ là tập hợp của những người mang nặng chủ nghĩa dân tộc và phân biệt chủng tộc. Nhưng trong chiến dịch quân sự của Nga, những chiến binh của Azov đã cầm súng và chiến đấu như các đơn vị bình thường”, Andreas Umland – chuyên gia tại Trung tâm Nghiên cứu Đông Âu Stockholm – nói với France24.

Hôm 16.3, Nga cáo buộc Azov đánh sập một nhà hát ở thành phố Mariupol, được cho là nơi nhóm này đồn trú.

“Theo dữ liệu đáng tin cậy hiện có, các chiến binh của Tiểu đoàn Azov theo đã thực hiện một vụ khiêu khích đẫm máu mới bằng cách cho nổ tung nhà hát do chính họ kiểm soát”, Bộ Quốc phòng Nga cáo buộc.

Ukraine phủ nhận thông tin trên và cho rằng quân đội Nga mới là bên khai hỏa.

Binh sĩ của phe ly khai thân Nga xuất hiện trên đường phố Mariupol (ảnh: CNN)

Binh sĩ của phe ly khai thân Nga xuất hiện trên đường phố Mariupol (ảnh: CNN)

Hôm 17.4, Nga cáo buộc Lực lượng Ukraine đang cố thủ ở thành phố Mariupol không ra đầu hàng vì e sợ Azov.

“Kiev cấm đàm phán về việc đầu hàng và lệnh cho các phần tử thuộc tiểu đoàn Azov bắn bất cứ binh sĩ Ukraine hoặc lính đánh thuê nào muốn hạ vũ khí”, Bộ Quốc phòng Nga cho hay.

Bất chấp những “lùm xùm” về hoạt động của Azov, Tổng thống Ukraine cho rằng nhóm này thực sự đóng vai trò quan trọng trong xung đột với Nga.

“Azov là một trong số nhiều tiểu đoàn chiến đấu. Họ tham gia bảo vệ đất nước. Năm 2014, họ là lực lượng tình nguyện chiến đấu một cách bột phát. Một số thành viên đã vi phạm luật pháp và đã bị trừng trị, một số phải ngồi tù. Các chiến binh Azov giờ không còn hoạt động tự do, họ là một thành phần của quân đội Ukraine. Không ai đứng trên luật pháp”, ông Zelensky nói với Fox News hôm 1.4.

Nguồn: [Link nguồn]

3 vụ chìm tuần dương hạm kinh hoàng nhất của quân đội Mỹ

Được ví như những pháo đài nổi trên biển, tuần dương hạm có ưu thế về tấn công với dàn hỏa lực mạnh nhưng lại gây lo ngại về khả năng phòng thủ vì kích thước khổng...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Vương Nam – tổng hợp ([Tên nguồn])
Xung đột Nga - Ukraine Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN